Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Ngữ văn - Năm học 2019-2020 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc hiểu, hãy trình bày suy nghĩ của em về câu nói: “Người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để quay về: gia đình.”

(Trình bày trong một bài văn nghị luận ngắn khoảng 600 từ).

 

doc6 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 27/07/2023 | Lượt xem: 231 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Ngữ văn - Năm học 2019-2020 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH NINH BÌNH
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT 
NĂM HỌC 2019 - 2020
Bài thi môn chuyên: Ngữ văn
Ngày thi: 05/6/2019
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm 06 câu, trong 02 trang
Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Gia vị của tình thương
Cuộc sống chật chội, không phải dễ duy trì sự sum vầy “tứ đại đồng đường” nữa, nhưng quan hệ máu mủ vẫn chặt chẽ vững bền. Và phương tiện để kết nối tình thân hữu hiệu nhất là mâm cơm.
Tôi vốn thích lang bạt. Tuy nhiên mỗi lúc nắng xế hoàng hôn hay mỗi lúc mưa xiên đêm vắng, cũng bất giác thèm không khí dịu êm bên gia đình. Những lúc ấy, nước mắt không rơi ra, nhưng xót xa và bần thần bao nhiêu hồi tưởng đẹp đẽ. Nhớ vô cùng cái dáng lui cui của bà nội bên bếp lửa mịt mù khói vì đun bằng củi khô. Nhớ vô cùng phiên chợ muộn, lưng áo mẹ đẫm mồ hôi chen chân mua cho được mớ rau, con cá. Nhớ vô cùng bóng cha ngồi trầm ngâm, bỏ dở dang câu chuyện mùa màng thất bát. Nhớ vô cùng hai đứa em nhường nhau miếng cơm cháy cuối cùngCó những khoảnh khắc đã trôi qua, vẫn mãi mãi như cuốn phim âm bản in hằn trong kí ức đời mình!...
Bữa cơm như níu họ lại với nhau, đôi đũa cong hay cái chén mẻ, cũng giúp người ta lớn lên trong lương thiện và nhân ái. Đĩa thịt kho có thể đã hâm lại mấy lần để chờ người về trễ, nhưng bữa cơm chỉ cần không thiếu một ai, đã báo hiệu một sự no ấm đủ đầy! Miếng ngon đôi khi đến từ giao cảm giữa người nấu và người ăn
	Nhiều năm rồi, tôi luôn tranh thủ mọi cơ hội để được ăn bữa cơm gia đình. Già rồi ư, rã rời vì bon chen rồi ư? Cũng có lẽ vậy. Tôi không biện minh, nhưng càng ngày tôi càng thấm thía giá trị bữa cơm gia đình. Bởi lẽ, cơm dẻo canh nóng chỉ là một phần, mà cốt lõi là được nhìn thấy người thân của mình vẫn bình yên.
	Giá trị bữa cơm, không hề phân biệt giàu, nghèo. Vì không ai cân đong được tình thương tỏa ra bên bếp lửa có tấm lòng san sẻ và gìn giữ cho nhau của vợ chồng và con cái. Cách cảm nhận gia vị tình thương của mỗi người đều khác nhau. Cuộc sống hiện đại tất bật, chúng ta phải miễn cưỡng chấp nhận bữa trưa công sở. Tuy nhiên, mệnh lệnh “Hãy trở về nhà kịp bữa cơm” có lẽ là điều ta nên ghi nhớ và thực hiện thường xuyên!
 (Theo Tuy Hòa, Gia vị của tình thương, Báo Giáo dục và Thời đại, 12/2/2019)
Câu 1 (0,5 điểm)
Mục đích của tác giả khi sử dụng cụm từ “Nhớ vô cùng” trong các câu văn: “Nhớ vô cùng cái dáng lui cui của bà nội bên bếp lửa mịt mù khói vì đun bằng củi khô. Nhớ vô cùng phiên chợ muộn, lưng áo mẹ đẫm mồ hôi chen chân mua cho được mớ rau, con cá. Nhớ vô cùng bóng cha ngồi trầm ngâm, bỏ dở dang câu chuyện mùa màng thất bát. Nhớ vô cùng hai đứa em nhường nhau miếng cơm cháy cuối cùng”?
Câu 2 (0,5 điểm) 
Theo em, vì sao thời đại ngày nay không dễ duy trì sự sum vầy “tứ đại đồng đường”?
Câu 3 (1,0 điểm)
Em hiểu như thế nào về hàm ý trong câu văn: “Miếng ngon đôi khi đến từ giao cảm giữa người nấu và người ăn”?
Câu 4 (1,0 điểm)
Vì sao nhân vật “tôi” trong văn bản càng ngày càng “thấm thía giá trị bữa cơm gia đình”?
Phần II: Tạo lập văn bản (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, hãy trình bày suy nghĩ của em về câu nói: “Người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để quay về: gia đình.”
(Trình bày trong một bài văn nghị luận ngắn khoảng 600 từ).
Câu 2 (5,0 điểm)
	“Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi.” (Puskin)
Em hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua các đoạn thơ sau:
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
 (Trích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật, 
 SGK Ngữ văn 9, Tập 1, trang 132, NXBGD, 2016)
“Từ hồi về thành phố
 quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
 	(Trích “Ánh trăng”, Nguyễn Duy, SGK,
 Ngữ văn 9, Tập 1, trang 156, NXBGD 2016)
------HẾT-----
