Đề thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử Lớp 9 - Vòng 2 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)

Câu 4 (2,0 điểm):

 Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã có chuyển biến trong nhận thức và hành động cách mạng như thế nào? Những điều kiện khách quan và chủ quan tác động đến sự chuyển biến ấy ?

Câu 5 (2,0 điểm):

 Chứng minh rằng phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh diễn ra với quy mô rộng khắp, mang tính chất cách mạng triệt để và sử dụng hình thức đấu tranh quyết liệt ?

 

doc5 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 10/05/2023 | Lượt xem: 229 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử Lớp 9 - Vòng 2 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN LỊCH SỬ - VÒNG 2
Thời gian làm bài: 150 phút
(Đề thi gồm 05 câu, 01 trang)
Câu 1 (2,0 điểm):
 Một nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 1952 – 1973 là gì ? Em hãy trình bày hoàn cảnh, nội dung và ý nghĩa của nhân tố đó. 
Câu 2 (2,0 điểm):
 a) Nêu những tác động của tình trạng “Chiến tranh lạnh” giữa hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đối với nước Đức từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1990. 
 b) Theo em, các quốc gia cần phải làm gì để xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác phát triển, bảo đảm những quyền lợi cơ bản của mỗi dân tộc và con người?
Câu 3 (2,0 điểm):
 Phân tích những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất ? Để giải quyết những mâu thuẫn đó, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nhiệm vụ của cách mạng nước ta như thế nào ?
Câu 4 (2,0 điểm):
 Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã có chuyển biến trong nhận thức và hành động cách mạng như thế nào? Những điều kiện khách quan và chủ quan tác động đến sự chuyển biến ấy ?
Câu 5 (2,0 điểm):
 Chứng minh rằng phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh diễn ra với quy mô rộng khắp, mang tính chất cách mạng triệt để và sử dụng hình thức đấu tranh quyết liệt ?
------------- Hết-------------
Giám thị 1: .................................................. Giám thị 2: .................................................
SBD: ................... Họ và tên thí sinh: ..............................................................................
PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI
CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN LỊCH SỬ - VÒNG 2
Thời gian làm bài: 150 phút
(Hướng dẫn chấm gồm 05 câu, 04 trang)
Câu 1 (2,0 điểm):
 Một nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 1952 – 1973 là gì ? Em hãy trình bày hoàn cảnh, nội dung và ý nghĩa của nhân tố đó. 
Nội dung
Điểm
* Một nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 1952 – 1973 là những cải cách dân chủ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
0,25
* Hoàn cảnh lịch sử
- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là nước bại trận, mất hết thuộc địa, kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề ; đồng thời xuất hiện nhiều khó khăn bao trùm đất nước: nạn thất nghiệp trầm trọng, thiếu thốn lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng, lạm phát trầm trọng...
 0,25
- Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử của mình bị lực lượng đồng minh, trên thực tế là Mĩ chiếm đóng từ năm 1945 - 1952, phải dựa vào viện trợ của Mĩ dưới hình thức vay nợ để phát triển kinh tế.
0,25
* Nội dung những cải cách dân chủ 
- Ban hành Hiến pháp mới (năm 1946) có nhiều nội dung tiến bộ: quy định chức năng, vai trò của Thiên hoàng, Quốc hội, Chính phủ...
0,25
- Thực hiện cải cách ruộng đất (1946 - 1949), giải thể các công ti độc quyền lớn, dân chủ hóa lao động, thực hiện các quyền về lao động....
0,25
- Giải giáp các lực lượng vũ trang, xoá bỏ chủ nghĩa quân phiệt và trường trị tội phạm chiến tranh, thanh lọc các phần tử phát xít ra khỏi cơ quan nhà nước và ban hành các quyền tự do dân chủ... 
0,25
 * Ý nghĩa 
- Đây là những biện pháp cải cách dân chủ tiến bộ nhất trong lịch sử Nhật Bản; góp phần xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt, đưa Nhật Bản trở thành nước dân chủ, mang lại luồng không khí mới đối với các tầng lớp nhân dân và là một nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ sau này. 
 0,5
Câu 2 (2,0 điểm):
 a) Nêu những tác động của tình trạng “chiến tranh lạnh” giữa hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đối với nước Đức từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1990. 
 b) Theo em, các quốc gia cần phải làm gì để xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác phát triển, bảo đảm những quyền lợi cơ bản của mỗi dân tộc và con người?
Nội dung
Điểm
a) Những tác động của tình trạng “chiến tranh lạnh” đối với nước Đức từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1990 
- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai không lâu, hai cường quốc Mĩ và Liên Xô đã nhanh chóng chuyển từ liên minh chống phát xít sang tình trạng ngày càng mâu thuẫn, đối đầu nhau gay gắt. Đó là tình trạng “chiến tranh lạnh” giữa hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa kéo dài phần lớn trong nửa sau thế kỉ XX.
0,25
- Do Đức là nước phát xít bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai nên bốn cường quốc đồng minh là Liên Xô, Mĩ Anh, Pháp đã phân chia lãnh thổ nước Đức thành bốn khu vực chiếm đóng và kiểm soát.
0,25
- Trong sự đối đầu gay gắt giữa hai phe, các khu vực chiếm đóng của Mĩ, Anh, Pháp đã hợp nhất lại và thành lập Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức (9 – 1949). Ở khu vực phía Đông nước Đức, nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức thành lập (10 – 1949).
 0,25
- Mĩ, Anh, Pháp tích cực giúp đỡ Cộng hòa Liên bang Đức khôi phục kinh tế và đưa Cộng hòa Liên bang Đức vào khối quân sự Bắc Đại Tây Dương. Năm 1950, Cộng hòa Dân chủ Đức trở thành thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV)...
