Đề thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh môn Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Đề 1) (Có đáp án)

Bằng những hiểu biết về trích đoạn Đất nước (trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn 12, anh (chị) hãy làm rõ dạng vân chữ của mỗi tác giả.

doc5 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 27/07/2023 | Lượt xem: 353 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh môn Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Đề 1) (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
SỞ GD&ĐT NINH BÌNH
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT 
Năm học 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN
Ngày thi :6/10/2015
(Thời gian 180 phút, không kể thời gian phát đề)
Đề thi gồm 02 câu, trong 01 trang
Câu 1 (8 điểm)
Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác.
 (Xukhômlinxki)
Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
Câu 2 (12 điểm)
 Mỗi công dân có một dạng vân tay,
 	 Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ
 	 Không trộn lẫn.
 	 ( Vân chữ - Lê Đạt)
Bằng những hiểu biết về trích đoạn Đất nước (trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn 12, anh (chị) hãy làm rõ dạng vân chữ của mỗi tác giả. 
HẾT
Họ và tên thí sinh :....................................................... Số báo danh .............................
Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1:..........................................................................
 Giám thị 2:..........................................................................
SỞ GD&ĐT NINH BÌNH
HDC ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT
Kỳ thi thứ nhất - năm học 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN
Ngày thi 6/10/2015
 (hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
Câu 1 (8,0 điểm)
A. YÊU CẦU
I. VỀ HÌNH THỨC
Học sinh làm đúng kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí. Bài viết có bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục; diễn đạt trong sáng, cảm xúc chân thành, tự nhiên, không rơi vào thuyết lý, diễn giải đạo đức khô khan, dài dòng; trình bày sạch đẹp; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
II. VỀ NỘI DUNG 
Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt được các ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn câu nói của Xukhômlinxky
2. Giải thích câu nói 
- Hạt cát vô danh: Sự tồn tại nhỏ bé, vô nghĩa.
- In dấu lại trên mặt đất: Tạo nên những thành quả lao động, những giá trị, cống hiến cho cuộc đời. 
- In dấu lại trong trái tim : Để lại những ấn tượng, những tình cảm tốt đẹp.
=>Khái quát chung: Bằng cách nói hàm súc, giàu hình ảnh, Xukhômlinxki đề cao, nhấn mạnh lẽ sống cao cả mà mỗi con người cần hướng tới, phải biết sống yêu thương và cống hiến hết mình cho cuộc đời. Như vậy mới có thể in dấu lại trên mặt đất và in dấu trong trái tim người khác. 
3. Bình luận và chứng minh 
- Ý kiến của Xukhômlinxki tích cực, đúng đắn. Bởi vì mỗi người chỉ sống một lần, cuộc đời con người thì hữu hạn, thời gian thì vô hạn. Con người chỉ có thể chiến thắng thời gian, in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác khi sống tích cực, có ích, có ý nghĩa; sự sống không quan trọng là dài hay ngắn mà quan trọng là chất lượng sự sống.
- Sống để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác giúp con người phát triển, hoàn thiện bản thân.
- Ý kiến của Xukhômlinxki có sự gặp gỡ, tương đồng với ý kiến của những tác giả khác (Ví dụ: B.Brech: Cái đáng sợ không phải là chết mà là sống rỗng tuếch; câu nói của nhân vật Paven Coocsaghin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của N.Ôtxtơrôpki: Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận).
( Trong quá trình bình luận, học sinh phải lấy dẫn chứng để chứng minh)
4. Mở rộng, nâng cao vấn đề, liên hệ thực tế, rút ra bài học 
- Ý kiến của Xukhômlinxki đúng nhưng cần được hiểu và vận dụng một cách linh hoạt vì trong thực tế không phải ai cũng dứt khoát phải trở thành vĩ nhân, ai cũng có thể làm được những điều lớn lao vĩ đại. Điều quan trọng là mỗi người biết phát huy hết nội lực của bản thân, sống chân thành, hết mình với cuộc đời. 
- Để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác trong cuộc sống hàng ngày, với những hành động cụ thể, mỗi người (đặc biệt là người trẻ tuổi) cần biết quý trọng sự sống, tích cực rèn luyện sức khỏe, sống lành mạnh; nỗ lực học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn; nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc; yêu thương, chân thành, thân thiện trong các mối quan hệ. 
- Phê phán những lối sống, những biểu hiện tiêu cực:
+ Sống không có lý tưởng, không mục đích, ỷ lại dựa dẫm, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, thờ ơ, vô cảm
+ In dấu một cách tiêu cực bằng những hành động phù phiếm, viển vông, ngông cuồng
5. Kết luận: đánh giá khái quát vấn đề.
B. CHO ĐIỂM
- Điểm 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có thể còn một vài sai sót không đáng kể.
