Đề cương ôn tập môn Ngữ Văn Lớp 6 - Lần 1 - Trường THCS Diễn Xuân (Có gợi ý)

Câu 1:

 a. Chúng em đang học toán.(thời gian)

b. Ngày mai, Lan sẽ đi Hà Nội.(thời gian)

c. Bạn đừng đánh nó.(sự cầu khiến)

d.Tôi không làm được bài tập toán.(không- sự phủ định; đươc- khả năng)

e. Hãy mở cửa ra. (sự cầu khiến)

f. Mùa xuân đã về. (thời gian)

g. Cô ấy vẫn làm ở chổ cũ.(sự tiếp diễn tương tự)

h. Cô ấy xinh đẹp quá.(mức độ)

i. Nắng tỏa vào lớp.(kết quả và hướng)

j. Trông bạn dạo này mập ra. (kết quả và hướng)

2 . Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. Giá không trêu chị Cốc thì đâu đến nỗi Choắt việc gì. Cả tôi nữa, nếu không nhanh chân chạy vào hang thì tôi cũng chết toi rồi.

 

doc10 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 08/05/2023 | Lượt xem: 205 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề cương ôn tập môn Ngữ Văn Lớp 6 - Lần 1 - Trường THCS Diễn Xuân (Có gợi ý), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
TRƯỜNG THCS DIỄN XUÂN
 CHƯƠNG TRÌNH ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN 6
Phần văn bản
1. Hình ảnh Dế Mèn trong văn bản “Bài học đường đời đầu tiên” của Tô Hoài có vẻ đẹp ngoại hình và tính tình như thế nào?
2. Dế Mèn đã có hành động gì để phải ân hận và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình?
3. Nêu nội dung bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn?
4. Nêu nội dung và nghệ thuật của văn bản “Bài học đường đời đầu tiên”?
5. Ấn tượng chung ban đầu của tác giả về vùng sông nước Cà Mau như thế nào?
6. Dòng sông Năm Căn được tác giả miêu tả như thế nào?
7. Hình ảnh chợ Năm Căn có gì độc đáo?
8. Nêu nội dung và nghệ thuật văn bản “Sông nước Cà mau” của tác giả Đoàn Giỏi?
9. Qua văn bản “Bức tranh của em gái tôi”, em có nhận xét gì về người anh trai và cô em gái Kiều Phương. ( Viết thành 2 đoạn văn ngắn khoảng 5-7 câu / đoạn )
10. Nêu nội dung và nghệ thuật văn bản “Bức tranh của em gái tôi” của tác giả Tạ Duy Anh?
B . Phần tiếng Việt
1. Phó từ :
a. Khái niệm phó từ :
-  Phó từ là những từ chuyên đi kèm với động từ, tính từ, để bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ
b. Các loại phó từ: Có 2 loại lớn :
- Phó từ đứng trước động từ, tính từ : Thường bổ sung ý nghĩa về quan hệ thời gian, mức độ, sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, sự cầu khiến
- Phó từ đứng sau động từ, tính từ : Bổ sung ý nghĩa về mức độ, khả năng, kết quả và hướng
2. So sánh :
a. Khái niệm so sánh  :
So sánh là đối chiếu sự vật này với sự vật khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
VD:    Môi đỏ như son.
b. Cấu tạo của phép so sánh :   Mô hình phép so sánh : gồm 4 phần
Vế A
(Sự vật được so sánh)
Phương diện so sánh
Từ so sánh
Vế B
(Sự vật dùng để so sánh.)
Môi
đỏ
Như
son
VD: Da trắng như tuyết.
         (1)   (2)   (3)   (4)
c. Các kiểu so sánh : Căn cứ vào các từ so sánh ta có hai kiểu so sánh :
- So sánh ngang bằng
