Đề khảo sát chất lượng học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD&ĐT Nho Quan (Có đáp án)
Bạn đang xem nội dung Đề khảo sát chất lượng học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD&ĐT Nho Quan (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
UBND HUYỆN NHO QUAN ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH GIỎI PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Năm học 2016 – 2017 MÔN: NGỮ VĂN 9 ĐỀ THI CHÍNH THỨC (Thời gian làm bài 150 phút) Đề thi gồm 03 câu, trong 01 trang Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm) Xác định và phân tích giá trị thẩm mĩ của các biện pháp tu từ trong khổ thơ sau: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc Nước gương trong soi tóc những hàng tre Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè Toả nắng xuống dòng sông lấp loáng”. (Tế Hanh, Nhớ con sông quê hương) Phần II. Tạo lập văn bản (17,0 điểm) Câu 1 (5,0 điểm): Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Phát biểu suy nghĩ của em được gợi ra từ hiện tượng nêu trên. Câu 2 (12,0 điểm): Phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Từ đó, nêu suy nghĩ về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay. ............. HẾT........... Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm. UBND HUYỆN NHO QUAN HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 Năm học: 2016 – 2017 MÔN: NGỮ VĂN (Hướng dẫn chấm gồm 0,5 trang) I. HƯỚNG DẪN CHUNG: - Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng. Giám khảo cần vận dụng linh hoạt, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có ý tưởng sáng tạo. - Bài viết cần có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những bài mắc quá nhiều các loại lỗi dùng từ, chính tả, đặc biệt là văn viết tối nghĩa thì không cho quá nửa số điểm của mỗi câu. - Chấm theo thang điểm 20,0 (Phần I: 3,0 điểm; Phần II: 17,0 điểm). II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ: Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm) - Xác định phép tu từ: + Phép tu từ nhân hóa: soi tóc những hàng tre (0,5 điểm) + Phép tu từ so sánh: tâm hồn tôi là một buổi trưa hè (0,5 điểm) - Phân tích giá trị thẩm mĩ: + Phép tu từ nhân hóa: Làm hình ảnh hàng tre trở nên yểu điệu, duyên dáng như một thiếu nữ đứng soi mình xuống dòng nước trong xanh; cảnh vật vô tri mang hình ảnh đời sống của con người và trở nên thân thương (0,5 điểm) + Phép tu từ so sánh: Gợi lên vẻ đẹp của tâm hồn Tế Hanh. Tác giả đã hoà mình cùng với nắng, với dòng sông quê hương. Qua đó, thể hiện lòng yêu mến quê hương, đất nước của mình (0,5 điểm) => Các biện pháp tu từ được sử dụng phù hợp đã thổi hồn vào cảnh vật khiến cho sự vật được miêu tả hiện lên rất sinh động, nên thơ. Đồng thời, bộc lộ được tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước (1,0 điểm) Phần II (17,0 điểm) Câu 1 (5,0 điểm) I. Yêu cầu về kĩ năng: - Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội. - Bài viết có bố cục hợp lí. - Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, xác đáng. - Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc. - Ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. - Hình thức trình bày sạch sẽ. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo một số ý sau: 1. Mở bài: - Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nghị lực và ý chí vươn lên của con người trong những hoàn cảnh khó khăn. - Trích dẫn câu nêu hiện tượng. 