Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi dự thi quốc gia môn Sinh học - Năm học 2015-2016 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án)

Câu 1 (1,5 điểm)

 a) Nêu chức năng của các thành phần hoá học chính cấu tạo nên màng sinh chất theo mô hình khảm động.

 b) Màng tế bào tách từ các phần khác nhau của hươu Bắc cực có thành phần axit béo và colesterol khác nhau. Màng tế bào nằm gần móng chứa nhiều axit béo không no và colesterol hơn màng tế bào phía trên. Hãy giải thích sự khác nhau này?

 

doc4 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 27/07/2023 | Lượt xem: 184 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi dự thi quốc gia môn Sinh học - Năm học 2015-2016 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
SỞ GD&ĐT NINH BÌNH
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN 
HỌC SINH GIỎI DỰ THI QUỐC GIA
Năm học 2015 – 2016
MÔN: SINH HỌC
Ngày thi 29/10/2015
Thời gian làm bài 180 phút
(Đề thi gồm 18 câu, trong 04 trang)
I. TẾ BÀO HỌC (1,5 điểm)
Câu 1 (1,5 điểm)
 a) Nêu chức năng của các thành phần hoá học chính cấu tạo nên màng sinh chất theo mô hình khảm động.
 b) Màng tế bào tách từ các phần khác nhau của hươu Bắc cực có thành phần axit béo và colesterol khác nhau. Màng tế bào nằm gần móng chứa nhiều axit béo không no và colesterol hơn màng tế bào phía trên. Hãy giải thích sự khác nhau này?
II. VI SINH VẬT (1,5 điểm)
Câu 2 (1,5 điểm)
a) Trong một hồ nước, người ta thường gặp các vi sinh vật sau: tảo lục, vi khuẩn lam, vi khuẩn sunfat, vi khuẩn kị khí bắt buộc, vi khuẩn lưu huỳnh màu tía. Em hãy cho biết sự phân bố của các vi sinh vật trên trong hồ và giải thích vì sao có sự phân bố đó?
b) Trong quá trình lên men sữa chua, vi khuẩn lactic sinh trưởng theo kiểu nào? Hãy vẽ đồ thị sinh trưởng của quần thể vi khuẩn lactic. Giải thích đồ thị.
III. SINH LÍ THỰC VẬT (3,0 điểm)
Câu 3 (1,0 điểm)
a) Giải thích tại sao ở thực vật khi cắt bỏ phần ngọn cây rồi chiếu sáng từ một phía ta sẽ không quan sát được hiện tượng hướng sáng nữa?
b) Dựa trên đặc điểm cấu tạo và hoạt động trao đổi nước ở tế bào và cơ thể thực vật, hãy giải thích hiện tượng sau: khi cùng bị mất nước đột ngột (ví dụ vào buổi trưa nắng to, nhiệt độ cao, có gió khô và mạnh ) cây non bị héo rũ còn cây già chỉ biểu hiện héo ở những lá non?
Câu 4 (1,0 điểm)
Để phát hiện tinh bột trong lá cây, người ta làm thí nghiệm như sau: Đun lá trong nước sôi khoảng 10 phút. Bỏ lá vào ống nghiệm chứa cồn rồi đun cách thủy tới lúc sôi. Lấy lá ra khỏi cồn và lại nhúng vào nước nóng vài giây. Rải lá lên tấm gạch men trắng và nhỏ KI lên lá đun
- Tại sao cần đun sôi lá trong nước?
- Tại sao phải đun sôi lá trong cồn?
- Vì sao bỏ lá vào nước sôi sau khi đun trong cồn?
- Khi nhỏ dung dịch iốt vào lá thì màu lá thay đổi như thế nào?
Câu 5 (1,0 điểm) Cho bảng số liệu sau:
STT
Loài thực vật
Áp suất thẩm thấu của tế bào
1
Rong đuôi chó
3,11 atm
2
Bèo hoa dâu
3,45 atm
3
Cây mướp
8,79 atm
4
Cây bắp cải
10,34 atm
5
Cây phi lao
19,27 atm
6
Cây xương rồng
26,15 atm
 Từ bảng số liệu trên có thể rút ra nhận xét gì? Nêu cơ sở khoa học của những nhận xét đó.
IV. SINH LÍ ĐỘNG VẬT (3,5 điểm)
Câu 6 (1,5 điểm)
