Luận cương của Lê Nin" Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa " quyết định bước ngoặt và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh

Từ bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga, phân tích một cách khoa học những thất bại và thành công của Quốc tế I, Quốc tế II và Quốc tế III, mà trong “Đường kách mệnh” 1927, Hồ Chí Minh kết luận: “Xem những việc ấy thì đủ biết rằng An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”[11]. Trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” 1930, sau khi phân tích các mâu thuẫn trong nước, Người chỉ thị: “Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa, nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản”[12]. Người cũng chỉ thị trong “Sách lược vắn tắt của Đảng” rằng: “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào con đường thỏa hiệp”[13]

doc6 trang | Chia sẻ: vuductuan12 | Lượt xem: 2381 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Luận cương của Lê Nin" Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa " quyết định bước ngoặt và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
Luận cương của Lê Nin" Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa " quyết định bước ngoặt và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh
1. Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa quyết định bước ngoặt cách mạng của Hồ Chí Minh.
Bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” gồm 12 luận cương, ở đó Lênin đã đề cập tới những vấn đề cơ bản sau:
1. Giai cấp tư sản đã giải quyết một cách trừu tượng và hình thức vấn đề dân tộc và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Đó là một sự đối trá, thủ tiêu đấu tranh giai cấp nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Thực chất chủ nghĩa dân tộc của giai cấp tư sản là vị kỷ, hẹp hòi, cá lớn nuốt cá bé. Nó tạo ra những quốc gia độc lập về phương diện chính trị, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản về phương diện kinh tế, tài chính và quân sự (Luận cương 1, 9, 10, 11).
2. Lênin đã đặt ra một loạt các vấn đề có tính nguyên lý và những phương hướng giải quyết các vấn đề dân tộc của chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Ở đó các dân tộc đều có quyền bình đẳng và quyền tự quyết về vận mệnh của dân tộc mình trên tinh thần hợp tác và xích lại gần nhau giữa các dân tộc. Đây là sự phát triển, hoàn thiện lý luận chủ nghĩa Mác về vấn đề dân tộc của Lênin (Luận cương 2, 3, 4, 7, 8, 10, 11, 12).
Nếu “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” 1848 với các Lời tựa của nó do Ăngghen viết cho các lần tái bản 1892 và 1893 khẳng định: giải phóng dân tộc là điều kiện để đoàn kết quốc tế chống chủ nghĩa tư bản, đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Thì “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” của Lênin đã chỉ ra những nguyên tắc liên quan trực tiếp đến cách mạng Việt Nam và ảnh hưởng đến tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Những nguyên tắc đó là:
a. Phải phân biệt rõ lợi ích của các giai cấp bị áp bức, bóc lột với lợi ích của giai cấp thống trị. Phân biệt rõ quyền lợi của dân tộc bị áp bức với quyền lợi của các lực lượng đi áp bức. Nhờ giác ngộ được nguyên tắc này mà Hồ Chí Minh đã khác với tất cả các lãnh tụ yêu nước khác của Việt Nam, Người phân tích một cách sâu sắc các giai cấp, tầng lớp xã hội ở Việt Nam; phân tích mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp ở Việt Nam mà tìm ra phương pháp đúng nhằm giáo dục, tập hợp, tổ chức và lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mẫu số chung của đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh là tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc. Đây là một nguyên tắc tư duy chính trị đặc sắc của Hồ Chí Minh (thêm bạn bớt thù - tác giả nhấn mạnh), có giá trị to lớn đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc của cách mạng Việt Nam.
b. Gắn kết phong trào công nhân với phong trào giải phóng dân tộc là vấn đề sống còn, là điều kiện tiên quyết trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Nhận thức được nguyên tắc này, mà năm 1924, trong “Lênin và các dân tộc phương Đông” Hồ Chí Minh đã viết: “Lênin là người đầu tiên đã hiểu và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lênin là người đầu tiên chỉ rõ rằng, nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được”[1].
Tuy nhiên, do hạn chế về điều kiện lịch sử, mà dù thấy được vai trò quan trọng của của cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng Lênin vẫn khẳng định sự thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc bị lệ thuộc vào sự thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc: “Nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”[2]. Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới đã phân tích sâu sắc tình hình thuộc địa, nhất là tình hình cách mạng Việt Nam mà khẳng định và thực hiện: cách mạng giải phóng dân tộc nếu được tiến hành một cách chủ động, sáng tạo thì có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Trong “Đường kách mệnh” 1927, Người viết: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư sản Pháp yếu, tư sản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ”[3].
