Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn Lớp 9 - Ngày thi 16-1-2015 - Năm học 2014-2015 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)

1. Giải thích ý nghĩa của luận đề (0,5điểm)

- Văn học nghệ thuật luôn lấy đời sống xã hội và con người làm đối tượng phản ánh. Không một tác phẩm nào không được xây nên từ chất liệu hiện thực đời sống.

- “Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói lên một điều gì mới mẻ” nghĩa là không sao chụp hiện thực một cách trần trụi, thô nháp mà thông qua đó, người nghệ sĩ “muốn nói một điều gi mới mẻ” với con người. “Điều mới mẻ” đó là cảm nhận và cách thể hiện của người nghệ sĩ về hiện thực cuộc sống. Thông qua đó người nghệ sĩ còn đem đến cho người đọc những nhận thức về đời sống tự nhiên, xã hội. Chính “điều mới mẻ” ấy có khả năng chiếu tỏa, soi rọi vào tận ngõ ngách bóng tối tâm hồn ta, khiến cho ta thay đổi hẳn cách nhìn, cách nghĩ, cách sống.

 

doc5 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 10/05/2023 | Lượt xem: 235 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn Lớp 9 - Ngày thi 16-1-2015 - Năm học 2014-2015 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2014-2015
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
(Đề thi gồm 03 câu, 01 trang)
Ngày thi 16 tháng 01 năm 2015 
Câu 1 (2,0 điểm)
	Cảm nhận của em về chi tiết sau:
“ Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.
	... Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng, mờ nhạt mà biến đi mất.”
(Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương, sách Ngữ văn 9, tập một, trang 48 – Nhà xuất bản Giáo dục - 2007)
Câu 2 (3,0 điểm): 
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám, úa tán
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở chốn nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này?...
 (Dặn con - Trần Nhuận Minh)
 Đọc bài thơ trên và bày tỏ suy nghĩ, thái độ ứng xử của em với những người hành khất, lang thang cơ nhỡ?
Câu 3 (5,0 điểm)
	Trong "Tiếng nói của văn nghệ", Nguyễn Đình Thi viết:
	“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những chất liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói lên một điều gì mới mẻ".  	 
 (SGK Ngữ văn 9, NXB Giáo dục, tập hai)
	Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của em về truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long hãy chỉ ra điều mới mẻ mà nhà văn muốn góp vào đời sống.
------------- Hết-------------
SBD: ................... Họ và tên thí sinh: ........................................................................
Giám thị 1: ............................................ Giám thị 2: .................................................
PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
HƯỚNG DẪN CHẤM 
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2014-2015
MÔN THI: NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm gồm 03 câu, ........ trang)
Bài
Ý
Nội dung
Điểm TP
Tổng điểm
1
(2 đ)
* Đây là một chi tiết kì ảo nằm ở cuối truyện, để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc về cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến và thể hiện tư tưởng nhân văn của tác phẩm. Học sinh có nhiều cách viết song cơ bản đáp ứng các ý sau: 
- Cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến: Người phụ nữ có tấm lòng vị tha (dù thế nào vẫn muốn trở về với chồng con, gia đình); Cuộc đời chịu oan nghiệt, sống không có đất dung thân; Hạnh phúc của họ chỉ là ảo ảnh; Số phận bi kịch 
1
2.0
- Chi tiết thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc: Trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ; Thể hiện nỗi thương cảm xót xa với cuộc đời người phụ nữ; Kết thúc phần nào có hậu thể hiện ước mơ về sự công bằng trong cuộc đời người tốt cuối cùng được minh oan, cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ; Lên án tố cáo xã hội phong kiến bất công với người phụ nữ. 