	a) Một số người lớn tuổi không thể tiêu hóa được sữa, do đó khi sử dụng sữa thường bị đau bụng. Dựa vào kiến thức đã học, hãy đưa ra 2 giả thuyết để giải thích hiện tượng đó và bố trí thí nghiệm chứng minh cho giả thuyết đó.
	 b) Chất axetylcholine là một chất gây giãn cơ trơn của mạch máu. Bằng kiến thức về sự truyền tin giữa các tế bào, hãy giải thích hiện tượng giãn cơ?
Câu 7 (1,0 điểm)
Trong thí nghiệm tìm hiểu về chức năng của tủy sống trên ếch đã hủy não treo trên giá, thu được kết quả sau:
Thí nghiệm
Cường độ kích thích
Kết quả thí nghiệm
1. Kích thích một chi dưới
Axit HCl 0,1%
Co chi bị kích thích
2. Kích thích một chi dưới
Axit HCl 0,3%
Co cả 2 chi dưới
3. Kích thích một chi dưới
Axit HCl 1%
Co cả 4 chi, dãy dụa
4. Kích thích mạnh hai chi trên
Axit HCl 1%
Co cả chi trên lẫn chi dưới
5. Cắt ngang tủy sống rồi kích thích lại như thí nghiệm (3) và (4)
Axit HCl 1%
TN3: Chỉ co các chi dưới
TN4: Chỉ co các chi trên
6. Hủy tủy phía trên vết cắt rồi kích thích chi trên.
Axit HCl 1%
Các chi trên không co nữa
Từ các kết quả thí nghiệm trên, có thể rút ra kết luận gì về chức năng của tủy sống?
Câu 8 (1,0 điểm):
a) Hemoglobin bào thai lấy oxy từ máu mẹ. Nếu các đặc điểm liên kết với oxy của hemoglobin trong bào thai giống với hemoglobin của mẹ, thì oxy có thể sẽ không bao giờ được vận chuyển từ nhau thai sang hệ tuần hoàn của thai nhi. Giả thuyết nào cho các đặc điểm liên kết với oxy của hemoglobin bào thai sẽ giải thích cho việc thai nhi lấy được oxi từ máu mẹ?
b) Cao huyết áp thường được đi kèm với tổn thương thận. Ở một số người, các tổn thương thận là hậu quả của huyết áp cao, nhưng ở một số người, tổn thương thận lại là nguyên nhân gây ra huyết áp cao. Dùng chế độ ăn ít muối để xác định xem bệnh cao huyết áp hay tổn
thương thận xuất hiện trước. Em hãy chỉ rõ căn cứ để xác định?
V. SINH THÁI HỌC (3,0 điểm)
Câu 9 (1,0 điểm)
Trong tự nhiên các cá thể trong quần thể trùng nhau về ổ sinh thái, đặc biệt là ổ sinh thái dinh dưỡng. Vậy trong những trường hợp nào, các cá thể trong quần thể ít xảy ra cạnh tranh?
Câu 10 (1,0 điểm)
Trong bốn hòn đảo có kích thước và khoảng cách đến lục địa khác nhau, đảo nào sẽ có số loài nhiều hơn và đảo nào có có số lượng loài ít hơn, đảo nào có tốc độ đổi mới lớn hơn và đảo nào có tốc độ đổi mới nhỏ hơn? Giải thích.
(1) Một đảo lớn ở gần lục địa
(2) Một đảo lớn ở xa lục địa
(3) Một đảo nhỏ ở gần lục địa
(4) Một đảo nhỏ ở xa lục địa
Câu 11 (1,0 điểm)
	a) Nêu một số yếu tố chính giải thích tại sao một số loài có mật độ quần thể cao hơn những loài khác.
	b) Một loài khỉ có các tập tính: bảo vệ lãnh thổ, dùng que bắt mồi, đập vỡ quả ăn hạt, quyến rũ bạn tình, bảo vệ con non, tranh giành con cái, cho con bú sữa. Hãy cho biết:
- Những tập tính nào di truyền được, những tập tính nào không di truyền được? Giải thích.
- Những tập tính nào chỉ có ở con đực, những tập tính nào chỉ có ở con cái và những tập tính nào có ở cả hai giới?
VI. TIẾN HÓA (1,5 điểm)
Câu 12 (1,5 điểm)
a) Quần đảo Galapagos là quê hương của nhiều loài chim sẻ có quan hệ họ hàng gần gũi, nhưng chúng có cấu tạo mỏ khác nhau như: Loài ăn xương rồng có mỏ dài nhọn, loài ăn hạt có mỏ to còn loài ăn côn trùng mỏ nhọn và nhỏ. Tại sao có sự khác nhau đó? Hãy giải thích sự hình thành các loài chim này theo quan điểm của học thuyết tiến hóa hiện đại?