3. Đề cập về những yếu tố dân tộc của các nước thuộc địa, một mặt Lênin phê phán những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản như “tinh thần ích kỷ dân tộc”, “thành kiến dân tộc tiểu tư sản thâm căn cố đế”; mặt khác Lênin đặc biệt lưu ý hai vấn đề: Sự nghi kỵ của quần chúng cần lao ở các nước thuộc địa “đối với các dân tộc đi áp bức nói chung, kể cả với giai cấp vô sản của các dân tộc đó”[4]; Tình trạng lạc hậu của nước tiểu sản xuất nông nghiệp mang tính chất gia trưởng làm cho “những thành kiến tiểu tư sản thâm căn cố đế nhất như tinh thần ích kỷ dân tộc, hẹp hòi dân tộc có một sức mạnh đặc biệt và có tính dai dẳng”[5]. Nhờ những gợi ý quan trọng này của Lênin mà Hồ Chí Minh sau này, trong “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ” năm 1924, Người đã chủ trương đoàn kết dân tộc phải kết hợp với đoàn kết quốc tế: “Sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản toàn thế giới”[6], và đã phát hiện ra “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”[7], “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Giờ đây người ta không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”[8].
Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Hồ Chí Minh đã viết về ảnh hưởng của bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” của Lênin đối với Người như sau: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba.”[9].
Người đến với Lênin trước hết là sự hấp dẫn của bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” của Lênin, bởi ở đó Lênin là người bênh vực cho các dân tộc thuộc địa. Điều này đã được Hồ Chí Minh tâm sự, ngay từ 1920 “dù chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình, tôi vẫn đập mạnh những lời lẽ chống lại Lênin, chống lại Quốc tế thứ ba. Lý lẽ duy nhất của tôi là: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?”[10]. Ngày ấy, trên đất nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã từ bỏ lập trường dân chủ tư sản để đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Từ bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga, phân tích một cách khoa học những thất bại và thành công của Quốc tế I, Quốc tế II và Quốc tế III, mà trong “Đường kách mệnh” 1927, Hồ Chí Minh kết luận: “Xem những việc ấy thì đủ biết rằng An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”[11]. Trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” 1930, sau khi phân tích các mâu thuẫn trong nước, Người chỉ thị: “Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa, nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản”[12]. Người cũng chỉ thị trong “Sách lược vắn tắt của Đảng” rằng: “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào con đường thỏa hiệp”[13]
Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình Người tìm đường cứu nước. Qua nghiên cứu Luận cương, Người đã hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba. Đồng thời, vận dụng sáng tạo Luận cương của Lênin, khẳng định con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh đã phát triển thêm Luận cương của Lênin cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới.
2. Lênin và Cách mạng Tháng Mười quyết định sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
            a. Khái quát quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Chí Minh trải qua 5 giai đoạn, thì kể từ 1920 trở đi, bất cứ giai đoạn nào Lênin và Cách mạng Tháng Mười cũng đều ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Người.
Từ 1911 đến 1920, đây là giai đoạn Hồ Chí Minh bôn ba năm châu bốn biển và bước đầu xác định được con đường cứu nước của Việt Nam. Việc xác định được con đường cứu nước ở giai đoạn này không chỉ phụ thuộc vào tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo và đổi mới của Hồ Chí Minh, mà còn là sự tác động rất lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười đến tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, bằng chính “Bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” của Lênin. Nhờ nó mà Người đến với Lênin và chủ nghĩa Mác-Lênin, và chọn con đường cách mạng Việt Nam theo cách mạng vô sản.
Từ 1920 đến 1930, là giai đoạn Hồ Chí Minh đã xác định đúng các nội dung cơ bản của con đường cách mạng Việt Nam. Việc xác định cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và Cách mạng xã hội chủ nghĩa, ở Hồ Chí Minh tại thời kỳ này không chỉ là nhờ từ chủ nghĩa Lênin Người đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn ở sự rút ra được bài học kinh nghiệm của cách mạng thế giới của Hồ Chí Minh, mà Cách mạng Tháng Mười đã mạng lại cho Người bài học kinh nghiệm quý báu nhất: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[14]. Từ đó Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và bắt đầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam tuân thủ 3 nguyên tắc của cách mạng vô sản: Do Đảng Cộng sản lãnh đạo; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; liên minh công nông là nguyên tắc cao nhất của cách mạng vô sản. .
