Đề thi chọn học sinh giỏi Tỉnh môn Ngữ Văn Lớp 9 - Đề 12 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)

Câu 2. Nhà văn Victo Huygô đã nói: “Để sáng tạo tương lai cần bắt đầu bằng ước mơ”.

Suy nghĩ của em về câu nói trên.

Câu 3. Có ý kiến cho rằng : Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long có nhiều nét đẹp trong tâm hồn, suy nghĩ, lối sống.

Bằng hiểu biết của em về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” hãy làm sảng tỏ ý kiến trên.

 

doc7 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 12/05/2023 | Lượt xem: 244 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi Tỉnh môn Ngữ Văn Lớp 9 - Đề 12 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
PHÒNG GD & ĐT TPHD
V12
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
(Đề này gồm 03 câu, 01 trang)
Câu 1.(2,0 điểm)
Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong những câu thơ sau:
 	- Cỏ non xanh tận chân trời
	Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
	- Buồn trông nội cỏ rầu rầu
	Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
 (Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Câu 2.(3,0 điểm)
Nhà văn Victo Huygô đã nói: “Để sáng tạo tương lai cần bắt đầu bằng ước mơ”.
Suy nghĩ của em về câu nói trên.
Câu 3.(5,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng : Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long có nhiều nét đẹp trong tâm hồn, suy nghĩ, lối sống. 	
Bằng hiểu biết của em về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” hãy làm sảng tỏ ý kiến trên.
-----------------------Hết------------------------
PHÒNG GD & ĐT GIA LỘC
TRƯỜNG THCS YẾT KIÊU
MÃ ĐỀ
MÃ ĐỀ: V-02-HSG9-YK-PGDGL
HƯỚNG DẪN CHẤM 
ĐỀ THI CHỌN HSG CẤP TỈNH LỚP 9
MÔN: NGỮ VĂN
 (Hướng dẫn chấm gồm 06 trang)
A. YÊU CẦU CHUNG
 	- Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo. 
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm. 
- Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn. 
B. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu
Đáp án
Điểm
Câu 1 
(2,0 điểm)
1. Yêu cầu:
1.1. Tiêu chí về hình thức:
- Học sinh viết được đọan văn hoặc bài văn ngắn hoàn chỉnh
- Diễn đạt trong sáng, văn viết trôi chảy, cảm xúc, thể hiện được tư chất văn chương. 
- Không mắc lỗi đặt câu, dùng từ, chính tả...
1.2. Tiêu chí về nội dung:
Học sinh có thể có cách trình bày khác nhau, nhưng phải cảm nhận được vẻ đẹp riêng biệt của hai câu thơ. Về cơ bản, bài viết phải:
* Giới thiệu vị trí các câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
* Hai cặp câu lục bát có những nét giống nhau: Các câu thơ đều miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên mà làm nền cho bức tranh thiên nhiên ấy là những thảm cỏ trải rộng từ mặt đất đến chân mây trong một không gian mênh mông rộng lớn.
* Mỗi cặp câu lục bát lại có những nét riêng biệt:
 - Hai câu thơ được lấy từ đoạn trích “ Cảnh ngày xuân” :
 + Đối tượng miêu tả chính là thiên nhiên vào những ngày đầu của tháng cuối cùng mùa xuân.
 + Đây là bức tranh mùa xuân sinh động có hồn và rất tươi đẹp. Hình ảnh cỏ non gợi sự mới mẻ tinh khôi tràn đầy sức sống, xanh tận chân trời gợi một không gian khoáng đạt, trong trẻo, màu trắng gợi sự nhẹ nhàng thanh khiết. 
 + Thiên nhiên được cảm nhận qua con mắt của người con gái tài sắc, đang sống trong những tháng ngày tươi đẹp và đằng sau bức tranh ấy là tâm trạng vui tươi của Thúy Kiều trong ngày hội xuân đầu năm.