 b) Một quần thể động vật sinh sản hữu tính bị giảm số lượng quá mức do tác động của yếu tố ngẫu nhiên, sau đó lại được phục hồi như ban đầu, song quần thể này vẫn có nguy cơ rơi vào vòng xoáy tuyệt chủng. Trên quan điểm tiến hóa, em hãy giải thích vì sao? Em hãy đề xuất các biện pháp để làm giảm nguy cơ tuyệt chủng của quần thể này.
VII. DI TRUYỀN HỌC (6,0 điểm)
Câu 13 (1,0 điểm)
Nếu cho rằng gen phân mảnh là xu thế tiến hóa có ưu thế ở sinh vật nhân thực, thì màng nhân có ý nghĩa gì giúp gen phân mảnh trở nên có ưu thế tiến hóa ?
Câu 14 (1,0 điểm)
 Ở một loài động vật, người ta cho lai giữa hai cá thể (P) có màu mắt đỏ với nhau thu được F1 gồm 4 loại kiểu hình theo tỉ lệ: 12 mắt đỏ : 4 mắt son : 3 mắt nâu : 1 mắt trắng.
 Giải thích kết quả phép lai.
Câu 15 (1,0 điểm)
 Ở một sinh vật lưỡng bội, trong một con đường chuyển hoá cơ chất A → C có sự tham gia của hai enzim do hai gen quy định: E1 xúc tác phản ứng chuyển hoá A → B, E2 xúc tác phản ứng chuyển hoá B→ C. Dạng đột biến e1 có hoạt tính bằng 40% E1, dạng đột biến e2 có hoạt tính bằng 30% E2. Đối với cả hai enzim, mỗi gen đóng góp 50% cho tổng lượng prôtêin có trong tế bào và cả hai phản ứng đều có cùng tốc độ như trong tế bào kiểu dại. Nếu một quần thể đang ở trạng thái cân bằng di truyền về hai cặp alen E1e1 và E2e2 với tần số q(e1) = 0,6 và q(e2) = 0,4 thì tỷ lệ cá thể có sản phẩm trung gian B tích luỹ cao hơn bình thường (kiểu dại) là bao nhiêu?
Câu 16 (1,0 điểm)
 Ở một loài thực vật, người ta cho giao phấn giữa hai dòng hoa thuần chủng hoa đỏ và hoa trắng được F1. Cho các cây F1 tự thụ phấn thu được F2 gồm 3 loại kiểu hình, trong đó kiểu hình hoa trắng chiếm tỉ lệ 25%. Biết rằng mọi quá trình diễn ra bình thường và không có đột biến xảy ra. Trong số các cây hoa đỏ ở F2, số cây hoa đỏ thuần chủng chiếm tỉ lệ bao nhiêu? 
Câu 17 (1,0 điểm)
 Trong một quần thể sinh sản hữu tính, xét một lôcút có 2 alen, sau 10 thế hệ, người ta thấy tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể không thay đổi. Ta có thể khẳng định quần thể trên là quần thể ngẫu phối được không? Giải thích.
Câu 18 (1,0 điểm)
Một quần thể ruồi giấm đang ở trạng thái cân bằng di truyền về thành phần kiểu gen quy định màu thân, trong đó: alen A quy định thân xám, alen a quy định thân đen. Trong quần thể tỉ lệ các cá thể thân đen chiếm 36%, người ta chọn ra ngẫu nhiên 10 cặp đều có thân xám. 
a) Tính xác suất để cả 10 cặp cá thể này đều có kiểu gen dị hợp tử.
b) Nếu ở thế hệ ban đầu chỉ cho các cá thể thân xám giao phối với nhau, thì đời con thu được bao nhiêu % cá thể thân xám?
-------------------Hết---------------------
Họ và tên thí sinh :....................................................... Số báo danh ............................................................
Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1:......................................................................................................................
 Giám thị 2:.....................................................................................................................

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_doi_tuyen_hoc_sinh_gioi_du_thi_quoc_gia_mon_sinh.doc
  • docHDC chuan.doc