Đề thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh môn Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Đề 2) (Có đáp án)

Mượn lời một nhân vật trong truyện ngắn Nhỏ nhen, Nam Cao chủ trương : Nhà văn phải biết cách dùng những câu chuyện chẳng có gì để nói những cái sâu sắc.

 Bằng những hiểu biết của mình về truyện ngắn hiện đại Việt Nam, anh (chị) hãy làm rõ điều đó.

 

doc4 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 27/07/2023 | Lượt xem: 214 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh môn Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Đề 2) (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
SỞ GD&ĐT NINH BÌNH
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT 
Năm học 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN
Ngày thi :7/10/2015
(Thời gian 180 phút, không kể thời gian phát đề)
Đề thi gồm 02 câu, trong 01 trang
Câu 1(8 điểm)
Không bao giờ có thể trả hết nợ cho người vì ta không những nợ tiền bạc mà còn nợ cả ân nghĩa nữa. 
(Khuyết danh)
Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ về ý kiến trên.
Câu 2 (12 điểm)
Mượn lời một nhân vật trong truyện ngắn Nhỏ nhen, Nam Cao chủ trương : Nhà văn phải biết cách dùng những câu chuyện chẳng có gì để nói những cái sâu sắc.
	Bằng những hiểu biết của mình về truyện ngắn hiện đại Việt Nam, anh (chị) hãy làm rõ điều đó. 
HẾT
Họ và tên thí sinh :....................................................... Số báo danh .............................
Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1:..........................................................................
Giám thị 2:..........................................................................
SỞ GD&ĐT NINH BÌNH
HDC ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT
Kỳ thi thứ nhất - năm học 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN
Ngày thi 7/10/2015
 (hướng dẫn chấm gồm 03 trang)
Câu 1 (8,0 điểm)
A. YÊU CẦU
I. VỀ HÌNH THỨC
Học sinh làm đúng kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí. Bài viết có bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục; diễn đạt trong sáng, cảm xúc chân thành, tự nhiên, không rơi vào thuyết lý, diễn giải đạo đức khô khan, dài dòng; trình bày sạch đẹp; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
 II. VỀ NỘI DUNG 
Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt được các ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn câu nói 
 2. Giải thích ý nghĩa câu nói
- Nợ là khái niệm thuộc phạm trù kinh doanh, chỉ hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá vật chất mà một bên chưa có khả năng thanh toán sòng phẳng cho đối tác của mình và được sự chấp thuận đồng ý của bên kia cho phép thanh toán sau.
- Ân nghĩa là khái niệm thuộc phạm trù đời sống tinh thần, chỉ quan hệ tình cảm của người này đã dành cho người kia (thể hiện qua việc làm, lời nói hành động) mà không có sự tính toán, vụ lợi, không mong đáp trả.
=>Ý của cả câu nói: khẳng định khi ta được ai đó giúp đỡ, làm cho một việc gì đó là ta đã mắc một món nợ. Món nợ đó không chỉ là công sức, vật chất mà còn bao gồm cả tấm lòng, tình cảm mà người đó dành cho ta. Vì vậy ta chỉ có thể trả phần vật chất còn tình cảm, tấm lòng thì không thể. 
3. Bình luận và chứng minh
Đây là ý kiến đúng đắn, sâu sắc, bởi vì: 
- Trong lĩnh vực mua bán của thương trường, trả nợ là một sự sòng phẳng, nợ tiền bạc có thể thanh toán với nhau bằng tiền hoặc vật chất tương đương. Hết nợ cũng có nghĩa là con người không còn sự ràng buộc gì. 
- Trong lĩnh vực tình cảm, mọi thứ cho và nhận không thể rạch ròi như mua bán. Sự làm ơn, giúp đỡ chân thành (khác với ban ơn, thương hại) là thứ không thể cân đong, đo đếm, đổi chác. Đã cho hoặc nhận là mãi mãi, không đổi dời, không tính toán, vụ lợi. Vậy nên nếu ta đã nhận của ai điều gì tức là ta đã nhận cả tấm lòng của người đó, không thể tính về giá trị vật chất. Tấm lòng, tình cảm là vô giá. 
(Trong quá trình bình luận, học sinh phải lấy dẫn chứng để chứng minh)
4. Mở rộng, nâng cao vấn đề, liên hệ thực tế, rút ra bài học
- Câu nói khuyên ta phải biết tri ân, biết sống nhân nghĩa, coi trọng tình cảm. Đó là đạo lý làm người, là lẽ sống thuỷ chung của dân tộc. Đó cũng là cái gốc lâu bền hình thành nền tảng đạo đức, nhân cách của mỗi người.
- Trong xã hội hiện đại, con người sử dụng mọi phương tiện vật chất đáp ứng nhu cầu cuộc sống, kể cả nhu cầu bày tỏ tấm lòng, tình cảm nhưng không có thứ máy móc nào có thể tạo ra tình cảm chân thành đích thực của trái tim con người. Vì vậy mỗi chúng ta phải biết tạo dựng và trân trọng các mối quan hệ, ứng xử tình nghĩa, tích cực, bền vững. 
- Phê phán lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, tham vàng bỏ ngãi, bội bạc, qua cầu rút ván. Sống sòng phẳng, thực dụng chỉ có giá trị nhất thời khi con người đạt được mục đích của mình mà không thể có một người đồng chí, một người tri kỉ. 