 + Nghệ thuật thể hiện: bút pháp chấm phá, kế thừa tinh hoa của văn học cổ, từ ngữ giàu chất tạo hình. 
 - Hai câu thơ được lấy từ đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”:
 + Đối tượng miêu tả là tâm trạng nhân vật, thiên nhiên là phương tiện, là cách thức để thể hiện tâm trạng nhân vật.
 + Đây là bức tranh thiên nhiên mêng mang, héo úa, đơn điệu . Hình ảnh “nội cỏ rầu
 rầu” thể hiện sự tàn tạ ủ ê, héo úa, “xanh xanh” gợi sự mêng mang, mờ mịt không gian như giam hãm con người.
 + Thiên nhiên được cảm nhận qua con mắt của một người con gái vừa biết mình bị lừa bán vào chốn lầu xanh, bị ép tiếp khách, không biết cuộc đời sẽ trôi dạt về đâu. Đằng sau bức tranh ấy là tâm trạng cô đơn, hoảng loạn của Thúy Kiều.
 + Nghệ thuật thể hiện: Bút pháp tả cảnh ngụ tình, từ ngữ giàu sức gợi.
2. Biểu điểm
- Mức tối đa (2,0 điểm): Đạt các tiêu chí về nội dung và hình thức như trên.
- Mức chưa tối đa: Giám khảo căn cứ vào các tiêu chí trên để xem xét đánh giá mức chưa tối đa theo các thang điểm: 1,75- 1,5- 1,25- 1,0- 0,75- 0,5- 0,25 cho phần bài viết của học sinh.
- Mức không đạt: Không làm bài hoặc lạc đề, sai về kiến thức và phương pháp.
0,5
0,75
0,75
Câu 2. (3,0 điểm)
1.Yêu cầu
1.1.Tiêu chí về hình thức:
- Biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí,
- Bố cục đảm bảo đủ 3 phần, lập luận chặt chẽ, luận điểm đúng đắn, sáng tỏ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc. 
- Văn viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 
1.2. Tiêu chí về nội dung:
 	Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: 
* Giới thiệu câu nói của nhà văn Victo Huygô.
* Giải thích câu nói: 
- Tương lai là đời sống về sau của cuộc đời con người
- Ước mơ là mong muốn có được những điều mình chưa có chưa đạt được , những điều tốt đẹp trong cuộc sống tương lai.
- Ý nghĩa của câu nói trên: Để có được một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai thì con người cần phải có ước mơ.
* Khẳng định câu nói trên là đúng . Bởi vì: 
- Trong cuộc đời ai cũng có những ước mơ dù đó chỉ là những điều bình dị nhất trong cuộc sống.
- Cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp ở phía trước mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới, đạt được. 
- Ước mơ giúp con người nuôi dưỡng niềm tin và tạo sức mạnh để vượt qua khó khăn thử thách , trở ngại trước mắt và đạt được mục tiêu đã đề ra, là động lực để mỗi con người vươn lên trong cuộc sống, là hạt mầm của mọi thành công.
- Ước mơ đẹp sẽ giúp con người sống lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.
- Lấy dẫn chứng tiêu biểu trong đời sống, trong văn học.
* Bàn bạc, mở rộng:
- Mỗi con người sống cần phải xác định cho mình những ước mơ tốt đẹp dẫu không phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực. Song cũng cần phải có những ước mơ thiết thực không nên mơ ước những điều viển vông xa rời thực tế.
- Cần hiện thực hóa ước mơ bằng cách đặt ra những mục tiêu sống cho mình và đạt được những mục tiêu đó dù có phải vượt qua những khó khăn thử thách.
- Con người không có ước mơ sẽ dễ bị suy sụp trước những biến động của cuộc đời.
- Ước mơ khác với tham vọng của con người.
- Phê phán những người không có ước mơ, không biết đặt ra cho mình mục tiêu sống, không biết vươn lên trong cuộc sống, sống dựa dẫm ỷ lại vào người khác.
* Liên hệ bản thân (nhận thức, hành động).
2. Biểu điểm