Từ 1930 đến 1945, đây là giai đoạn Hồ Chí Minh phải vượt qua mọi thử thách, thậm chí phải đơn độc chống lại chủ nghĩa tả khuynh trong Đảng Cộng sản Việt Nam và trong Quốc tế Cộng sản nên phải bị giam lỏng tại Liên Xô, để kiên định con đường cách mạng mình đã lựa chọn. Vượt qua được mọi thử thách, kể cả bị tù đày tại 30 nhà lao của Tưởng Giới Thạch, kiên định với con đường cách mạng đã lựa chọn, là nhờ phần lớn Hồ Chí Minh rất trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin. Người từng căn dặn Đảng ta, muốn thực sự đảm đương vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam và làm tròn những nhiệm vụ chính trị của Đảng, thì “Đảng phải đấu tranh không nhân nhượng chống tư tưởng bè phái, và phải tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin để nâng cao trình độ văn hóa và chính trị cho các đảng viên”[15]. Điều này, không những được Người chỉ ra từ 1939 trong “Những chỉ thị mà tôi nhớ và truyền đạt”, mà sau này trong nhiều tác phẩm khác, nhất là các tác phẩm bàn về đạo đức cách mạng, về tư cách đảng viên đều được Người nhấn mạnh.
Từ 1945 đến 1969, là giai đoạn Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo thắng lợi cách mạng Việt Nam theo con đường Người đã chọn. Đây cũng là giai đoạn hoàn thiện tư tưởng của Người về vấn đề dân tộc và vấn đề chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Làm được như vậy chính là nhờ Người đã rất trung thành với Lênin: “Trước mắt các dân tộc phương Đông, Lênin không chỉ là một vị lãnh tụ, một người chỉ huy. Đó cũng là một người thầy có sức hấp dẫn... làm cho quả tim của chúng tôi hướng về Người, không gì ngăn cản nổi... Lênin là hiện thân của tình bác ái”[16]. “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn...”[17].
Về vấn đề dân tộc, tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Lênin vào Việt Nam, Hồ Chí Minh tuyên bố: Độc lập tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc và đưa ra chân lý sáng ngời của thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do”[18]. Người đề cao dân tộc nhưng không hạ thấp giai cấp, chủ trương kết hợp nhuần nhuyễn các vấn đề dân tộc với giai cấp, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng vừa giành độc lập cho dân tộc mình, vừa giành độc lập cho dân tộc bạn. Người đặt cách mạng Việt Nam vào dòng chảy của cách mạng thế giới: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận cấu thành của cả ba bộ phận cấu thành của sức mạnh thời đại (phong trào Xã hội chủ nghĩa, phong trào Giải phóng dân tộc, sự phát triển của Khoa học kỹ thuật và Công nghệ)... Những luận điểm của Người về vấn đề dân tộc đều tập trung đỉnh cao nhất là sự thống nhất giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Về vấn đề xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Lênin vào Việt Nam, mà Hồ Chí Minh đã có nhiều định nghĩa khác nhau về CNXH ở Việt Nam. Thông qua các định nghĩa ấy mà chỉ ra các đặc trưng bản chất của CNXH ở Việt Nam, đồng thời xác định các mục tiêu và động lực của CNXH ở Việt Nam. Đóng góp quan trọng của Người là ở chỗ xuất phát từ điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam mà xây dựng những vấn đề có tính nguyên tắc cho CNXH của Việt Nam. Cũng như Mác, Ăngghen và Lênin, Hồ Chí Minh không định sẵn mô hình CNXH và con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam chỉ là vấn đề có tính nguyên tắc vạch phương hướng cho những bảo đảm sự thắng lợi triệt để của cách mạng Việt Nam. Nếu Lênin đã từng chỉ ra: Không có chủ nghĩa xã hội giống nhau cho mọi dân tộc, chỉ có chủ nghĩa xã hội phù hợp với từng dân tộc. Thì Hồ Chí Minh cũng tuyên bố: Liên Xô có đặc điểm của Liên Xô, Việt Nam có đặc điểm của Việt Nam, chúng ta làm khác với Liên Xô, làm trái với Liên Xô, chúng ta vẫn là mác-xít: “Ta không thể giống Liên Xô... ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”[19]. Quan niệm của Hồ Chí Minh về chia nhỏ thời kỳ quá độ lên CNXH thành nhiều bước đi là sự phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin của Người trong điều kiện lịch sử mới.
b. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cội nguồn cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, Lênin và Cách mạng Tháng Mười là bộ phận ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người.
Khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin là cội nguồn cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi lẽ: Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống của Việt Nam, lăn lộn trong phong trào công nhân quốc tế, Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên; Người tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, là người đầu tiên trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có tổ chức và có hệ thống vào Việt Nam, là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam; Người là một trong những lãnh tụ lỗi lạc của phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế; Người trực tiếp lãnh đạo, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác theo con đường cách mạng vô sản.
Trong tiến trình cách mạng ấy, có thể thấy Lênin và Cách mạng Tháng Mười là bộ phận ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh:
Các tác phẩm tiêu biểu mà Hồ Chí Minh chuyên viết về Lênin và Cách mạng Tháng Mười suốt từ 1924 đến 1969 là: “Lênin và các dân tộc thuộc địa” 1/1924; “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” 1924; “Tham luận về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa tại Đại hội Quốc tế lần thứ V của Quốc tế Cộng sản” 1924; “Lênin và các dân tộc phương Đông” 7/1924; “Lênin và các dân tộc thuộc địa”  1925; “Lênin và phương Đông” 1/1926; “Trường đại học phương Đông” 6/1927; “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin” 1/ 1952; “Chủ nghĩa Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức” 1/1955; “Sức mạnh hòa bình của Liên Xô” 5/1956; “Liên Xô vĩ đại” 10/1957; “Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông” 11/1957; “Chúc mừng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại” 11/1958; “Vui vẻ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại” 11/1959; “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”  4/1960; “Lênin và thi đua xã hội chủ nghĩa” 4/1960; “Sức mạnh vô địch” 1960; “Chào mừng kỷ niệm lần thứ 44 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại” 11/1961; “Lênin người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam” 4/1962; “Chủ nghĩa Lênin vĩ đại muôn năm” 4/1962; “45 năm đấu tranh anh dũng, 45 năm thắng lợi vẻ vang” 11/1962; “Nhân ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại” 11/1963; “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” 11/1967; “Chủ nghĩa Lênin và cách mạng Việt Nam” 7/1969.
Trong các tác phẩm ấy, Hồ Chí Minh không chỉ bày tỏ tình cảm kính trọng, ngưỡng mộ của Người đối với Lênin và Cách mạng Tháng Mười, mà còn xác định trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của chúng ta là thực hiện những di huấn của Lênin. Người luôn chỉ ra Lênin và Cách mạng Tháng Mười là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Người viết: “Những người có tâm huyết làm sao có thể cầm được nước mắt? Những người bị áp bức,.. há lại không nên nhận lấy nhiệm vụ mà Lênin đã để lại và tiến lên hay sao? Tiến lên!”[20]. “Trong con mắt của các dân tộc thuộc địa, trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lênin là người sáng tạo ra cuộc đời mới, là ngọn hải đăng chỉ dẫn con đường đi tới giải phóng cho toàn thể nhân loại bị áp bức”[21]. “Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức và bị nô dịch, Lênin đã thể hiện một bước ngoặt trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của họ, là tượng trưng cho một tương lai mới, xán lạn”[22].
“Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình”[23]. “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hành triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất... Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn”[24].
Đó là những khẳng định của Hồ Chí Minh về ảnh hưởng của Lênin và Cách mạng Tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Điều đó đồng thời nói lên sự ảnh hưởng sâu sắc của Lênin và Cách mạng Tháng Mười đối với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung thành với Lênin, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từng bước xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo cách của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt nền móng lý luận cho Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Việt Nam.
ThS Hoàng Ngọc Vĩnh
Đại học Khoa học Huế

File đính kèm:

  • docLuận cương của Lê Nin.doc