- Điểm 6 - 7: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên, còn một số sai sót nhỏ.
- Điểm 4 - 5: Hiểu vấn đề. Đáp ứng 2/3 yêu cầu. Mắc một số lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
- Điểm 2 - 3: Cách nhìn nhận và triển khai vấn đề còn lúng túng hoặc không đảm bảo bố cục, kết cấu. Nội dung sơ sài, hời hợt, thiếu nhiều ý. Lập luận chưa chặt chẽ. Mắc nhiều lỗi về diễn đạt, trình bày
- Điểm 1 : Kém về kĩ năng và kiến thức. Chỉ trình bày được 1-2 ý đơn giản.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc sai lạc hoàn toàn về nội dung và phương pháp.
Câu 2 (12,0 điểm)
A. YÊU CẦU
I. VỀ HÌNH THỨC
Học sinh làm đúng kiểu bài nghị luận văn học theo định hướng yêu cầu đề. Bài viết có bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục; diễn đạt trong sáng, có cảm xúc; trình bày sạch đẹp; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
II. VỀ NỘI DUNG 
Bằng những hiểu biết, kiến thức lí luận về phong cách tác giả và trích đoạn Đất nước (trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, học sinh trình bày bài viết theo cách của bản thân nhưng cần đạt được các ý cơ bản sau: 
1.Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn đầy đủ câu thơ của Lê Đạt 
2.Giải thích 
- Ý thơ của Lê Đạt: 
 + Vân tay: Vân tay của mỗi cá thể người chính là mã di truyền độc nhất, duy nhất không lặp lại, là một trong những đặc điểm để nhận dạng công dân. Mỗi người có vân tay khác nhau.
 + Vân chữ: Vân chữ chính là cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật độc đáo không trộn lẫn, không lặp lại, thể hiện tài nghệ của nghệ sĩ ngôn từ. 
=>Nhận định bàn về vai trò quan trọng của phong cách nghệ thuật. Nhà thơ thứ thiệt phải là người hình thành và thể hiện được phong cách nghệ thuật trong tác phẩm.
- Nghệ sĩ cần phải có vân chữ vì : Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, là không lặp lại. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có (Nam Cao). Nghệ sĩ phải có tiếng nói riêng, luôn làm mới mình. 
3. Đánh giá nhận xét
- Đây không phải là ý kiến mới nhưng cách diễn đạt mới, có tính chất nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc đối với một nghệ sĩ thời hiện đại. 
- Ý kiến đúng nhưng chưa thật đầy đủ, bởi vì để tạo được dấu ấn riêng, tạo được vân chữ, nghệ sĩ cần phải có tâm huyết, phải trau dồi năng lực, vốn sống, óc quan sát, trí tưởng tượng 
 + Biểu hiện cơ bản của phong cách tác giả: cách nhìn, cách cảm của nhà văn có tính chất khám phá; giọng điệu gắn liền với cảm hứng sáng tác riêng; cách lựa chọn, xử lí đề tài, xác định chủ đề riêng; sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, các thủ pháp nghệ thuật mang dấu ấn riêng.
+ Phong cách của một nghệ sĩ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc phong cách của một dân tộc, một thời đại, một trào lưu.
- Về phía người đọc khi tiếp nhận các sáng tác, phải có trình độ nhận thức, năng lực thẩm mĩ nhất định, không chỉ cảm nhận cái hay của tác phẩm mà phải biết nhận ra vân chữ của tác giả.
4. Chứng minh 
Để làm rõ được vân chữ của mỗi tác giả, học sinh cần chỉ ra được nét chung và riêng độc đáo về tư tưởng cũng như nghệ thuật, có phẩm chất thẩm mĩ thể hiện trong 2 văn bản (trích dẫn những câu thơ tiêu biểu để phân tích).
4.1. Những nét chung 
Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đều có những nét chung, bộc lộ nhận thức sâu sắc về đất nước. Đất nước gắn liền với Nhân dân, do nhân dân tạo ra. Đất nước gắn liền với những truyền thống: lao động, yêu thương, dũng cảm đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc Từ đó mỗi tác giả thể hiện tình yêu, sự gắn bó thiết tha, sâu nặng với quê hương đất nước.
4.2. Những nét riêng độc đáo 
- Cách tiếp cận của hai tác giả khác nhau tạo ra những nhận thức, phát hiện và hình dung về đất nước không giống nhau, không lặp lại:
+ Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi thể hiện những nhận thức về đất nước trong chiều dài cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đất nước ở mùa thu xưa - mùa thu Hà Nội đẹp, buồn, lãng mạn trong cái nhìn của một trí thức tiểu tư sản mới rời ghế nhà trường ra đi kháng chiến. Đất nước ở mùa thu nay - mùa thu Việt Bắc đẹp hùng vĩ, bát ngát trong cảm xúc phấn khởi tự hào của một nhà thơ - chiến sỹ đã hòa nhập cái Tôi riêng vào cái Ta chung của đất nước, dân tộc. Từ đó nhà thơ có những suy ngẫm, nhận thức sâu sắc về một đất nước gian lao, đau thương mà anh dũng, đất nước của những người áo vải /Đã đứng lên thành những anh hùng. 
