Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên môn Ngữ văn - Năm học 2016-2017 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án)

Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài (Ý nghĩa văn chương - Hoài Thanh, SGK Ngữ văn 7, tập 2 - NXB GD, 2008).

Bằng những hiểu biết về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du, SGK Ngữ văn 9, tập 1, 2008), em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Từ đó trình bày suy nghĩ của bản thân về ứng xử trước nỗi bất hạnh của con người.

 

doc4 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 27/07/2023 | Lượt xem: 197 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên môn Ngữ văn - Năm học 2016-2017 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NINH BÌNH
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: Ngữ văn - Ngày thi: 10/6/2016
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm 02 phần trong 01 trang
PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (4.0 điểm)
Đọc bài ca dao sau và trả lời các câu hỏi: 
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
(Theo SGK Ngữ văn 8, tập 1, trang 101 - NXB GD, 2008)
a. Xác định phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ của bài ca dao. (1.0 điểm)
b. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là ai ? (0.5 điểm)
c. Câu ca dao thứ 4 sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật của những biện pháp đó ? (1.0 điểm)
d. Từ việc khái quát nội dung của bài ca dao trên, em hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về lao động (viết đoạn văn ngắn khoảng 12 câu). (1.5 điểm) 
PHẦN II: TỰ LUẬN (6.0 điểm)
Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài(Ý nghĩa văn chương - Hoài Thanh, SGK Ngữ văn 7, tập 2 - NXB GD, 2008).
Bằng những hiểu biết về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du, SGK Ngữ văn 9, tập 1, 2008), em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Từ đó trình bày suy nghĩ của bản thân về ứng xử trước nỗi bất hạnh của con người. 
------HẾT------
Họ và tên thí sinh :....................................................... Số báo danh:.........................
Họ và tên, chữ ký:
Cán bộ coi thi 1:...................................................................
Cán bộ coi thi 2:.........................................................................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH NINH BÌNH
ĐỀ CHÍNH THỨC
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC: 2016 - 2017
Môn: Ngữ văn - Ngày thi: 10/6/2016
 (Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)
PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (4.0 điểm)
Học sinh trả lời chính xác:
- Phương thức biểu đạt: biểu cảm (biểu cảm kết hợp với tự sự, miêu tả) (0.5 điểm)
- Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật (0.5 điểm)
b. Học sinh xác định chính xác: 
- Nhân vật trữ tình: người lao động (người nông dân, tác giả dân gian) (0.5 điểm)
c. Học sinh diễn đạt được: 
- Câu thơ thứ 4 sử dụng biện pháp nghệ thuật: tiểu đối, nói quá. (0.5 điểm)
- Hiệu quả nghệ thuật:
+ Đề cao sự quý giá của thành quả lao động (bát cơm, hạt gạo) đồng thời nhấn mạnh nỗi vất vả, khó nhọc của người nông dân khi cày cấy. (0.25 điểm)
+ Làm cho câu thơ tăng tính hình tượng, tính biểu cảm, tính nhạc(0.25 điểm)
d. Yêu cầu đoạn văn (1.5 điểm): 
* Về hình thức: đảm bảo dung lượng số câu (10 - 14 câu); lập luận chặt chẽ; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
* Về nội dung:
Học sinh diễn đạt được các ý sau:
- Khái quát nội dung khổ thơ: Là lời than của người nông dân về sự vất vả, cực nhọc, một nắng hai sương để làm ra hạt gạo; từ đó nhắn nhủ mỗi người khi hưởng thụ thành quả lao động hãy thấu hiểu, trân trọng điều ấy. (0.5 điểm)