( Từ so sánh : như, giống, tựa, y hệt, y như, như là, )
-  So sánh không ngang bằng
( Từ so sánh : hơn, thua, chẳng bằng, khác hẳn, chưa bằng,  )
d. Tác dụng:
- Giúp sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động.
- Giúp thể hiện sâu sắc tư tưởng tình cảm của tác giả.
Bài tập củng cố
Câu 1: Tìm các phó từ trong các câu sau và cho biết các phó từ đó bổ sung ý nghĩa gì cho động từ, tinh từ
a. Chúng em đang học toán.
b. Ngày mai, Lan sẽ đi Hà Nội.
c. Bạn đừng đánh nó.(sự cầu khiến)
d.Tôi không làm được bài tập toán.
e. Hãy mở cửa ra.
f. Mùa xuân đã về. 
g. Cô ấy vẫn làm ở chổ cũ.
h. Cô ấy xinh đẹp quá.
i. Nắng tỏa vào lớp.
j. Trông bạn dạo này mập ra. 
2 Tìm phó từ trong đoạn văn sau:
Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. Giá không trêu chị Cốc thì đâu đến nỗi Choắt việc gì. Cả tôi nữa, nếu không nhanh chân chạy vào hang thì tôi cũng chết toi rồi.
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI
A. Văn bản
Dế Mèn có vẻ đẹp ngoại hình cường tráng, khỏe mạnh nhưng tính tình kiêu căng, hống hách, xốc nổi, không coi ai ra gì.
Dế Mèn đã có hành động trêu ghẹo chị Cốc và gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt.
Bài học đầu tiên của Dế Mèn: Ở đời mà có thói hung hăng bạy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.
Nội dung và nghệ thuật văn bản: Học ghi nhớ sgk/
Ấn tượng chung về vùng sông nước Cà Mau:
- Sông ngòi, kênh rạch bủa giăng chi chít như mạng nhện
 - Bao trùm là một màu xanh bất tận: trời xanh, nước xanh, chung quanh là một màu xanh của cây lá.
 - Cảm nhận thứ âm thanh đơn điệu triền miên của tiếng sóng, tiếng rì rào của cây lá, gió
=> Thiên nhiên vùng Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã.
Dòng sông Cà Mau:
+ Rộng hơn ngàn thước 
+ Nước đỗ ầm ầm như thác
+ Cá nước hàng đàn bơi 
 + Hai bên bờ rừng đước dựng lên cao ngất
Hình ảnh chợ Năm Căn:
- Chợ họp trên sông, ồn ào, đông vui, tấp nập
- Chợ đa dạng về màu sắc, trang phục, giọng nói, hàng hóa độc đáo, trù phú
 => Chợ Năm Căn độc đáo, trù phú, tấp nập.
 8. Nội dung và nghệ thuật văn bản: (Học như ghi nhớ sgk)
 9. HS đưa ra được các nhận xét cho riêng bản thân mình song phải nêu được các ý sau:
 Anh trai:
- Từ trước cho tới lúc thấy em gái tự chế màu vẽ: người anh tỏ ra người lớn, thấy việc vẽ của Mèo là chuyện trẻ con.
- Khi khả năng hội họa của em gái được phát hiện: người anh cảm thấy thua kém, mặc cảm, xa lánh em gái.
- Khi lén xem tranh và đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em ở phòng trưng bày người anh nhận thấy tài năng và lòng nhân hậu của em gái.
Em gái Kiều Phương:
Nhân vật người em trong truyện:
+ Là một cô bé hồn nhiên, kiên trì theo đuổi đam mê vẽ tranh
+ Luôn yêu thương và muốn gần gũi với người anh
+ Chọn vẽ anh vì anh là “người thân thuộc nhất”, luôn yêu thương anh trai
+ Là cô bé nhân hậu, vị tha, tình cảm trong sáng
=> Tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của cô em gái giúp cho người anh nhận ra sự hạn chế, thiếu hụt về tình cảm của mình.
