Đề thi chọn đội tuyển chính thức tham dự kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2014 môn Ngữ văn - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án)

Câu 2: ( 12,0 điểm)

Mỗi tác phẩm văn học là một khám phá về nội dung, một sự sáng tạo về hình thức.

 (Lêônit Lêônôp, nhà văn Xô viết)

Bằng sự phân tích đối sánh hai thi phẩm Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

 

doc4 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 27/07/2023 | Lượt xem: 290 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn đội tuyển chính thức tham dự kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2014 môn Ngữ văn - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH BÌNH
ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN CHÍNH THỨC THAM DỰ 
KÌ THI CHỌN HSG QUỐC GIA NĂM 2014 
MÔN: NGỮ VĂN
Ngày thi : 31/10 /2013
(Thời gian 180 phút không kể thời gian phát đề)
Đề thi gồm 02 câu, trong 01 trang
Câu 1: (8,0 điểm)
VĂN BẢN
	Bất ngờ mất điện, một ngọn nến được đem ra thắp lên và đang lung linh tỏa sáng. Nến hân hoan khi thấy mọi người trầm trồ: “May quá, nếu không có cây nến này, chúng ta sẽ không thấy gì mất!”. Thế nhưng khi dòng sáp nóng bắt đầu chảy ra, nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến chợt nghĩ: “Chết thật, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy nhỉ?”. Nghĩ rồi nến nương theo một cơn gió thoảng qua để tắt phụt đi. Mọi người trong phòng xôn xao: “Nến tắt rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. Cây nến mỉm cười tự mãn vì sự quan trọng của mình. Bỗng có người nói: “Nến dễ tắt, để tôi đi tìm cái đèn dầu...”. Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được cây đèn dầu. Đèn dầu được thắp lên, còn cây nến cháy dở thì người ta bỏ vào ngăn kéo. Thế là từ hôm đó, nến bị bỏ quên trong ngăn kéo, rồi cũng không còn ai nhớ đến nó nữa. Nến hiểu ra rằng, hạnh phúc của nó là được cháy sáng, dù có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến.
 (Theo Quà tặng cuộc sống)
Suy nghĩ của anh (chị) từ văn bản trên?
Câu 2: ( 12,0 điểm)
Mỗi tác phẩm văn học là một khám phá về nội dung, một sự sáng tạo về hình thức.
 	 (Lêônit Lêônôp, nhà văn Xô viết)
Bằng sự phân tích đối sánh hai thi phẩm Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên. 
----------------------- HẾT -----------------------
Họ và tên thí sinh :........................................... Số báo danh ............................
Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1:..........................................................................
Giám thị 2:..........................................................................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH BÌNH
HDC ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN CHÍNH THỨC 
THAM DỰ KÌ THI CHỌN HSG QUỐC GIA NĂM 2014 
MÔN: NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm gồm 02 trang)
I. Câu 1: (8,0 điểm) 
1. Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm một bài nghị luận xã hội đúng và trúng yêu cầu của đề bài. Bài viết có bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, không sai các loại lỗi.
2.Yêu cầu về kiến thức:
Có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản:
*Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận.
*Giải quyết vấn đề nghị luận.
	- Giải thích ngắn gọn ý nghĩa của câu chuyện: ngọn nến ban đầu cũng thấy mình vui sướng vì được cháy sáng nhưng khi bắt đầu tan chảy ra, nó thấy mình thiệt thòi vì vậy mà tìm cách tự tắt sáng đi ->Muốn tỏa sáng nhưng lại không muốn tan chảy -> Đó là thói ích kỉ của con người, sợ mình bị thiệt hơn người khác nên chỉ lo nghĩ cho bản thân mình.