0,25
- Tháng 12 năm 1989, Tổng thống Mĩ Bu-sơ và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goóc-ba-chốp đã cùng nhau tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh. Sự đối đầu giữa hai phe chuyển sang xu thế hòa hoãn, hòa dịu trong quan hệ quốc tế...
0,25
- Ngày 3 - 10 – 1990, Cộng hòa Dân chủ Đức đã sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức thành nước Đức thống nhất... 
0,25
b) Các quốc gia cần phải...
- Tất cả các quốc gia dân tộc phải cùng nhau giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới, vì lợi ích dân tộc trên hết nhưng tôn trọng các nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc (tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình...), các dân tộc nên tập trung phát triển kinh tế...
0,5
Câu 3 (2,0 điểm):
 Phân tích những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất ? Để giải quyết những mâu thuẫn đó, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nhiệm vụ của cách mạng nước ta như thế nào ?
Nội dung
Điểm
- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản: 
+ Mâu thuẫn dân tộc: mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp. Đây là mâu thuẫn chủ yếu nhất.
+ Mâu thuẫn giai cấp: mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. 
0,5
- Do thực dân Pháp ra sức khai thác, vơ vét, bóc lột và đàn áp nhân dân ta làm cho đời sống của các giai cấp trong xã hội Việt Nam lâm vào cảnh khốn cùng. Vì vậy, mâu thuẫn dân tộc ngày càng gay gắt.
0,25
- Do giai cấp địa chủ phong kiến ngày càng câu kết chặt chẽ với thực dân Pháp. Chúng chia nhau chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, đẩy mạnh bóc lột về kinh tế, tăng cường kìm kẹp, đàn áp về chính trị đối với nông dân... Vì vậy, mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc.
0,25
Hai mâu thuẫn ấy vừa là nguồn gốc, vừa là động lực nảy sinh và thúc đẩy các phong trào yêu nước chống thực dân, phong kiến ở nước ta.
0,25
- Để giải quyết các mâu thuẫn đó, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên nhiệm vụ cơ bản của cách mạng nước ta.
0,25
- Đánh đuổi đế quốc Pháp, phong kiến và tư sản phản cách mạng, làm cho nước Việt Nam được độc lập, thành lập chính phủ công nông binh.
0,5
Câu 4 (2,0 điểm):
 Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã có chuyển biến trong nhận thức và hành động cách mạng như thế nào? Những điều kiện khách quan và chủ quan tác động đến sự chuyển biến ấy ?
Nội dung
Điểm
* Những chuyển biến trong nhận thức và hành động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào năm 1920
- Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, dứt khoát đứng về Quốc tế thứ ba. Sự kiện đó cũng đánh dấu bước mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc Việt Nam.
0,5
- Tháng 12-1920, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, Người bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp, đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác- Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản. 
 0,5
* Những yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến sự chuyển biến
- Khách quan:
+ Tác động của bối cảnh thời đại mới, bằng những khảo sát thực tế từ chính các nước tư bản, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức được bản chất của CNTB và không lựa chọn con đường CMTS.
0,25
+ Do tác động của Cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế cộng sản được thành lập (3-1919), chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành hiện thực và được truyền bá rộng rãi dẫn đến sự ra đời của nhiều đảng cộng sản trên thế giới...
0,25
- Chủ quan:
+ Do xuất phát từ yêu cầu GPDT: các phong trào yêu nước ở Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX diễn ra liên tục nhưng đều thất bại. Tình hình đó đặt ra yêu cầu bức thiết là phải tìm ra một con đường cứu nước mới...
0,25
+ Nhờ có thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén của Nguyễn Ái Quốc. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, đó là con đường CMVS.
0,25
Câu 5 (2,0 điểm):
 Chứng minh rằng phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh diễn ra với quy mô rộng khắp, mang tính chất cách mạng triệt để và sử dụng hình thức đấu tranh quyết liệt ?
Nội dung
Điểm
* Quy mô rộng khắp:
- Phong trào đấu tranh của quần chúng đã bùng lên mạnh mẽ từ năm 1929 trên khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam và đến năm 1930-1931 đã phát triển đến đỉnh cao với sự ra đời của Xô viết Nghệ - Tĩnh.
0,25
- Phong trào đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, chủ yếu là công- nông với hàng trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ.
 0,25
* Tính chất cách mạng triệt để:
- Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bộ máy chính quyền thực dân phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức Đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ. 
0,25
- Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, các ban chấp hành nông hội xã đã đứng ra quản lí về mọi mặt đời sống chính trị và xã hội ở nông thôn làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết...
0,25
- Xô viết Nghệ - Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ:
+ Về chính trị: kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, thành lập các tổ chức quần chúng.
+ Về kinh tế: bãi bỏ các thứ thuế do đế quốc và phong kiến đặt ra, chia lại ruộng đất công cho nông dân...
+ Về văn hóa xã hội: khuyến khích nhân dân học chữ Quốc ngữ, bài trừ các hủ tục ...
0,75
* Sử dụng hình thức đấu tranh quyết liệt:
- Các cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt, quần chúng tổ chức tuần hành thị uy, biểu tình có vũ trang tự vệ, tấn công các cơ quan chính quyền địch ở địa phương và thành lập chính quyền cách mạng.
0,25
* Chú ý: Học sinh có thể làm cách khác, nếu đúng vẫn cho điểm tối đa.
------------- Hết-------------

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_mon_lich_su_lop_9_vong_2_nam_hoc_2.doc
Bài giảng liên quan