10. Nêu nội dung và nghệ thuật văn bản: Học như ghi nhớ sgk/
 B . Phần tiếng Việt
Bài tập củng cố:
Câu 1:
 a. Chúng em đang học toán.(thời gian)
b. Ngày mai, Lan sẽ đi Hà Nội.(thời gian)
c. Bạn đừng đánh nó.(sự cầu khiến)
d.Tôi không làm được bài tập toán.(không- sự phủ định; đươc- khả năng)
e. Hãy mở cửa ra. (sự cầu khiến)
f. Mùa xuân đã về. (thời gian)
g. Cô ấy vẫn làm ở chổ cũ.(sự tiếp diễn tương tự)
h. Cô ấy xinh đẹp quá.(mức độ)
i. Nắng tỏa vào lớp.(kết quả và hướng)
j. Trông bạn dạo này mập ra. (kết quả và hướng)
2 . Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. Giá không trêu chị Cốc thì đâu đến nỗi Choắt việc gì. Cả tôi nữa, nếu không nhanh chân chạy vào hang thì tôi cũng chết toi rồi.
C. Phần tập làm văn
1.Dàn ý cơ bản của bài văn miêu tả cảnh
Mở bài: Giới thiệu cảnh được tả : Cảnh gì ? Ở đâu ? Lý do tiếp xúc với cảnh ? Ấn tượng chung ?
Thân bài: 
a. Bao quát : Vị trí ? Chiều cao hoặc diện tích ? Hướng của cảnh ? Cảnh vật xung quanh ?
b. Tả chi tiết : ( Tùy từng cảnh mà tả cho phù hợp)
- Từ bên ngoài vào ( từ xa) : Vị trí quan sát ? Những cảnh nổi bật ? Từ ngữ, hình ảnh gợi tả ?...
-Đi vào bên trong ( gần hơn) : Vị trí quan sát ? Những cảnh nổi bật ? Từ ngữ, hình ảnh gợi tả ?...
 Cảnh chính hoặc cảnh quen thuộc mà em thường thấy ( rất gần) : Cảnh nổi bật ? Từ ngữ hình ảnh miêu tả...
Kết bài: Cảm nghĩ chung sau khi tiếp xúc; Tình cảm riêng hoặc nguyện vọng của bản thân ?
2.Phương pháp tả cảnh:
1.Phân tích ví dụ sgk:
a) Cảnh sắc ở khúc sông có nhiều thác dữ.
b) Tả quang cảnh trên dòng sông Năm Căn.
- Theo thứ tự không gian và thứ tự các sự việc:
+ Nước sông ầm ầm đổ ra biển.
+ Cá bơi hàng đàn.
+ Thuyền xuôi giữa dòng.
+ Rừng đước cao ngất, cây đước...
c) “Lũy làng”
 Mở bài: giới thiệu khái quát lũy làng.
Thân bài:
Miêu tả trình tự không gian và thời gian các tầng lớp của lũy tre làng.
+ Lũy ngoài cùng, trồng tre gai chồng chéo mọc lên nhiều đời.
+ Lũy giữa trồng loại tre thẳng.
+ Lũy trong cùng, tre càng thẳng hơn .
- Kết bài: Dưới gốc tre mọc lên nhiều mầm măng và cảm nghĩ của tác giả.
Phần luyện tập:
Câu 1: Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về nhân vật Kiều Phương trong văn bản Bức tranh của em gái tôi có sử dụng phó từ và phép so sánh. Chú thích rõ .
Câu 2: Em hãy viết bài văn miêu tả cây phượng vĩ ở sân trường vào một ngày hè.
Gợi ý:
Câu 1:
 Nội dung: - HS nêu được tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của Kiều Phương .
Miêu tả về ngoại hình, tính cách của nhân vật
Bày tỏ tình cảm với nhân vật.
 Hình thức: - Đảm bảo hình thức của đoạn văn: Lùi vào đầu dòng 1-2 ô chữ, viết hoa chữ cái đầu, không gạch đầu dòng.
Hs chú thích rõ phó từ và phép so sánh
	Câu 2:
a- Mở bài:
Giới thiệu hàng phượng vĩ trong sân trường em vào một ngày hè
b- Thân bài 
Có thể tả theo trình tự không gian kết hợp thời gian
Tả bao quát: hình dáng,màu sắc, kích thước
Tả chi tiết
+ Gốc, rễ,vỏ
+Thân, cành,lá