- Trình bày suy nghĩ của bản thân về lao động: 
+ Lao động: là quá trình con người tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất để phục vụ nhu cầu đời sống bản thân và cộng đồng. (0.25 điểm)
+ Lao động góp phần giúp cho con người hoàn thiện bản thân và làm chủ cuộc sống của mình. Mỗi con người khi trưởng thành đều phải có ý thức lao động gắn với một công việc, nghề nghiệp cụ thể. Không lãng phí các sản phẩm lao động. Phải biết trân trọng giá trị lao động và người lao động. Phê phán những người lười biếng, sống dựa dẫm... (0.5 điểm)
- Liên hệ bản thân. (0.25 điểm)
Lưu ý: Giám khảo linh hoạt, cân đối về nội dung và hình thức phần trình bày của học sinh để cho các mức điểm phù hợp.
PHẦN II: TỰ LUẬN (6.0 điểm)
A. Yêu cầu về hình thức
Học sinh biết làm đúng kiểu bài tích hợp nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Bài viết có đủ 3 phần (mở bài, thân bài, kết luận), kết cấu chặt chẽ; hệ thống luận điểm rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, lưu loát; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp...
B. Yêu cầu về nội dung
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn câu nói của Hoài Thanh 
2. Trình bày cách hiểu của bản thân về câu nói của Hoài Thanh
- Lòng thương người, thương cả muôn vật, muôn loài: tình cảm thương xót, đồng cảm trước những khổ đau bất hạnh của con người, thương tất cả những sinh linh, vạn vật... Đó cũng chính là lòng thương đời.
- Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài: Con người là trung tâm của đời sống, trung tâm của văn học. Nghệ sĩ không chỉ là người có tài năng mà còn phải có tình cảm mãnh liệt, sâu sắc, có lòng thương người, thương đời. Nguồn gốc của văn chương là tình cảm, tiếng lòng của nghệ sĩ với cuộc đời. 
-> Hoài Thanh đã đề cập đặc trưng, bản chất của văn chương. Văn chương chính là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc, của sự đồng điệu tâm hồn. 
- Biểu hiện của lòng thương người, và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài trong các tác phẩm rất đa dạng, nhiều cung bậc, sắc thái... Đó là: 
+ Trân trọng, đề cao những vẻ đẹp, phẩm chất cao quý; khát vọng sống, khát vọng tình yêu và hạnh phúc của con người.
+ Cảm thông, xót xa, nâng đỡ con người trong những hoàn cảnh bất hạnh.
+ Lên án, tố cáo các thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người. 
+ Dự báo, phản tỉnh con người trước những biến động, đổi thay của thời cuộc...
=> Đó chính là giá trị nhân đạo - một trong những điều quan trọng làm nên sức sống của tác phẩm nghệ thuật
3. Chứng minh cách hiểu về nhận định qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
* Vị trí của trích đoạn: nằm ở phần Gia biến và lưu lạc của Truyện Kiều. Sau khi Kiều bán mình làm vợ Mã Giám Sinh để lấy tiền cứu cha mới biết bị lừa phải làm gái lầu xanh. Vì không chịu tiếp khách nên nàng bị mụ Tú Bà toan đánh đập, Kiều rút dao quyên sinh. Mụ Tú Bà sợ hãi phải cứu sống và nhượng bộ cho nàng ra lầu Ngưng Bích kén chồng (thực chất là bị giam lỏng). Đoạn trích miêu tả tâm trạng Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích. 
* Biểu hiện tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du qua trích đoạn:
- Nguyễn Du đã dùng bút pháp tả cảnh ngụ tình miêu tả tâm trạng của Kiều khi ngắm cảnh: Cảnh được tái hiện qua cái nhìn và tâm trạng của Thúy Kiều, có vẻ non xa, tấm trăng gần, cát vàng, bụi hồng... đẹp nhưng buồn, xa vắng, đơn côi. Đúng như tâm trạng của nàng bẽ bàng, bơ vơ, trống vắng vì vừa trải qua những biến cố kinh hoàng lại đang phải lưu lạc nơi đất khách quê người. 