+ Đoạn thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm tuy viết trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nhưng không thể hiện trực tiếp hình ảnh đất nước trong cuộc kháng chiến ấy, cũng không gắn với một bối cảnh lịch sử, địa lí cụ thể mà tập trung thể hiện suy ngẫm cảm nhận về đất nước trên các bình diện: chiều dài của thời gian lịch sử (truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ/ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng, ngày giỗ Tổ), chiều rộng của không gian địa lí (nơi anh đến trường, nơi em tắm, các địa danh, thắng cảnh) và chiều sâu văn hoá, phong tục, truyền thống (miếng trầu bà ăn, cây tre, hạt lúa). Tư tưởng Đất nước của Nhân dân là tư tưởng chủ đạo, bao trùm chi phối cả đoạn trích. 
- Cách khai thác, sử dụng chất liệu, ngôn ngữ thơ để thể hiện hình tượng đất nước và bộc lộ cảm xúc trữ tình, tư duy thẩm mĩ của 2 tác giả khác nhau:
+ Đất nước của Nguyễn Đình Thi mang phong vị trữ tình tha thiết mà bay bổng hào hùng. Nhà thơ sử dụng nhiều hình ảnh giàu ấn tượng, khơi gợi cảm xúc gắn với những kỉ niệm và trải nghiệm của chính tác giả cùng với những hình ảnh mang tính tượng trưng khái quát, giọng thơ lúc bâng khuâng, nhẹ nhàng, sâu lắng, khi mạnh mẽ rắn rỏi, lúc trang trọng thiêng liêng, đầy tự hào
+ Đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm kết hợp trữ tình với chính luận, cảm xúc với suy tưởng. Bằng cách cảm nhận và tư duy hiện đại, trong hình thức câu thơ tự do, giọng điệu thủ thỉ tâm tình tha thiết, để lý giải nhận thức về đất nước, nhà thơ đã khai thác các chất liệu văn hoá, văn học dân gian tạo ra một không khí, một không gian nghệ thuật riêng, đưa người đọc vào thế giới hiện thực, gần gũi mà cũng đầy lãng mạn bay bổng của ca dao, truyền thuyết, cổ tích 
4.3. Lý giải nguyên nhân và ý nghĩa của những nét chung và riêng 
+ Nét chung là do đối tượng trữ tình (đất nước) quy định, cùng một kiểu nhà thơ -chiến sĩ, cùng một bối cảnh lịch sử của đất nước
+ Nét độc đáo riêng biệt là kết quả của trải nghiệm riêng, cách tiếp cận riêng, những tìm tòi thể nghiệm riêng. 
5. Kết luận chung
- Phong cách của nghệ sĩ góp phần làm nên sự phong phú đa dạng cho diện mạo văn học, chứng minh cho sự trưởng thành của một nền văn học, đây là yêu cầu bắt buộc của thời đại hiện nay
- Sáng tạo của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm là vân chữ của mỗi tác giả. Điều đó đã góp thêm những thành công cho dòng thơ viết về đất nước của thơ ca Việt Nam, làm sâu sắc thêm nhận thức về nhân dân và đất nước.
B. Cho điểm
- Điểm 11 - 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu của đề, có thể còn một vài sai sót không đáng kể.
- Điểm 9 - 10: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên, có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 7- 8: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu nhưng các ý chưa thật đầy đủ, có thể còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 5 - 6: Đáp ứng được một nửa yêu cầu về ý. Cách nhìn nhận và triển khai vấn đề còn lúng túng, diễn đạt còn hạn chế, mắc nhiều lỗi trình bày.
- Điểm 3 - 4: Bài làm sơ sài, diễn đạt yếu. Mắc nhiều lỗi về kiến thức và kĩ năng.
- Điểm 1- 2: Hiểu vấn đề một cách hời hợt, nông cạn, chỉ trình bày được 1- 2 ý nhỏ.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc sai lạc hoàn toàn về nội dung và phương pháp.
Lưu ý chung: Giám khảo căn cứ vào bài viết của thí sinh để vận dụng khung điểm cho từng câu một cách linh hoạt, điểm toàn bài cho đến 0.25, không làm tròn. Có thể thưởng điểm cho những bài làm sáng tạo, có chất văn nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa.
-----------Hết-----------

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_thpt_cap_tinh_mon_ngu_van_nam_hoc.doc