+Hoa, trái
Lợi ích của cây phượng và nhiệm vụ của học sinh
c- Kết bài 
-Tình cảm của em về hàng phượng vĩ vào ngày hè
-Kỉ niệm tuổi học trò đáng yêu
Một số đề văn và hướng dẫn cách viết.
Đề 1: Tả cảnh đêm trăng nơi em ở.
a/ Mở bài :– Giới thiệu cảnh đêm trăng.( thời gian, không gian, cảnh bao quát.) 
b/ Thân bài -Tả khái quát 
-Tả cụ thể ( màu sắc, ánh sáng, âm thanh, bầu trời, cây trồng, các cảnh đẹp khác ) 
 Tả các hoạt động của con người . 
c/ Kết bài: Cảm nghĩ của bản thân về đêm trăng.
 Bài làm:
 Một năm có bốn mùa, mùa nào cũng có những đêm trăng đẹp. Thế nhưng em vẫn thích nhất là đêm trăng rằm vào mùa hạ.
 Ông mặt trời đỏ ối như một quả cầu lửa khổng lồ đã từ từ khuất hẳn phía xa. Trong xóm,mọi nhà đã lên đèn từ lúc nào. Bầu trời trong vắt, đen thẫm lại như khoác tấm áo nhung đen trên có đính những ngôi sao lấp lánh. Sau luỹ tre làng, mặt trăng tròn vành vạnh nhô lên, toả ánh sáng vàng dịu lên những ngọn tre. Hàng trăm ngôi sao sáng long lanh, lúc ẩn lúc hiện tạo cho bầu trời một vẻ đẹp huyền ảo.
 Một lúc sau, trăng đã gối đầu lên rặng cây phía xa để rồi sau đó lấp ló trên ngọn tre già.Lúc này trăng đã lên cao, toả ánh sáng êm dịu len lỏi vào khắp các đường làng, ngõ xóm. Ánh trăng phết nhẹ lên các mái nhà, chiếu những tia sáng li ti qua các kẽ lá, soi xuống mặt đường như muôn vàn hạt ngọc nhỏ. Em và các bạn rủ nhau ra sông hóng mát, ngắm trăng. Chúng em đi đến đâu, trăng đi theo đến đó như muốn cùng đi chơi với chúng em. Ngoài bờ sông, gió lồng lộng thổi vào mát rượi. Dòng sông ven làng được ánh trăng soi sáng gợn sóng lăn tăn, mặt sông óng ánh lung linh như dát vàng.
 Mọi người trong xóm em đều tụ tập ở sân nhà để ngắm trăng. Trẻ em nô đùa chạy nhảy cười nói vui vẻ. Những chú chó cũng ra sân hóng mát, thỉnh thoảng lại ngó ra đường, cất tiếng sủa vu vơ. Ngoài đồng quang cảnh thật vắng lặng. Nước chảy róc rách trong các rãnh, mương nước. Hàng trăm anh đom đóm với những chiếc đèn lồng bé xíu toả ánh sáng nhấp nháy thật đẹp. Đó đây có tiếng côn trùng kêu ra rả. Cỏ cây thì thầm trò chuyện với nhau. Trời càng về khuya, quang cảnh càng yên ắng, tĩnh mịch hơn. Vạn vật say sưa chìm vào trong giấc ngủ êm đềm. Ánh trăng dìu dịu cùng hơi sương như đang ru ngủ muôn loài. Chỉ còn côn trùng vẫn cất tiếng ra rả cho khúc nhạc muôn thuở về đêm. Cảnh đêm trăng rằm mùa hạ thật đẹp.
 Giữa đồng quê, ngắm cảnh một đêm trăng đẹp như vậy, em cảm thấy yêu thiên nhiên, cảnh vật quê hương hơn. Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này lớn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 ĐỀ 2: Tả lại quang cảnh sân trường giờ ra chơi
 Cả lớp đang say sưa, chăm chú nghe cô giảng bài thì một tiếng trống giòn giã vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã đến.Chúng em gấp sách vở rồi vội vàng ào ra sân trường trong niềm vui và háo hức. Ai cũng mong chờ giờ ra chơi đến để có thể giải tỏa những căng thẳng.
