Đề thi chọn học sinh giỏi Lớp 9 môn Ngữ văn - Năm học 2016-2017 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Đề dự phòng)

Câu 1 (6,0 điểm) :

Viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về đức hy sinh.

 

doc5 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 25/07/2023 | Lượt xem: 169 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi Lớp 9 môn Ngữ văn - Năm học 2016-2017 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Đề dự phòng), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH NINH BÌNH
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS
NĂM HỌC 2016-2017
Môn: Ngữ văn
Ngày thi: 21/02/2017
Thời gian làm bài:150 phút (không kể thời gian giao đề)
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN ( 4,0 điểm)
HS đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng quân thù. Hứng lấy luồng bom
Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá,
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau.
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hoá thành những làn mây trắng ?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài.
 (Trích “Khoảng trời và hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ - Năm 1972)
1. Nêu nội dung chính của văn bản? Văn bản trên gợi cho em nghĩ tới tác phẩm nào của Lê Minh Khuê trong SGK Ngữ văn 9 ?
2. Tìm các phương thức biểu đạt trong văn bản ?
3. Trong văn bản từ “khoảng trời” được nhắc đến mấy lần? Xác định nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ “khoảng trời” trong văn bản
4. Cảm nhận của em về hình ảnh: “khoảng trời – hố bom” trong văn bản trên và hình ảnh “đầu súng trăng treo” trong văn bản “Đồng chí” của Chính Hữu.
PHẦN II :TẠO LẬP VĂN BẢN
Câu 1 (6,0 điểm) :
Viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về đức hy sinh.
Câu 2 (10 điểm)
“Một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc chính là xây dựng thành công tình huống truyện và miêu tả nội tâm nhân vật”.
Bằng những hiểu biết của em về văn bản “Làng” của nhà văn Kim Lân, hãy làm sáng tỏ nhận định trên?
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH NINH BÌNH
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS
NĂM HỌC 2015-2016
Môn: Ngữ văn - Ngày thi 02/3/2016
 (Hướng dẫn chấm này gồm 02 trang)
Câu
Đáp án
Điểm
Câu 1
(4 điểm)
1. Nội dung văn bản: Ca ngợi vẻ đẹp của những cô gái Thanh niên xung phong đã gan dạ, dũng cảm hi sinh khi làm nhiệm vụ mở đường trên tuyến lửa Trường Sơn. Sự hi sinh đã hóa thành bất tử 
1.0 
2. Các phương thức biểu đạt trong văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm
0.75 
3. 
- Từ “Khoảng trời” xuất hiện trong văn bản: 4 lần 
- Từ “khoảng trời” ở câu: “Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ”, “Và ban ngày khoảng trời ngập nắng” là nghĩa gốc: một khoảng, góc trời 
- Từ “Khoảng trời” ở các câu: “Như khoảng trời nằm yên trong đất”, “Đi qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức” là nghĩa chuyển:sự hóa thân của người con gái. Cái chết đã hóa thành bất tử 
0,25
0,5
0,5
4 .
- Khoảng trời – hố bom: hai hình ảnh đối lập nhau gợi ra sự liên tưởng: sự sống – cái chết, hòa bình – chiến tranh.
- “Đầu súng trăng treo”: cũng là hai hình ảnh đối lập được đặt cạnh nhau gợi ra: hiện thực – lãng mạn, chiến sĩ – thi sĩ, chiến tranh – hòa bình.
0,5
0,5
Câu 2
(6,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:- Thí sinh biết làm bài văn nghị luận xã hội (về một vấn đề tư tưởng, đạo lý) bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, luận cứ, luận chứng phù hợp, diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, ít mắc các loại lỗi. Trình bày bài viết đúng với yêu cầu của đề: không quá một trang giấy thi.
2.Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
a. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
0.5 
b. Giải thích sơ lược, nêu biểu hiện của đức hy sinh: 
- Là những suy nghĩ, hành động vì người khác, vì cộng đồng. Người có đức hi sinh không chỉ có tấm lòng nhân ái mà còn là người biết đặt quyền lợi của người khác, của cộng đồng lên trên quyền lợi của bản thân mình 
-  Khẳng định: đức hi sinh là đức tính, là phẩm chất cao đẹp của con người. 
1,0 
1,0 
c.  Liên hệ thực tế:
- Có nhiều tấm gương giàu đức hy sinh, quên mình vì người khác, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. (dẫn chứng)