- Tri ân, biết ơn người tạo dựng thành quả, giúp đỡ mình đồng thời phải biết phát huy tinh thần ấy bằng những việc tốt, những nghĩa cử cao đẹp. Đó cũng là một cách trả nợ tốt nhất. 
5. Kết luận: đánh giá khái quát vấn đề. 
B. CHO ĐIỂM
- Điểm 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có thể còn một vài sai sót nhỏ không đáng kể.
- Điểm 6 - 7: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên, còn một số sai sót nhỏ.
- Điểm 4 - 5: Hiểu vấn đề. Đáp ứng 2/3 yêu cầu. Mắc một số lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
- Điểm 2- 3: Cách nhìn nhận và triển khai vấn đề còn lúng túng hoặc không đảm bảo bố cục, kết cấu. Nội dung sơ sài, hời hợt, thiếu nhiều ý. Lập luận chưa chặt chẽ. Mắc nhiều lỗi về diễn đạt, trình bày
- Điểm 1: Kém về kĩ năng và kiến thức. Chỉ trình bày được 1-2 ý đơn giản.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc sai lạc hoàn toàn về nội dung và phương pháp.
Câu 2 (12,0 điểm)
A. YÊU CẦU
I. VỀ HÌNH THỨC
Học sinh làm đúng kiểu bài nghị luận văn học theo đinh hướng yêu cầu đề. Bài viết có bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục; diễn đạt trong sáng, có cảm xúc; trình bày sạch đẹp, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
II. VỀ NỘI DUNG 
Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Giải thích ý kiến
- Những câu chuyện chẳng có gì: những tác phẩm có đề tài, nội dung là những mảnh hiện thực đời sống bình thường, thậm chí tầm thường, vụn vặt.
 - Những cái sâu sắc: là ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm, là những điều nhà văn muốn khái quát mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, có tính quy luật. Nó gắn với những điều lớn lao của nhân loại như: Tình yêu, Tự do, Khát vọng, Công lí, Hạnh phúc, Nhân phẩm 
=>Nam Cao đề cập đến một vấn đề có tính chất lí luận của văn học: Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Văn học bắt nguồn từ đời sống. Nhà văn phải biết phát hiện, khai thác hiện thực đời sống ở chiều sâu tư tưởng, đem đến cho người đọc một bài học trông nhìn, thưởng thức và những nghĩ suy, chiêm nghiệm về nhân sinh, thế sự.
3. Đánh giá nhận xét
- Đây là quan niệm của một nhà văn hiện thực chủ nghĩa, thể hiện một đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nam Cao: khai thác những chuyện tẹp nhẹp của đời sống thường ngày mà khái quát được những vấn đề nhân sinh sâu sắc.
- Ý kiến của Nam Cao cần phải được hiểu rộng hơn. Cụ thể :
+ Để từ những câu chuyện chẳng có gì để viết nên được những cái sâu sắc, cách mà nhà văn thực hiện là một quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc. Nhà văn phải có tài, có tâm
+ Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, chủ trương của Nam Cao có thể được tiếp thu và vận dụng tùy thuộc vào sáng tạo riêng của mỗi tác giả, không mang tính chất bắt buộc. 
+ Bản thân người đọc để nhận ra những cái sâu sắc phải có trình độ, năng lực và cách tiếp nhận đúng đắn, tích cực.
4. Chứng minh
Học sinh chọn một hoặc một số tác phẩm mà mình tâm đắc làm dẫn chứng để chứng minh. Tuy nhiên dẫn chứng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Là truyện ngắn hiện đại Việt Nam. 
- Đề tài, nội dung phản ánh có tính chất hiện thực, gắn với những cái nhỏ nhặt hàng ngày, cốt truyện đơn giản, ít kịch tính
- Khi phân tích dẫn chứng, học sinh phải bám sát vào đặc trưng truyện ngắn làm nổi bật, chỉ rõ được cái sâu sắc mà nhà văn muốn đặt ra. Từ đó thấy được phong cách, cá tính sáng tạo cũng như cái tài, cái tâm của tác giả.
(Học sinh có thể chọn những truyện ngắn của Nam Cao,Thạch Lam, Nguyễn Thiđã học và đọc thêm để phân tích. Nếu học sinh chọn tác phẩm không đạt những yêu cầu trên thì rất khó viết hay và sâu sắc, thậm chí có thể làm sai lạc vấn đề).
5. Kết luận: Đánh giá khái quát về vấn đề nghị luận.
B. Cho điểm
- Điểm 11- 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu của hướng dẫn chấm, có thể còn một vài sai sót không đáng kể.
- Điểm 9- 10: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên, có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 7- 8: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu nhưng các ý chưa thật đầy đủ, có thể còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 5 - 6: Đáp ứng được một nửa yêu cầu về ý. Cách nhìn nhận và triển khai vấn đề còn lúng túng, diễn đạt còn hạn chế, mắc nhiều lỗi trình bày.
- Điểm 3 - 4: Chọn sai tác phẩm hoặc tác phẩm không đạt yêu cầu. Bài làm sơ sài, diễn đạt yếu. Mắc nhiều lỗi về kiến thức và kĩ năng.
- Điểm 1- 2: Hiểu vấn đề một cách hời hợt, nông cạn, chỉ trình bày được 1- 2 ý nhỏ.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc sai lạc hoàn toàn về nội dung và phương pháp.
Lưu ý chung: Giám khảo căn cứ vào bài viết của thí sinh để vận dụng khung điểm cho từng câu một cách linh hoạt, điểm toàn bài cho đến 0.25, không làm tròn. Có thể thưởng điểm cho những bài làm sáng tạo, có chất văn nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa.
-----------Hết-----------

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_thpt_cap_tinh_mon_ngu_van_nam_hoc.doc