 Học sinh từ các lớp ùa ra như đàn ong vỡ tổ. Sân trường đang yên ắng bỗng chốc được lấp đầy bởi tiếng cười nói vui vẻ làm không khí nhộn nhịp hẳn lên. Bầu trời trong xanh vời vợi, vài chú chim đang chuyền cành bỗng ngừng hót để xem chúng em chơi đùa. Sân trường chìm trong cái nắng vàng ngọt như rót mật, vài cơn gió mát thoảng qua làm mái tóc ai tung bay phơi phới. Trên sân trường diễn ra rất nhiều các trò chơi bổ ích phù hợp với lứa tuổi học sinh. Dưới gốc bàng râm mát, một nhóm bạn đang chơi trò bịt mắt bắt dê. Cảnh tượng trông hết sức thú vị khi các bạn cứ đi đi lại lại vòng quang gốc cây. Bạn bị bịt mắt đưa tay dò dẫm khắp nơi, những chú dê khác thì nín thở đứng yên một,thi thoảng vang lên một tiếng cười khúc khích.
 Ở bãi cỏ xanh rộng là một tốp bạn nam đang chơi trò đá bóng. Các cầu thủ trên sân đều rất hăng say, nhiệt tình, mồ hôi đã thấm ướt lưng áo nhưng tinh thần của các bạn thì không hề giảm sút, ngược lại càng say mê hơn. Những cổ động viên xung quanh thì hò hét khản giọng để cổ vũ cho đội mình yêu thích, mỗi lần quả bóng được sút vào lưới là một loạt các tiếng: “Vào rồi” reo lên đầy phấn khích. Ở góc khác, một số bạn nữ đang chơi chuyền, bàn tay của các bạn phải thật nhịp nhàng và khéo léo để nhặt que chuyền thật nhanh mà quả bóng không bị rơi xuống đất. Trông các bạn như những nghệ sĩ xiếc điêu luyện vậy.
 Dưới bồn cây là mấy bạn đang ngồi tết tóc cho nhau. Bác phượng già đứng trầm ngâm dang rộng cánh tay che bóng mát để các bạn chơi đùa. Ở giữa sân trường, hai bạn nam chơi đá cầu đang thu hút rất nhiều sự chú ý của người xung quanh. Quả cầu lông vũ màu trắng bay qua bay lại thoăn thoắt, nhịp nhàng từ chân bạn này sang chân bạn kia. Mỗi lần quả cầu bay lên, mọi người lại nín thở, ngước mắt nhìn theo để xem bạn đối diện có đỡ được không. Trong sự ngỡ ngàng của người đứng xem, quả cầu vẫn không bị rơi xuống dù một thời gian khá lâu đã trôi qua. Ai cũng ngưỡng mộ sự dẻo dai, khéo léo cùng kĩ thuật đá cầu điêu luyện của các bạn, quả là những chân đá cừ khôi, những nghệ sĩ tung hứng thật xuất sắc.
 Ở ghế đá, mấy bạn nhàn nhã hơn đang ngồi đọc sách hoặc say sưa thảo luận về một bài toán khó, thỉnh thoảng các bạn lại cười rộ lên vì phát hiện ra điều gì đó thú vị. Khung cảnh sân trường giờ ra chơi thật phong phú, đa dạng, ai cũng tham gia vào trò chơi một cách đầy hăng hái, say mê. Tiếng trống lại vang lên một lần nữa. Mọi cuộc vui đành kết thúc trong niềm tiếc nuối. Giờ ra chơi tuy ngắn ngủi nhưng thật có ý nghĩa, nó là một cơn gió mát giúp chúng em thổi bay những mệt mỏi và tiếp thêm năng lượng để bắt đầu những giờ học bổ ích tiếp theo. Học sinh đã vào lớp hết, quang cảnh sân trường lại trở về vắng lặng như cũ, chỉ còn bác phượng già đứng lặng im như người bảo vệ cho sân trường.
Đề 3: Tả quang cảnh lớp học trong giờ kiểm tra Ngữ văn
 Tiết 2 của buổi học sáng thứ sáu tuần qua, cô giáo cho lớp 6A viết bài kiểm tra Làm văn số 5 về miêu tả . Do cô đã thông báo từ trước nên chúng em chuẩn bị khá chu đáo và có thái độ bình tĩnh, tự tin trước giờ làm bài.