- Tuy nhiên trong cuộc sống cũng còn một số người có lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của cá nhân mình(dẫn chứng)
1,0 
1,0 
d. Bài học: 
- Đức hi sinh từ lâu đã trở thành phẩm chất đạo đức có tính chất truyền thống của dân tộc Việt Nam.
- Mỗi người cần ý thức được điều này để góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn.
- Đức hi sinh rất cần thiết nhưng cần giành cho đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh.
 0 .5
0.5
0.5
 Câu 3. (10 điểm)
A. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm một bài nghị luận văn học đúng và trúng yêu cầu của đề bài. Bài viết có bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, viết có cảm xúc, không sai các loại lỗi.
B. Yêu cầu về nội dung
Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày nhưng cơ bản phải đảm bảo những ý sau:
* Giải thích khái niệm:
- Tình huống truyện là sự kiện (sự việc, hoàn cảnh) xảy ra hết sức bất ngờ, gay cấn. Tác giả đặt nhân vật vào sự kiện đó nhằm làm bộc lộ mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách nhân vật, đưa câu chuyện lên cao trào và thể hiện chủ đề, nội dung tư tưởng tác phẩm.
- Miêu tả nội tâm nhân vật là thủ pháp tái hiện những ý nghĩ, cảm xúc, diễn biến tâm trạng, tâm lí của nhân vật. Thủ pháp này là yếu tố quan trọng để tạo nên một nhân vật sống động, hấp dẫn.
* Chứng minh:
- Nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân có thể nói rất thành công và hấp dẫn. Đó là một tình huống bất ngờ, gay cấn: ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc. 
+ Cái tin đó đã đưa ông từ đỉnh cao của niềm tin, niềm tự hào rơi xuống vực thẳm của sự đau xót, tủi hổ, dằn vặt, day dứt, lo lắng, bế tắc đến tuyệt vọng. 
+ Đặt nhân vật ông Hai vào tình huống đầy căng thẳng, thử thách ấy, nhà văn Kim Lân dễ dàng bộc lộ các mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái còn và cái mất, giữa tình yêu và sự thù hận, những lo lắng, day dứt, trăn trở... Cuối cùng đưa tình huống lên cao trào để nhân vật tự bộc lộ cách ứng xử, phẩm chất, tính cách. Từ đó dẫn đến chủ đề, tư tưởng tác phẩm: Truyện ngắn “Làng” diễn tả chân thực và sâu sắc tình yêu làng quê, tình yêu đất nước và tinh thần kháng chiến của ông Hai tiêu biểu cho người nông dân phải rời làng tản cư thời kì đó. Một tình yêu mộc mạc, tha thiết và cảm động.
- Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của nhà văn Kim Lân:
+ Kim Lân đã đặt ông Hai vào tình huống nghe tin làng theo giặc, cái tin đột ngột, bất ngờ khiến tâm trạng ông Hai vô cùng sững sờ, đau xót, tủi hổ.
+ Khi trấn tĩnh lại để xác minh tin ấy thực hư ra sao tâm trạng ông Hai còn rơi vào trạng thái nặng nề hơn. 
+ Ông căm giận lũ người theo giặc phản bội quê hương đất nước. Niềm tin nỗi ngờ cứ giằng xé trong ông. Lòng tự trọng của ông bị tổn thương nặng nề.
+ Tâm trạng ông càng bế tắc. Cuộc xung đột tâm trạng diễn ra gay gắt, ông Hai kiên quyết giữ vững lập trường, tư tưởng: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
+ Bị dồn nén đến bế tắc, tuyệt vọng, ông Hai chỉ biết tâm sự cùng đứa con trai đó là lời thề sắt đá, khẳng định tình yêu làng, yêu nước của ông Hai - bền vững, thiêng liêng.
+ Khi nghe tin cải chính, ông như người chết đi sống lại, niềm vui tràn đầy trên gương mặt, từ dáng điệu đến cử chỉ đều nhanh nhẹn, vui tươi. 
=> Như vậy tình huống đã được giải quyết thông qua diễn biến tâm trạng của nhân vật phức tạp và sinh động. Kim Lân miêu tả nội tâm ông Hai - một người nông dân mộc mạc, giản dị mà chân thực, hợp lí, tài tình. Chiều sâu tâm lí của nhân vật rất phù hợp với tính cách, cách nghĩ của người nông dân. Chứng tỏ Kim Lân phải là người gần gũi, gắn bó với họ, hiểu được đời sống và tâm lí của họ mới làm nên một tác phẩm hay, hấp dẫn như thế.
C. Thang điểm
- Điểm 10: Thí sinh diễn đạt tốt các yêu cầu trên, đảm bảo các kĩ năng theo yêu cầu, có thể còn vài sơ suất nhỏ.
- Điểm 8: Thí sinh trình bày được phần lớn yêu cầu trên, có thể còn vài lỗi nhỏ trong diễn đạt.
- Điểm 6: Thí sinh trình bày đáp ứng khoảng một nửa đáp án, còn mắc lỗi nhiều trong diễn đạt.
- Điểm 3: Thí sinh trình bày sơ sài, không nắm được thể loại, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả.
- Điểm 0: Thí sinh lạc đề.

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_lop_9_mon_ngu_van_nam_hoc_2016_201.doc