	- Cây nến nhận ra một cách muộn màng rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng dù sau đó có tan chảy đi -> Con người cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Dù ở vị trí nào, con người cũng phải biết cống hiến toàn bộ khả năng của mình để trở thành người sống có ích cho xã hội. Có như thế con người mới không hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí.
- Điện, đèn, nến: ẩn ý về cá nhân trong quan hệ với cộng đồng, gia đình, xã hội; con người không thể sống tách mình ra khỏi cộng đồng, phải hòa nhập, bổ sung, tương hỗ cho nhau.
	- Ích kỉ là một thói xấu hay gặp và dễ mắc phải. Con người phải có bản lĩnh, sự nhân hậu để vượt lên trên thói ích kỉ cá nhân.
	- Con người sống ở trên đời ai cũng có ý thức về cái tôi của mình, thậm chí sự tự ý thức về cái tôi để nâng mình lên, để tự khẳng định mình là một nhu cầu chính đáng. Song cần phải phân biệt rõ khát vọng “tỏa sáng” với tham vọng “đánh bóng” bản thân; ý thức khẳng định bản thân khác hẳn với sự ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa.
	- Mối quan hệ biện chứng giữa “cho” và “nhận”, “được” và “mất” rất tinh tế. “Giọt nước muốn không khô cạn phải hòa vào biển cả”. Khi sống cống hiến vô tư, con người sẽ nhận được nhiều hạnh phúc.
*Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
3. Thang điểm:
 - Điểm 8: Đáp ứng tốt nội dung trên, có nhiều sáng tạo trong cấu trúc bài, có hiểu biết sâu sắc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ thấu đáo, cách bày tỏ chân thành, có cảm xúc.
 - Điểm 6: Đáp ứng khá tốt nội dung trên, có sự hiểu biết và lập luận thuyết phục, lí lẽ đúng đắn, diễn đạt có cảm xúc, mắc một vài lỗi không đáng kể.
 - Điểm 4: Đáp ứng cơ bản yêu cầu trên, có thể thiếu ý hoặc một vài chỗ chưa hoàn thiện.
- Điểm 2: Bài sơ sài, thiếu nhiều ý, lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi các loại.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn
II. Câu 2: (12 điểm)
1.Yêu cầu về kĩ năng.
 	- Biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề văn học đúng và trúng theo yêu cầu của đề.
 	- Bài viết có kết cấu chặt chẽ, kiến thức phong phú, chính xác, diễn đạt mạch lạc, viết có cảm xúc, không mắc lỗi các loại.
2.Yêu cầu về nội dung.
Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
*Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận.
*Giải quyết vấn đề nghị luận.
 - Giải thích nhận định: mỗi tác phẩm văn học đích thực bao giờ cũng là sự sáng tạo ra những giá trị thẩm mĩ mới mẻ, duy nhất, không lặp lại. Giá trị mới về nội dung là những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống muôn mặt của con người với tư cách cá nhân và tư cách nhân loại, khiến con người sống đẹp và hạnh phúc, lên án những gì phản con người gây đau khổ bất hạnh, hạ thấp nhân tính, nhân phẩm con người, tất cả những gì của con người, thuộc về con người đều nằm trong trường khám phá của văn học Tựu chung lại là giúp con người tự hoàn thiện bản thân, khuyến thiện trừng ác, từ vấn đề của một người, một thời mà nói được những vấn đề của mọi người, mọi thời. Giá trị nghệ thuật mới là tiếng nói nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, có sức sống lâu bền với thời gianĐó là sự sáng tạo về thể loại, ngôn ngữ hình ảnh, giọng điệu
 - Bình luận: nhận định đúng nhưng chưa đủ, bởi nhà văn bao giờ cũng bị qui định bởi thời đại, sinh quyển văn hóa chính trị xã hội, đạo đức, truyền thống nghệ thuật... mà ông cha ta sinh tồn, không ai có thể nắm tóc mình bước qua vũng nước, nghệ sĩ không bao giờ khám phá sáng tạo từ con số không. Bởi vậy nhà văn luôn phải ôn cố nhi tri tân, học người xưa, người nay; mỗi nghệ sĩ chỉ có thể góp cho đời sống nghệ thuật khi cháy hết mình bằng sở trường của mình, ghi dấu ấn riêng của mình trong lòng người đọc.
