Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT Chuyên môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Đề 2) (Có đáp án)

Trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, nhân vật “ tôi” đã suy ngẫm:

Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương

 

doc3 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 27/07/2023 | Lượt xem: 249 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT Chuyên môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Đề 2) (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NINH BÌNH
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC 2014-2015
Môn: Ngữ văn
Ngày thi: 12/6/2014
Thời gian làm bài:150 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm 03 câu trong 01 trang
Câu 1 (2,0 điểm). 
Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong cặp lục bát sau: 
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông
(Nguyễn Du, Truyện Kiều) 
Câu 2 (3,0 điểm).
Trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, nhân vật “ tôi” đã suy ngẫm:
Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổitoàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương
 (Ngữ văn 8, tập 1, trang 44, NXB Giáo dục, 2008)
Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên. 
Câu 3 (5,0 điểm). 
Với các thi nhân, mùa thu lưu dấu ấn của mình trong những vần thơ đượm một vẻ riêng trong trẻo. Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến,(), Lưu Trọng Lư... đều có những câu thơ, những bài thơ mùa thu tuyệt đẹp. Đến lượt mình, Hữu Thỉnh lại làm cho mùa thu có thêm hương sắc mới.
(Vũ Nho, Đi giữa miền thơ) 
Em hãy phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh để làm sáng tỏ nhận định trên. 
Văn bản: Sang thu
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng 
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
(Hữu Thỉnh, Từ chiến hào đến thành phố, NXB Văn học, Hà Nội, 1991)
-----------HẾT----------
Họ và tên thí sinh :..................................................... Số báo danh:..................................
Họ và tên, chữ ký:
Giám thị 1:.........................................................................................
Giám thị 2:.........................................................................................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NINH BÌNH
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC 2014-2015
Môn: Ngữ văn - Ngày thi 12/6/2014 
 (Hướng dẫn chấm này gồm 02 trang)
Câu 1 (2,0 điểm).
- Chỉ ra được các biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:
+ Nhân hóa (quyên đã gọi hè) (0,25 điểm)
+ Điệp phụ âm “l” (lửa lựu lập loè) (0,25 điểm)
+ Ẩn dụ (lửa lựu). 	 (0,25 điểm) 
- Hiệu quả nghệ thuật: 
+ Chim đỗ quyên/cuốc biết gọi như làm bạn với mùa hè (0,25 điểm). 
+ Màu đỏ của hoa lựu gợi lên qua hình tượng âm thanh (0,25 điểm).
+ Hoa lựu được ngầm so sánh với lửa (hình tượng thị giác) (0,25 điểm). 
+ Bức tranh vào hè cảm nhận bằng thính giác, thị giác, cảnh đầu hè hiện ra sinh động có âm thanh, màu sắc, gợi cảm. (0,5 điểm) 
Câu 2 (3,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng
- Biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận để viết một bài nghị luận xã hội đúng và trúng theo yêu cầu của đề bài .
- Bố cục mạch lạc, luận điểm rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục, diễn đạt lưu loát, không mắc các loại lỗi. 
2. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: 
- Giải thích ý kiến: 
+ không cố tìm mà hiểu họ: không quan tâm, không thấu hiểu bản chất tốt đẹp bên trong, chỉ nhìn vẻ bề ngoài. 
+ chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi: chỉ nhận thấy mặt xấu, hạn chế của người khác.
+ ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương: thờ ơ, vô cảm, thậm chí ác cảm và coi thường.
+ Cần phải nhìn nhận, đánh giá con người bằng lòng đồng cảm, bằng đôi mắt của tình thương. 
- Bàn luận: 
 Đây là cách nhìn nhận, đánh giá con người đúng đắn, có giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc: 
+ Hiểu con người ở chiều sâu tâm hồn, bằng tình thương giúp ta thấu thị bản chất, giá trị tốt đẹp của họ, để có cách hành xử thấu cận nhân tình. 
+ Hiểu biết đúng về một người là cơ sở để chia sẻ, đồng cảm, trân trọng; tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.
+ Thiếu hiểu biết, hiểu không đúng những người sống quanh ta, ta thường có cái nhìn phiến diện, ngộ nhận, đánh giá sai lầm về họ. 
+ Trong cuộc sống, có một số người nhìn nhận, đánh giá con người phiến diện, đơn giản, chỉ nhìn vẻ bề ngoài dẫn đến những ngộ nhận, sai lầm đáng tiếc.