Khuyến khích các bài viết sáng tạo. Gv tùy bài viết cho điểm hợp lý. 
1
2
(3 đ)
Yêu cầu về kỹ năng:
- Đây không phải là bài phân tích thơ mà là một dạng Nghị luận XH.
- Luận điểm đúng đắn, sáng tỏ.
- Diễn đạt lưu loát, lí lẽ thuyết phục, chữ viết rõ ràng.
2. Yêu cầu về nội dung:
 Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng đại thể nêu được các ý sau:
- Nói khái quát ngắn gọn về bài thơ: bài thơ khái quát tương đối đầy đủ nỗi khổ đau, cay đắng của những người hành khất: những vất vả lo toan, sự lam lũ đến mức hôi hám bẩn thỉu, khổ nhất là sự khinh bỉ cười cợt của người đời. Từ đó tác giả đã dặn con mình phải có lòng trắc ẩn, biết cảm thông, yêu thương và gần gũi họ. Những lời dặn dò ấy không chỉ có ý nghĩa tới người trong cuộc (người con) mà buộc mỗi người trong chúng ta phải suy ngẫm (0,5đ)
- Thực trạng: ăn mày là chuyện của muôn đời. Người đời muôn năm nay vẫn khổ , vẫn đói thì ăn mày vẫn hiện hữu khắp nơi: từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng ra miền núi, và cả những khu du lịch (0,5đ)
- Nguyên nhân: do thiên tai, bệnh dịch; do những ông bố bà mẹ bị con cái hắt hủi; những đứa trẻ đáng thương bị bỏ rơi... Một số người do lười biếng xem đó là cách kiếm tiền. Song nghĩ cho cùng, con người ta để nuôi sống bản thân mình mà phải tìm đến công việc trên thì số phận ấy cũng muôn vàn bế tắc (0,5đ).
- Giải pháp: 
+ Với XH: Tạo thêm công ăn việc làm, mở thêm những Trung tâm bảo trợ XH... (0,5đ)
+ Với mỗi người: đặc biệt với học sinh chúng ta, cần phải biết chia sẻ, yêu thương. Sự chia sẻ yêu thương không đo bằng vật chất, chỉ cần mỗi người không có những câu xúc xiểm, không có nu cười kiêu ngạo... thế giới này đã đẹp hơn rồi... (1đ)
3
(5 đ)
A.Yêu cầu về kỹ năng:
- Bài viết đủ ba phần: Mở bài – Thân bài – Kết bài
- Nắm được kỹ năng làm bài nghị luận, biết phân tích làm sáng tỏ nhận định về tác phẩm.
- Luận điểm rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt trôi chảy; chữ viết sạch đẹp, không mắc lỗi diễn đạt thông thường
B. Yêu cầu về kiến thức:
 Với dạng đề này, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, cơ bản nhất là hai cách:
- Đi vào phân tích tác phẩm, rồi chỉ ra điểm mới;
- Phân tích theo từng luận điểm – mới mẻ
Giám khảo tôn trọng tuyệt đối cách làm của học sinh, quan trọng là tìm hiểu cách hành văn, và làm rõ những ý cơ bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa của luận đề (0,5điểm)
- Văn học nghệ thuật luôn lấy đời sống xã hội và con người làm đối tượng phản ánh. Không một tác phẩm nào không được xây nên từ chất liệu hiện thực đời sống.
- “Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói lên một điều gì mới mẻ” nghĩa là không sao chụp hiện thực một cách trần trụi, thô nháp mà thông qua đó, người nghệ sĩ “muốn nói một điều gi mới mẻ” với con người. “Điều mới mẻ” đó là cảm nhận và cách thể hiện của người nghệ sĩ về hiện thực cuộc sống. Thông qua đó người nghệ sĩ còn đem đến cho người đọc những nhận thức về đời sống tự nhiên, xã hội. Chính “điều mới mẻ” ấy có khả năng chiếu tỏa, soi rọi vào tận ngõ ngách bóng tối tâm hồn ta, khiến cho ta thay đổi hẳn cách nhìn, cách nghĩ, cách sống...
2. Điều mới mẻ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. (4.5 điểm)
2.1. Khái quát ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, thời đại (0,5đ).
2.2. Trong quá trình phân tích làm rõ những điểm mới sau đây (3,5đ). 
a. Về nội dung: 