- Bài học: nghệ sĩ có tiếng nói riêng, có quan niệm mới thì người đọc cũng phải có cách đọc mới để không rơi vào tình trạng gọt giầy cho vừa chân..
- Phân tích trong thế đối sánh hai bài thơ:
+ Giống nhau đều là hai tác phẩm đặc sắc thuộc thể loại thơ của hai tác giả lớn trong lịch sử văn học dân tộc, đề tài đều viết về mùa thu, đều có cảnh thu và tình thu.
+ Khác nhau một bài là thơ Nôm đường luật trung đại, một bài là thơ tự do hiện đại, Cảm hứng chính trong Thu vịnh là nỗi buồn thu của một tác giả nhà nho ở ẩn, bất lực muốn quên thời thế nhưng không quên được trách nhiệm của kẻ sĩ trước cảnh nước mất nhà tan; cảnh làng quê nông thôn Bắc bộ vào thu đẹp, đượm buồn hiu hắt đồng thời đó cũng là biểu tượng về không gian thanh sạch thanh tĩnh lánh đục về trong; thi nhân thấy tâm hồn mình không đẹp như mùa thu, không đẹp như cổ nhân. 
. Cấu tứ Thu vịnh là cấu tứ uất ức, nghẹn ngào. Bút pháp thi trung hữu họa thi trung hữu nhạc, lấy động tả tĩnh, sử dụng điển cố,  nhìn chung là bài thơ nghiêng về nghệ thuật không gian, mô tả và biểu hiện mùa thu làng quê Bắc Bộ đã hoàn tất có thần từ màu sắc, âm thanh, đến nhịp điệu, nhạc điệu, giọng điệu của lối thơ điệu ngâm trung đại.
 . Cảm hứng trong Đây mùa thu tới lại là cái bâng khuâng man mác trước bước chuyển mùa của mùa thu mang dáng dấp thị thành của nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới (buồn là chủ yếu với nhiều cung bậc: đìu hiu, chịu tang, buông, lệ ngàn hàng, u uất hận chia li buồn không nói, nhưng vẫn có niềm vui khe khẽ), nhà thơ của nỗi ám ảnh thời gian. Buồn vui có lí do riêng theo quan niệm nghệ thuật thẩm mĩ của Xuân Diệu – nhà thơ thời hiện đại với sự thức tỉnh sâu sắc của ý thức cá nhân.
Tứ thơ là sự làm hiện hình bước đi của thời gian (đáp xuống rặng liễu, khu vườn, lá cây cành cây, dòng sông, vầng trăng cuối cùng ngấm vào hồn ít nhiều thiếu nữ). Thi liệu cũ được làm mới bởi cảm xúc mới, bởi quan niệm tương giao, nhịp điệu, nhạc điệu, giọng điệu mang âm điệu chủ yếu của thơ điệu nói hiện đại, nhà thơ thấy động ngay cả trong trạng thái tĩnh, thi pháp lấy con người làm chuẩn mực của vẻ đẹp
 + Nguyên nhân: Hai thi phẩm thuộc hai kiểu tác giả ở hai thời đại văn học, hai hệ thống thi pháp khác nhau. Nó tuân theo qui luật sáng tạo nghệ thuật mà ta đã bàn. Hai thi phẩm đều là những tiếng nói thi ca độc đáo mới mẻ về mùa thu, một trong những đề tài của thi ca muôn đời, góp phần làm giàu vốn văn hóa thẩm mĩ của người đọc trước vẻ đẹp của mùa thu.
*Kết thúc vấn đề: Khẳng đinh, đánh giá lại vấn đề.
3. Thang điểm:
- Điểm 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
- Điểm 10: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ không đáng kể.
- Điểm 8: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu, có thể có một vài chỗ chưa hoàn thiện.
- Điểm 6: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu, có thể thiếu ý hoặc mắc lỗi các loại.
- Điểm 4: Bài sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc quá nhiều lỗi các loại.
- Điểm 2: Bài viết quá sơ sài, có quá nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
Lưu ý:
Giám khảo linh hoạt vận dụng biểu điểm, có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo khi tổng điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25.

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_doi_tuyen_chinh_thuc_tham_du_ki_thi_chon_hoc_sin.doc