2. Thân bài: - Giải thích được câu nêu hiện tượng: + Hình ảnh “vùng sỏi đá khô cằn” gợi liên tưởng, suy nghĩ về điều kiện sống khắc nghiệt, khó khăn. Nói cách khác là nơi sự sống khó sinh sôi, phát triển. + Hình ảnh “cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp”: gợi suy nghĩ, cây hoa dại sống giữa tự nhiên lặng lẽ mà kiên cường, nó tự thích nghi với hoàn cảnh, vượt lên điều kiện khắc nghiệt để sống và nở hoa. => Câu nói mượn hiện tượng thiên nhiên mà gợi suy nghĩ về thái độ sống của con người: cho dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu, sự sống vẫn hiện hữu, cái đẹp vẫn tồn tại. Con người phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. - Phân tích, chứng minh hiện tượng: + Trong thế giới tự nhiên, cây cối, cỏ hoa luôn ẩn chứa sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, sẵn sàng thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt (dẫn chứng: cây xương rồng vẫn sống và nở hoa giữa sa mạc khô cằn ) + Với con người, những thử thách, khó khăn của thực tế đời sống luôn đặt ra nên con người phải có cách nhìn, thái độ sống tích cực, không đầu hàng nghịch cảnh, không buông xuôi phó thác cho số phận (dẫn chứng: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng; Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí viết bằng chân vẫn đỗ đại học và làm thầy giáo ) + Phê phán một bộ phận người trong xã hội không vượt qua được hoàn cảnh khó khăn mà tự đánh mất mình. - Bài học nhận thức và hành động: + Bài học rất có ý nghĩa với người trẻ tuổi, nhắc nhở quan niệm sống không đầu hàng số phận, hãy sống như loài hoa kia vượt lên sỏi đá để tồn tại. + Nhìn tấm gương của những bạn học sinh cùng trang lứa biết vượt khó để tự nhìn lại chính mình. 3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của hiện tượng trên. Lời khuyên, nhắn nhủ. III. Thang điểm: - Điểm 4,5 – 5,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu. Bài làm có tính sáng tạo. - Điểm 3,5 – 4,0: Đáp ứng 2/3 các yêu cầu; lập luận tốt; chứng cứ xác thực; ngôn ngữ biểu cảm; còn một vài sai sót về chính tả. - Điểm 2,5 – 3,0: Đáp ứng 50% các yêu cầu; biết lập luận; đưa dẫn chứng hợp lí; diễn đạt có chỗ chưa thoát ý, còn mắc một số lỗi chính tả. - Điểm 1,0 – 2,0: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu; lập luận chưa chặt chẽ; dẫn chứng chưa toàn diện; diễn đạt lủng củng; ngôn ngữ thiếu sức biểu cảm. - Điểm 0,0 – 0,5: Lạc đề hoặc không làm bài. Câu 2 (12,0 điểm) I. Yêu cầu về kĩ năng: - Biết làm bài nghị luận văn học kết hợp nghị luận xã hội. - Bài viết có bố cục rõ ràng, hợp lí. - Lập luận tốt, dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu, hợp lí. - Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc. Ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. - Hình thức trình bày sạch sẽ. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo một số ý sau: 1. Mở bài: Giới thiệu được vấn đề nghị luận (phẩm chất và số phận của người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương). 2. Thân bài: Cần đảm bảo những ý sau: Vũ Nương là người có những phẩm chất tốt đẹp, tiêu biểu cho người phụ nữ thời phong kiến. - Nàng xinh đẹp, nết na, thùy mị. + “ Tư dung tốt đẹp”: dáng vẻ, nhan sắc mặn mà. + Biết chồng đa nghi, nàng luôn giữ gìn khuôn phép để yên ấm cửa nhà: “không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”. - Nàng yêu chồng và rất mực thủy chung. + Khi chồng ra trận, chỉ mong chồng trở về “bình yên”. + Thời gian xa chồng luôn nhớ chồng da diết, thương chồng thiếu thốn, gian lao nơi chiến địa. + Một lòng, một dạ với chồng: “ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót, tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng”. - Nàng đảm đang, tháo vát gánh vác việc gia đình. + Một mình nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ chồng. + Một mình lo lắng mọi bề (việc gia đình, họ hàng, chòm xóm ) thay chồng khi chồng vắng nhà. - Nàng là người con dâu hiếu thảo. + Khi mẹ chồng ốm đau: hết lời khuyên lơn, hết lòng săn sóc, thuốc thang, lễ bái thần phật. + Khi mẹ chồng mất: lo ma chay chu đáo như với cha mẹ đẻ. + Lời trăng trối của người mẹ chồng trước khi mất đã thể hiện rõ điều này. - Nàng là người giàu lòng vị