+ Để hiểu về những người sống quanh ta, bản thân mỗi chúng ta phải đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của họ, có lòng thương, sống với nhau bằng tình người, sự quan tâm , thấu hiểu và tôn trọng nhau. 
3. Thang điểm: 
- Điểm 3: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, còn một vài lỗi rất nhỏ.
- Điểm 2: Đáp ứng được khoảng 2/3 các yêu cầu trên, còn một vài lỗi nhỏ.
- Điểm 1: Viết sơ sài, mắc nhiều lỗi. 
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
Câu 3 (5,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết vận dụng kiến thức văn học, kết hợp các thao tác nghị luận để làm một bài nghị luận văn học đúng và trúng với yêu cầu của đề bài.
- Bố cục chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, không mắc các loại lỗi.
2. Yều cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày và lí giải khác nhau, song cần đảm bảo các ý cơ bản sau: 
a. Giải thích ý kiến:
- Sáng tạo trong văn học là quá trình tìm tòi, khám phá cái mới, có giá trị độc đáo in dấu ấn của người nghệ sĩ.
- Ngay trong thi đề quen thuộc của văn học mọi thời, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có những sáng tạo mới mẻ, độc đáo, có giá trị thẩm mĩ. Với đề tài mùa thu, các nhà thơ nổi tiếng để lại nhiều thi phẩm đặc sắc. Hữu Thỉnh cũng không nằm ngoài quy luật đó. 
b. Làm sáng tỏ ý kiến qua việc phân tích bài thơ Sang thu 
- Vài nét về tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm:
+ Sang thu được viết năm 1977 khi Hữu Thỉnh vừa bước ra khỏi chiến tranh để cảm nhận một mùa thu hậu chiến. Bởi vậy, nhà thơ nhìn thu bằng cái nhìn của nhà thơ có sự trải nghiệm đời sống. 
+ Sang thu của Hữu Thỉnh đã thể hiện được sự cảm nhận tinh tế về sự biến đổi của đất trời tạo vật từ hạ sang thu: thu mang những nét bình dị, quen thuộc mà mới lạ và ẩn chứa những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời.
- Bố cục bài thơ. 
- Sự vận động của mạch cảm xúc, hình tượng thơ. 
+ Khổ thơ đầu: Cảm nhận tinh tế của nhà thơ về thời khắc giao mùa cuối hạ, đầu thu ở làng quê. 
Tín hiệu chuyển mùa cảm nhận tinh tế bằng nhiều giác quan: khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình),cảm nhận bằng tâm hồn, tâm trạng (hình như thu đã về). Sự tinh tế còn được thể hiện ở tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến của con người (bỗng, hình như)
+ Khổ thơ thứ hai: Cảm nhận thiên nhiên sang thu ở không gian rộng lớn hơn, nhiều tầng bậc hơn. 
Ý thơ, hình ảnh thơ mang những nét đặc trưng, tinh tế của thời điểm giao mùa (sông dềnh dàng, chim vội vã). Sự vận động trái chiều của cảnh vật. Sự liên tưởng thú vị, bất ngờ kết hợp với trí tưởng tượng bay bổng (Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang thu) 
+ Khổ thơ cuối: Thiên nhiên sang thu được cảm nhận nghiêng về trải nghiệm, suy cảm. Mùa thu đang dần đi vào tâm tưởng, đang lắng lại trong suy tư. 
- Vài nét đặc sắc nghệ thuật: 
+ Hình ảnh, ngôn từ mang nhiều tầng nghĩa (nắng, mưa, sấm, chớp, hàng cây đứng tuổi), diễn tả thay đổi của đất trời lúc sang thu, gợi những biến động và trưởng thành, trải đời của tác giả 
+ Thể thơ 5 chữ, không dùng dấu câu trong suốt cả bài thơ tạo nên nhiều liên tưởng thú vị. Hình ảnh thơ đặc sắc, câu chữ tài hoa, giàu sức gợi hình và gợi cảm. Bài thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế, độc đáo về sự chuyển biến của thiên nhiên, đất trời vào thời khắc giao mùa; đồng thời chứa chất những suy nghiệm về con người và cuộc sống.
+ Bài thơ giúp người đọc cảm nhận được một Hữu Thỉnh nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên, suy cảm sâu sắc về đời người.
3. Thang điểm: 
 - Điểm 5: Đáp ứng tốt những yêu cầu trên, có nhiều sáng tạo trong cấu trúc bài, có hiểu biết sâu sắc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ thấu đáo, cách bày tỏ chân thành, có cảm xúc, còn một vài lỗi không đáng kể..
 - Điểm 4: Đáp ứng khá tốt những yêu cầu trên, có sự hiểu biết và lập luận chặt chẽ, diễn đạt có cảm xúc, có mắc một số lỗi nhỏ.
 - Điểm 3: Đáp ứng cơ bản 2/3 yêu cầu trên, còn mắc một số sai sót.
 - Điểm 2: Bài sơ sài, thiếu nhiều ý, lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi các loại.
 - Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn. 
Lưu ý chung: 
- Có thể thưởng điểm cho những bài viết có ý tứ hoặc cách viết độc đáo, sáng tạo khi bài làm chưa đạt tối đa.
- Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25. 

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_chuyen_mon_ngu_van_nam_hoc_201.doc