- Ở thời điểm ấy, nhiều người quan điểm chủ nghĩa anh hùng nơi chiếu tuyến, đối diện với quân thù; tuy nhiên, Nguyễn Thành Long lại tập trung miêu tả những con người bình dị "không ai nhớ mặt đặt tên". Cái mới mà ông muốn nói đến trong câu chuyện của ông không nằm ở sự phi thường, trái lại, nó hiện diện ngay trong cuộc sống bình thường của mỗi con người nơi đây, mỗi cuộc sống hàng ngày của họ tưởng chừng như đơn điệu tẻ nhạt, tưởng chừng lặng lẽ mà không hề lặng lẽ: Anh thanh niên một mình công tác ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m chưa bao giờ cảm thấy cô độc, lẻ loi. Lí lẽ anh đưa ra thật rõ ràng, đơn giản, niềm vui niềm hạnh phúc của anh cảm nhận được cũng thật rõ ràng, đơn giản. Đó là được làm việc, được cống hiến.... 
- Về các nhân vật khác (ông họa sỹ, cô gái, bác lái xe): những người trong câu chuyện này, khác nhau về tuổi tác, về địa vị, song ở họ có một cái gì rất chung là tinh thần trách nhiệm, là sự sẻ chia. Đọc văn học giai đoạn tiền chiến, người ta luôn cảm thấy bận rộn bởi những thủ đoạn, những toan tính (của nhân vật phản diện), xót xa (cho những người tốt bị chà đạp), thì ở đây con người lao động mới thật sự gần gũi, thật đáng yêu ở sự chân thành. 
b.Về nghệ thuật
- Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Thành Long: Không đơn thuần chỉ là người quan sát, kể lại câu chuyện một cách khách quan (ngôi thứ 3), cũng không trực tiếp tham gia vào câu chuyện (ngôi thứ nhât), điểm nhìn trần thuật của tác giả liên tục thay đổi qua một hệ thống các nhân vật phụ trong truyện: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ. 
- Nhà văn không đặt tên cho nhân vật mà gọi họ là: anh thanh niên, ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ, bác lái xe. Điều đó có nghĩa là vừa là con người cụ thể, vừa mang ý nghĩa đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động. Đây cũng là điểm phù hợp với nguồn cảm hứng "ngợi ca" con người lao động mới thời ấy.
- Cảm hứng bao trùm tác phẩm là cảm hứng lãng mạn, chất trữ tình toát lên từ những phong cảnh thiên nhiên đẹp và đầy thơ mộng của Sa Pa được miêu tả qua cái nhìn của ông họa sĩ già, đặc biệt vẻ đẹp ấy toát lên từ phẩm chất, tính cách và tâm hồn của những con người trong tác phẩm. Pau- tôp- xki xem đó như là "chất thơ" của mỗi người.
- Nhan đề truyện – như một phản đề nghệ thuật: Lặng lẽ mà không hề lặng lẽ...Trong cái lặng lẽ của Sa Pa ở khung cảnh, ở phía bên ngoài, mà lâu nay nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, lại có những con người làm việc hết mình, biết lo việc nước, cuộc sống của họ vẫn bận rộn, trái tim vấn nóng lửa....
2.3. Mở rộng - nâng cao vấn đề (0,5 điểm)
- Ý kiến của Nguyễn Đình Thi rõ ràng sâu sắc. Nó đòi hỏi người nghệ sỹ khi sáng tác, không phải đứng bên ngoài mà quan sát cuộc đời, điều quan trọng phải đi sâu để thấu hiểu, để khám phá, tìm kiếm, thậm chí đòi hỏi cuộc sống phải tốt đẹp hơn
- Với bạn đọc, tìm hiểu tác phẩm không phải soi vào lịch sử để xem sự "minh họa" trong tác phẩm; điều cần thiết là nghĩ suy, tìm tòi, "sự sáng tạo" để hiểu thấu cuộc sống để cho mình bà học làm người. Nói như Gam- ma – tôp: "Thơ ca, nếu không có người, tôi đã mồ côi"
 C. Biểu điểm
+ Điểm 5: Bài làm đạt các yêu cầu trên. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc, có sáng tạo, không mắc lỗi diễn đạt thông thường.
+ Điểm 4: Bài làm cơ bản đạt các yêu cầu trên, nhất là yêu cầu về nội dung, cách lập luận. Có thể còn vài sai sót nhỏ nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Diễn đạt lưu loát, có thể mắc vài ba lỗi diễn đạt nhưng không làm sai ý người viết.
+ Điểm 3: Bài đạt đủ ý nhưng dẫn chứng nghèo, thiếu sức thuyết phục. Diễn đạt chưa tốt nhưng đã làm rõ được ý, mắc một số lỗi diễn đạt.
+ Điểm 2: Bài đạt khoảng quá nửa số ý nhưng phân tích chưa sâu chưa làm rõ được yêu cầu, mắc một số lỗi diễn đạt.
 + Điểm 1: Bài làm chưa đạt các yêu cầu. Nội dung sơ sài, diễn đạt yếu. Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
+ Điểm 0: Lạc đề sai cả nội dung và phương pháp.
* Chú ý: Học sinh có thể làm cách khác, nếu đúng vẫn cho điểm tối đa.
------------- Hết-------------

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_mon_ngu_van_lop_9_ngay_thi_16_1_20.doc