 Tùng, tùng, tùng... tiếng trống báo hiệu giờ học bắt đầu. Sân trường vắng lặng. Chỉ có tiếng gió lao xao và tiếng chim ríu rít trong vòm lá. Nắng sớm vàng tươi toả chiếu trên nền đất mịn. Không khí thơm ngát mùi hoa cỏ, mùi lúa lên đòng thoảng vào từ cánh đồng xa.
 Cô thong thả bước vào lớp. Chúng em đứng nghiêm chào cô. Hôm nay, cô mặc chiếc áo màu xanh da trời thật đẹp. Trông cô thanh thoát, dịu dàng. Cô tươi cười gật đầu đáp lại rồi bảo chúng em lấy giấy bút ra làm bài. Cô đọc trước một lần đề bài rồi chép lên bảng. Từng dòng chữ mềm mại, rõ ràng hiện dần trên nền bảng đen: Em hãy tả lại một người thân của em. Cả lớp ồ lên mừng rỡ vì cô giáo đã cho làm nhiều bài tập về văn tả người. Hơn nữa, đây là một đề khá "tự do", chúng em có điều kiện chọn lựa và miêu tả người mà mình yêu thích.
 Bốn mươi mái đầu xanh đăm chiêu suy nghĩ trước tờ giấy trắng. im lặng tuyệt đối. Có thể nghe rõ tiếng chú thạch sùng tắc lưỡi trên trần nhà và cánh ong bay rì rì ngoài cửa sổ. Cô giáo nhẹ nhàng nhắc nhở: "Các em đọc kĩ đề, xác định đúng yêu cầu của đề rồi lập dàn ý sơ lược trước khi viết. Hãy làm theo đúng các bước lí thuyết mà cô đã dạy".
 Em chọn tả người mẹ mà em yêu quý. Từng hình ảnh quen thuộc của mẹ lần lượt hiện lên trong tâm trí: mái tóc búi cao, gương mặt hiền từ, đôi mắt dịu dàng, độ lượng. Rồi cái dáng tảo tần, đôi tay hay lam hay làm... Đức hi sinh và lòng nhân ái của mẹ đối với chồng con, với mọi người... Em dồn tất cả tình thương yêu, kính trọng vào từng chữ, từng câu. Dần dần, bức chân dung hoàn hảo của mẹ đã được em vẽ nên bằng ngôn ngữ dạt dào cảm xúc.
 Bên cạnh em, bạn Hằng cũng đang cắm cúi viết. Bạn ấy tả cu Tí, đứa em trai vừa tròn năm tuổi rất đáng yêu. Thỉnh thoảng, Hằng lại bật lên một tiếng cười khẽ. Chắc là bạn ấy nhớ lại chi tiết thú vị nào đó về cậu em khôi ngô và tinh nghịch của mình.
 Thời gian lặng lẽ trôi, em đã viết gần xong bài. Chà! Mỏi cổ quá! Em đưa mắt nhìn khắp lớp. Các bạn vẫn cặm cụi viết. Chắc các bạn cũng có suy nghĩ và cảm xúc giống như em khi chọn tả người mình yêu quý. Chợt tiếng cô giáo vang lên: "Còn năm phút nữa. Các em hãy kiểm tra lại bài viết trước khi nộp cho cô". Cô vừa dứt lời thì tiếng xôn xao nổi lên đây đó: "Thưa cô! Em chưa xong ạ! ", "Thưa cô! Cô cho thêm vài phút nữa ạ! ". Rồi tiếng hỏi nhau từ bàn nọ sang bàn kia: "An ơi! Xong chưa? " "Tớ xong rồi! Còn cậu? " "Tớ cũng xong rồi! ". Cô gõ nhẹ thước kẻ xuống bàn, thay cho lời nhắc nhở. Trật tự được lập lại. Ai nấy cố gắng hoàn thành bài viết của mình.
 Tùng, tùng, tùng... tiếng trống lại vang lên giòn giã, báo hiệu đã hết giờ. Cô bảo chúng em dừng bút rồi bạn lớp trưởng lần lượt đi thu bài từng bàn. Lớp trưởng nộp bài cho cô, cô ân cần hỏi chúng em có làm được bài không. Cả lớp đồng thanh đáp: "Có ạ! ". Nụ cười rạng rỡ nở trên gương mặt hiền hậu của cô.