- Mức tối đa (3,0 điểm): Đạt các tiêu chí về nội dung và hình thức như trên.
- Mức chưa tối đa: Giám khảo căn cứ vào các tiêu chí trên để xem xét đánh giá mức chưa tối đa theo các thang điểm: 2,75- 2,5- 2,25- 2,0 1,75- 1,5- 1,25- 1,0- 0,75- 0,5- 0,25 cho phần bài viết của học sinh.
- Mức không đạt: Không làm bài hoặc lạc đề, sai về kiến thức và phương pháp.
0,25
0,5
0,75
1,0
0,5
Câu 3. (5,0 điểm)
* Các tiêu chí về nội dung bài viết (4,0 điểm):
1. Mở bài 
Giới thiệu được tác giả Nguyễn Thành Long , truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” và vấn đề nghị luận: Nhân vật anh thanh niên là người có nhiều nét đẹp trong tâm hồn, suy nghĩ, lối sống. 
- Mức tối đa : Học sinh biết cách dẫn dắt , giới thiệu vấn đề cần nghị luận hay, có sáng tạo.
- Mức chưa tối đa (0,25 điểm): HS biết cách dẫn dắt phù hợp nhưng chưa hay, còn mắc lỗi,
- Mức không đạt : Lạc đề, sai kiến thức; không có mở bài.
2. Thân bài 
* Khẳng định ý kiến nhận xét trên là đúng bởi vì vẻ đẹp điển hình của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là tâm hồn, suy nghĩ, lối sống.
* Chứng minh lời nhận xét:
- Anh thanh niên là người có nhiều nét đẹp trong tâm hồn:
+ Tâm hồn anh trong sáng, mơ mộng, lãng mạn: Anh sống giữa thiên nhiên Sa Pa thơ mộng lãng mạn đỉnh Yên Sơn nơi anh làm việc ngập tràn những sắc hoa dơn và thược dươc đủ màu sắc do anh trồng.
+ Anh sống lạc quan yêu đời nụ cười luôn nở trên môi trong suốt cuộc gặp gỡ với ông họa sỹ và cô kĩ sư
- Anh thanh niên là người có nhiều nét đẹp trong suy nghĩ
+ Anh có những suy nghĩ đẹp về công việc, về niềm vui nỗi buồn trong công việc: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy nhưng nếu cất nó đi cháu buồn đến chết mất” và “Khi ta làm việc ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được”. Qua suy nghĩ vừa mới mẻ vừa tích cực ấy ta hiểu tình yêu của anh với công việc. Chính công việc đã đem tới cho anh niềm vui. Nhà văn qua đây muốn khẳng định vai trò và ý nghĩa của lao động tự giác 
+ Anh suy nghĩ về hạnh phúc “ Cháu đã sống thật hạnh phúc khi biết nhờ mình 
phát hiện một đám mây khô trên bầu trời Hàm Rồng mà không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực mỹ trên cầu Hàm Rồng”
+ Anh suy nghĩ về những cuốn sách: đó không phải là thứ giải trí thuần túy cũng không phải chỉ để giết thời gian. Khi đọc sách anh cảm thấy “như có người cùng mình trò chuyện” Sách với anh là bạn tri âm tri kỉ, bạn đồng hành nối buộc anh với cuộc sống . Nhờ có sách, anh không trở lên lạc lõng hay nhợt nhạt trước sự thay đổi của thời cuộc dù rằng nơi anh làm việc khác xa phố phường , đô thị.
+ Suy nghĩ của anh về bổn phận và trách nhiệm càng khiến chúng ta khâm phục. Anh luôn tự vấn: “Mình sinh ra là gì? Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?”. Sau tự vấn là thái độ hàm ơn với quê hương , với cuộc đời. Vì thế, anh ý thức rất đầy đủ về bổn phận và trách nhiệm với công cuộc xây dựng đất nước.
- Đặc biệt, anh thanh niên còn có nhiều nét đẹp trong lối sống
+ Anh là người có lí tưởng sống đẹp lao động quên mình cho tổ quốc, quê hương. Là một thanh niên còn rất trẻ anh đã tình nguyện lên miền núi công tác trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét quanh năm cây cỏ và mây mù lạnh lẽo.
+ Anh rất quan tâm đến mọi người: Biết vợ bác lái xe vừa mới vừa mới ốm dậy anh đã tặng củ tam thất, tặng hoa cho cô kĩ sư, tặng trứng cho ông họa sĩ và cô kĩ sư.