- Nguyễn Du tả trực tiếp tâm trạng của nàng Kiều: ngắm cảnh trên lầu nhưng lòng thì nhớ về Kim Trọng với kỉ niệm ngày thề hẹn và nỗi khắc khoải vì tấm son gột rửa bao giờ cho phai; xót thương cha mẹ tuổi già, thiếu người quạt nồng ấp lạnh... 
-> Kiều là người con gái rất đáng trân trọng. Mặc dù trong cảnh ngộ éo le, bi đát nhưng vẫn hiếu nghĩa, vị tha, chung thủy, luôn nghĩ cho những người mình yêu thương.
- Nỗi buồn của Kiều còn được diễn tả mỗi lúc một xoáy sâu qua 4 cặp câu thơ cuối bắt đầu bằng điệp ngữ Buồn trông. Chính vì nhớ Kim Trọng, thương xót cha mẹ nên nàng càng buồn tủi, thấy phận mình nhỏ bé, đơn côi, bèo bọt như cánh buồm cửa bể chiều hôm, hoa trôi, nội cỏ... Bão tố cuộc đời như vây bủa, nuốt chửng lấy nàng. 
-> Kiều tự cảm, tự thương chính mình. Thân phận người con gái bé nhỏ, mong manh, âu lo trước một hiện tại đầy những nguy hiểm rình rập và một tương lai mù mịt.
=> Bằng sự linh hoạt trong bút pháp miêu tả tâm trạng; cách dùng điển tích, điển cố; lối điệp từ, điệp cấu trúc cú pháp và ngôn ngữ ước lệ..., Nguyễn Du đã diễn tả thành công tâm trạng Thúy Kiều. Thành công đó không chỉ chứng tỏ khả năng am hiểu tâm lý sâu sắc, tài nghệ ngôn ngữ tuyệt vời mà còn thể hiện tấm lòng nhân đạo của nhà thơ.
Thông qua trích đoạn, Nguyễn Du đã đề cao vẻ đẹp, phẩm chất cao quý; trân trọng khát vọng tình yêu, hạnh phúc gia đình của người phụ nữ; bày tỏ sự đồng cảm, xót thương trước số phận bi kịch và nỗi bất hạnh của họ. Đồng thời lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo đã chà đạp, đày đọa, không cho con người quyền sống và hưởng hạnh phúc chính đáng. 
4. Từ việc làm rõ tư tưởng nhân đạo qua trích đoạn thơ, trình bày suy nghĩ về ứng xử trước nỗi bất hạnh của con người
- Ứng xử: là những cư xử, thái độ, lời nói, hành động của bản thân. 
- Trước những đau khổ, bất hạnh, mỗi người cần có những ứng xử nhân văn, phù hợp. Cụ thể:
+ Chân thành chia sẻ, động viên người bất hạnh vơi đi những đau buồn, vượt qua khó khăn, cảnh ngộ hiện tại. 
+ Giúp đỡ bằng những việc làm có thể: công việc, tiền bạc, vật chất...
+ Mọi ứng xử chân thành, nhân văn đều đáng trân trọng nhưng cần phù hợp với đối tượng. Nếu không sẽ có trường hợp muốn được bất hạnh, sống dựa vào lòng tốt của người khác. 
- Phê phán những người ứng xử thiếu nhân văn, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại.
- Liên hệ bản thân. 
C. Cho điểm
- Điểm 5.5 - 6.0: Đáp ứng tốt những yêu cầu trên, có những sáng tạo trong cảm thụ và trình bày vấn đề. Biểu cảm chân thành, tự nhiên, thuyết phục. 
- Điểm 4.5 - 5.0: Bài viết có hệ thống luận điểm rõ ràng. Đáp ứng khá tốt những yêu cầu về mặt ý; có thể có ý chưa sâu. Mắc một số lỗi nhỏ về dùng từ, diễn đạt. 
- Điểm 3.5 - 4.0: Đáp ứng khoảng 2/3 yêu cầu trên, có thể hiểu và trình bày chưa rõ, chưa sâu về câu nói của tác giả Hoài Thanh. Chứng minh được biểu hiện của tư tưởng nhân đạo qua trích đoạn nhưng chưa thấy được logic của tâm trạng nhân vật. Mắc một số lỗi về dùng từ, diễn đạt.
- Điểm 2.5 - 3.0: Bài viết chưa sâu, đáp ứng khoảng 1/2 yêu cầu trên, chưa làm rõ được cách hiểu câu nói của tác giả Hoài Thanh. Phần phân tích chưa sâu; chưa khái quát nhấn mạnh tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du qua trích đoạn. Phần tích hợp có ý nhưng chung chung. Diễn đạt còn rườm rà. 
- Điểm 1.0 - 2.0: Bài viết sơ sài, lộn xộn về ý, giải thích nông, chủ yếu đi vào phân tích nội dung đoạn thơ, phần tích hợp đơn giản hoặc hời hợt. Mắc nhiều lỗi các loại. 
- Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
--------Hết--------

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_chuyen_mon_ngu_van_nam_hoc_201.doc
Bài giảng liên quan