 Em chưa thật thoả mãn về bài viết của mình, nhưng trong lòng vẫn nuôi hi vọng được cô cho điểm khá. Nghĩ đến lúc cầm trong tay bài văn được 7 hay 8 điểm, em vui lắm! Em sẽ đưa cho mẹ xem đầu tiên và nói thầm với mẹ rằng: "Mẹ ơi! Con có món quà nhỏ này tặng mẹ! ". Chắc mẹ em sẽ ngạc nhiên và thích thú vô cùng.
 Đề 4:Tả cây đào trong dịp tết
 Mùa xuân đã về. Chẳng thua gì miền Nam với hoa Mai sặc sỡ, miền Bắc năm nay ấm trời cũng tưng bừng đón Tết với hoa Đào rực rỡ . Đào từ lâu đã trở thành một hình ảnh không thể thiếu trong ngày Tết, Đào - loài hoa đặc trưng của miền Bắc- mang một bổn phận thiêng liêng là đem hết vẻ đẹp của mình làm đẹp cho miền Bắc, cho đất nước trong những ngày xuân về. 
 Ngày thường, Đào đứng một mình trong góc vườn, lặng lẽ giữa bao nhiêu là Quỳnh Anh, Lan, Cúc, Hồng... Ấy vậy mà Đào vẫn ung dung, thản nhiên lớn lên với dáng vẻ đơn sơ và giản dị. Cây Đào cao hơn em đến hai cái đầu - được bố em mua từ năm ngoái . Nó khoác trên mình một chiếc áo xanh đậm điểm vài bông hoa màu hồng phớt.
 Đến đầu tháng Mười, Đào được đem ra giữa sân nhà. Nó bắt đầu được chú ý đến. Đào được mọi người chăm sóc, bón phân, tỉa cành và đặc biệt cắt lá - một công việc mà em rất thích. Vào sáng chủ nhật, cả nhà em vui vẻ quây quần bên cây Đào để cắt lá. Em làm theo lời mẹ dạy, chú ý cắt đúng cách từng chiếc lá, tưởng tượng như đang mở từng chiếc cửa sổ tí ti trên thân cây cho những nụ hoa mở mắt hé nhìn trời đất.
 Khi tất cả những chiếc lá đã rời cành mẹ, cây Đào trở nên trơ trụi, khẳng khiu. Những cành cây tia ra như những nét phác thảo bằng bút kim của một bức tranh. Nhưng chính sự trơ trụi ấy lại mang một vẻ háo hức và tưng bừng, đem đến cho mọi người cảm giác mùa xuân về
 Không phụ lòng người chăm sóc, không để cành phải đợi lâu, những nụ hoa li ti đã bắt đầu xuất hiện. Thân cây trơ trụi được tô điểm bằng những chấm xanh non của mầm hoa, mầm lá.
 Gần đến Tết, những nụ hoa lớn lên, phình tròn, nhõ bằng chiếc móng tay út. Nhìn cây Đào như có hàng trăm chiếc cúc hồng âu yếm bám chặt vào cành, cố gắng làm đẹp cho cây và hứa hẹn một sự đơm hoa rực rỡ ngày Tết
 Tết tới, Đào được đặt chễm chệ ở một vị trí trang trọng trong nhà. Mọi người lo đi sắm đồ Tết, chẳng để ý đến Đào nhiều. Hôm mồng một Tết, mọi người vui vẻ trong những bộ đồ mới. Đến lúc này, nhìn qua cây Đào, ai cũng ngạc nhiên khi thấy nó cũng đã sẵn sàng trong bộ trang phục truyền thống của mình. Đào phủ hắp người một chiếc áo hồng rực rỡ của hoa, điểm thêm vài màu xanh non của lá. Chúng em trang trọng treo những lời chúc " An khang thịnh vượng", " Vạn sự như ý", ... và những bao lì xì lên cây, chia sẻ lời chúc năm mới với loài hoa tuyệt đẹp này. Vậy là chiếc áo hồng của Đào còn được điểm những món đồ trang sức màu vàng , thể hiện may mắn và tình thương yêu.
Các em cố gắng đầu tư tốt cho môn học trong những ngày này, cô chúc các em vui vẻ, tự tin và thành công trong học tập. cố lên!

File đính kèm:

  • docde_cuong_on_tap_mon_ngu_van_lop_6_lan_1_truong_thcs_dien_xua.doc