+ Anh là người rất khiêm nhường giản dị anh luôn coi những đóng góp của mình là nhỏ bé, anh khâm phục anh thanh niên làm việc trên đỉnh Phan xi Phăng,. Khi được ông họa sỹ vẽ anh đã nhiệt tình giới thiệu những người theo anh là đáng vẽ hơn đó là ông kĩ sư vườn rau su hào dưới Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét.
* Những đặc sắc về nghệ thuật của tác giả khi xây dựng nhân vật:
- Cốt truyện giản dị, nghệ thuật xây dựng nhân vật anh thanh niên mang tính điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
- Nhân vật được khắc họa tính cách nhân vật thông qua nhiều phương diện: hành động, cử chỉ, lời nói.
 - Truyện được kể theo ngôi thứ ba nhưng vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên lại hiện lên chủ yếu qua cái nhìn của ông họa sỹ vì vậy mà nhân vật được hiện lên một cách khách quan thể hiện được chiều sâu của tác phẩm.
 - Bút pháp hiện thực đan xen trữ tình những câu văn mang đậm chất thơ đã diễn tả tinh tế vẻ đẹp và tâm hồn nhân vật.
* Khái quát: Không mang một cái tên riêng vật anh thanh niên chính là nhân vật điển hình tiêu biểu cho trí thức cách mạng- đặc biệt là người trí thức say mê khoa học, âm thầm lặng lẽ cống hiến cho cuộc đời. Qua nhân vật anh thanh niên nhà văn ca ngợi những con người mới trong công cuộc lao động xây dựng đất nước cống hiến âm thầm không mệt mỏi cho sự phát triển, đi lên của tổ quốc. Đồng thời, tác giả khẳng định va đề cao vai trò ý nghĩa của lao động tự giác đem lại niềm vui cho con người.
 - Mức tối đa: Học sinh biết cách lí giải, phân tích, chứng minh, đánh giá một cách thuyết phục bằng cả lập luận và dẫn chứng tiêu biểu.
 - Mức chưa tối đa: Học sinh biết cách lí giải, phân tích, chứng minh, đánh giá nhưng chưa lấy được những dẫn chứng tiêu biểu. Căn cứ vào vào bài viết của học sinh giám khảo đưa ra các thang điểm: 2,25- 2,0 1,75- 1,5- 1,25- 1,0- 0,75- 0,5- 0,25 
 - Mức không đạt (0 điểm): Không đạt được yêu cầu nào, làm lạc đề, sai kiến thức.
3. Kết bài 
+ Khái quát vấn đề nghị luận.
+ Nêu ấn tượng của bản thân về nhân vật.
+ Liên hệ bản thân.
- Mức tối đa: Học sinh khái quát được vấn đề nghị luận, nêu được ấn tượng cá nhân về nhân vật, liên hệ với bản thân, kết bài có sáng tạo.
- Mức chưa tối đa: (0,25 điểm) Có ý song chưa đầy đủ, chưa hợp lí.
- Mức không đạt (0 điểm): Không nêu được ý nào hoặc không có kết bài.
* Các tiêu chí khác(1,0 điểm)
- Hình thức 
+Mức tối đa: Học sinh viết được bài văn nghị luận với bố cục đủ ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài; các luận điểm được triển khai sắp xếp hợp lí, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, trình bày sạch đẹp, điễn đạt lưu loát, không mắc lỗi về câu, dùng từ, chính tả. 
+ Mức không đạt: Bài viết chưa có bố cục rõ ràng hoặc chưa hoàn thiện bố cục, luận diểm sắp xếp chưa hợp lí, luận cứ, dẫn chứng chưa thuyết phục, mắc nhiều nỗi về chính tả, diễn đạt.
- Sáng tạo
 	+ Mức tối đa: Học sinh đạt được những yêu cầu sau:
 	Có quan điểm riêng, hợp lí.
 	Thể hiện sự tìm tòi trong cách diễn đạt.
 	Sử dụng từ ngữ chọn lọc.
- Mức chưa tối đa: Học sinh đạt được một hoặc hai yêu cầu trên.
- Mức không đạt: Học sinh không đạt được các yêu cầu trên, bài viết không thể hiện sự sáng tạo.
0,5
3,0
0,5
0,25
0,75
-----------------------Hết------------------------

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_tinh_mon_ngu_van_lop_9_de_12_phong.doc
Bài giảng liên quan