tha, khoan dung, nhân hậu. + Bị chồng đẩy đến cái chết oan ức nhưng không hề oán giận. + Nghe Phan Lang kể về gia đình, vẫn thương nhớ chồng con và muốn tìm về gặp mặt. + Khi chồng lập đàn giải oan hiện về nói lời: “đa tạ tình chàng”. => Vũ Nương mang đầy đủ nét đẹp truyền thống của người phụ nữ trong xã hội thời phong kiến. Những việc làm của nàng đều xuất phát từ cái tâm trong sáng, hiền lành; lương tâm, trách nhiệm của một người có hiểu biết về đạo làm con, về nghĩa vợ chồng. Vũ Nương là người phụ nữ có số phận bất hạnh trong xã hội phong kiến xưa. - Nàng chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. + Xinh đẹp, nết na nhưng vì nghèo mà cha mẹ gả bán cho con nhà hào phú lắm tiền nhưng ít học và thiếu tình yêu. + Luôn bị chồng phòng ngừa quá mức, vẫn phải nhịn nhục để không dẫn đến thất hòa. - Nàng phải một mình lo gánh nặng gia đình. + Một mình sinh, nuôi con nhỏ, chăm sóc mẹ già ốm đau. + Một mình thân gái lo tang khi mẹ chồng mất. + Một mình lo lắng mọi bề thay chồng khi chồng vắng nhà mà không có ai san sẻ, động viên. - Nàng bị chồng nghi oan và đối xử tệ bạc. + Hết lòng thủy chung, nhưng chồng về nàng bị đối xử tàn nhẫn: chửi bới, đánh đập, đuổi khỏi nhà mặc hàng xóm can ngăn. + Chồng bỏ ngoài ta những lời nàng thanh minh (3 lần) - Nàng phải chịu cái chết oan nghiệt. + Nàng tự vẫn ở bến sông Hoàng Giang để chứng minh danh tiết, trở thành nạn nhân của thói ghen tuông mù quáng. + Cái chết cho thấy nàng bị đẩy vào bước đường cùng, không lối thoát do thói thô bạo của kẻ hào phú, ít học lắm tiền. => Số phận của nàng cũng là số phận biết bao người phụ nữ xưa trong xã hội phong kiến: thấp cổ, bé họng, luôn chịu khổ ải, oan ức. Suy nghĩ về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay. - Người phụ nữ được đối xử bình đẳng, được yêu thương, tôn trọng, sống hạnh phúc, làm chủ cuộc đời mình. - Họ đang có những đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước ở mọi lĩnh vực, phương diện. - Có nhiều người giữ những chức vụ quan trọng trong mọi tổ chức, đoàn thể và họ đang làm việc, cống hiến hết mình. - Tuy vậy còn một số ít phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa...vẫn chưa được đối xử công bằng, vẫn là nạn nhân của nhiều vấn nạn... 3. Kết bài: Đánh giá, khẳng định giá trị của tác phẩm. III. Thang điểm: - Điểm 11,0 – 12,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu. Bài viết có tính sáng tạo. - Điểm 9,0 – 10,5: Đáp ứng 80% các yêu cầu; biết làm kiểu bài kết hợp hai kiểu bài nghị luận văn học và nghị luận xã hội; luận điểm rõ ràng; luận cứ xác thực, chọn lọc tiêu biểu; diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ biểu cảm; trình bày sạch sẽ. - Điểm 7,0 – 8,5: Đáp ứng 2/3 yêu cầu; biết viết đúng kiểu bài kết hợp; sắp xếp hệ thống luận điểm hợp lí; chứng cứ rõ ràng, cụ thể; ngôn từ trong sáng, dễ hiểu; trình bày sạch sẽ. - Điểm 5,0 – 6,5: Đáp ứng 50% yêu cầu; biết làm đúng kiểu bài; có hệ thống luận điểm hợp lí; trình bày sạch sẽ; ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu; tuy nhiên dẫn chứng chưa cụ thể, chi tiết, chọn lọc; còn một số sai sót về diễn đạt và chính tả. - 3,0 – 4,5: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu; có hệ thống luận điểm; trình bày tương đối sạch sẽ; tuy nhiên dẫn chứng tính thuyết phục chưa cao; còn mắc lỗi về diễn đạt câu và chính tả. - Điểm 1,0 – 2,5: Kĩ năng làm bài nghị luận văn học kết hợp nghị luận xã hội chưa tốt; luận điểm chưa thuyết phục; lí lẽ, dẫn chứng sơ sài; còn sai nhiều lỗi chính tả và diễn đạt câu; ngôn ngữ thiếu tính biểu cảm. - Điểm 0,0 – 0,5: Không làm bài, hoặc lạc đề. Lưu ý: giáo viên linh hoạt khi chấm bài, ưu tiên những bài viết độc đáo, sáng tạo, giàu chất văn chương. -----------Hết-----------
File đính kèm:
de_khao_sat_chat_luong_hoc_sinh_gioi_ngu_van_lop_9_nam_hoc_2.docx