Họ và tên thí sinh :..................................................... Số báo danh:..........................................
Họ và tên, chữ ký:
Cán bộ coi thi thứ nhất:............................................................................
Cán bộ coi thi thứ hai:..............................................................................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH NINH BÌNH
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC 2019 - 2020
Bài thi môn Ngữ văn - Ngày thi: 05/6/2019
 (Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
Phần
Yêu cầu đạt được
Điểm
Phần I
(3,0 điểm)
Câu 1
(0,5 điểm)
Mục đích:
- Tạo nhịp điệu cho lời văn; 
- Nhấn mạnh, khắc sâu tâm trạng xao xuyến, bồi hồi trong nỗi nhớ nằm lòng của tác giả khi gợi nhắc về kỷ niệm;
- Gợi những xúc cảm trong lòng người đọc về thế giới kỷ niệm nghèo khó nhưng thân thương, gần gũi.
0,25
0,25
Câu 2
(0,5 điểm)
Thời đại ngày nay không dễ duy trì sự sum vầy tứ đại đồng đường, vì:
- Do cuộc sống chật chội về chỗ ở (Tứ đại đồng đường: Bốn đời cha, con, cháu, chắt cùng sống chung trong một nhà).
- Do đòi hỏi tính chất công việc, do nhu cầu cá nhân...
0,25
0,25
Câu 3
(1,0 điểm)
Câu văn “Miếng ngon đôi khi đến từ giao cảm giữa người nấu và người ăn.” được hiểu: 
- Cái ngon của bữa ăn không chỉ phụ thuộc vào giá trị vật chất của món ăn (món ăn đắt tiền, chế biến cầu kỳ, ăn trong những nơi sang trọng...) mà ngon ở tinh thần được làm nên từ sự vui vẻ, đồng cảm của người chế biến và người thưởng thức.
- Thái độ đề cao, trân trọng giá trị tinh thần (sự ấm cúng của bữa cơm gia đình).
0,25
0,25
0,5
Câu 4
(1,0 điểm)
Nhân vật “tôi” càng ngày càng thấm thía giá trị bữa cơm gia đình, vì:
- Xa nhà nhiều, thiếu vắng tình cảm gia đình (vốn thích lang bạt)
- Tấm lòng nhiều trắc ẩn luôn lo lắng cho người thân yêu (cơm dẻo canh nóng chỉ là một phần, mà cốt lõi là được nhìn thấy người thân của mình vẫn bình yên.);
- Bữa cơm gia đình làm nên sự gắn kết giữa các thành viên (đặc biệt trong thời hiện đại);
- Có nhiều trải nghiệm để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống: Tình người!
0,25
0,25
0,25
0,25
Phần II
(7,0 điểm)
Câu 1
(2,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ về quan niệm: “Người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để quay về: gia đình.”
1. Yêu cầu hình thức: Bài làm trình bày đúng thể thức của một bài văn nghị luận xã hội; lập luận chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, có cảm xúc; trình bày rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp...
2. Yêu cầu nội dung:
Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau
a. Giới thiệu vấn đề nghị luận: Giới thiệu trực tiếp/gián tiếp vấn đề về gia đình.
0,25
b. Giải quyết vấn đề nghị luận
- Gia đình: Tổ ấm thiêng liêng, là cội nguồn sinh dưỡng, nơi hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người;
+ Nhiều nơi để đến: Khi chúng ta vui vẻ, hứng khởi với khát khao chinh phục, khám phá sẽ có nhiều nơi, nhiều chân trời đón đợi để có thể thỏa mãn được khát vọng;
+ Một chốn để quay về: Khi chúng ta mệt mỏi, muốn dừng chân, muốn tìm cảm giác bình yên, che chở → gia đình là nơi duy nhất sẵn sàng đón nhận ta.
0,25
0,25
- Gia đình là nơi ý nghĩa nhất, thiêng liêng nhất trong cuộc đời con người:
+ Chứa đựng tình yêu thương, lòng vị tha đích thực;
+ Liều thuốc an thần xoa dịu nỗi đau, tìm thấy sự bình yên thanh thản trước những sóng gió cuộc đời;
+ Điểm tựa, động lực giúp con người vươn lên trong cuộc sống.
0,5
- Mặt trái của vấn đề: Nhiều gia đình không còn là tổ ấm, (chốn quay về); nhiều cá nhân không biết trân trọng cuộc sống gia đình... → bi kịch.
0,25
- Bài học nhận thức: Biết trân trọng gia đình và ky cóp yêu thương
0,25
c. Kết thúc vấn đề nghị luận: Khái quát, nâng cao vấn đề nghị luận
0,25
Câu 2
(5,0 điểm)
1. Yêu cầu về hình thức: Học sinh biết làm đúng kiểu bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học. Bài viết có bố cục đầy đủ; kết cấu chặt chẽ; hệ thống luận điểm rõ ràng; diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp...
0,25
2. Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đạt được các ý sau:
a. Giới thiệu vấn đề nghị luận: 
Dẫn dắt và trích dẫn ý kiến bàn về thơ của Puskin.
0,25
b. Giải quyết vấn đề nghị luận
* Giải thích
- Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ: Thế giới tự nhiên, xã hội muôn hình muôn vẻ, chứa đựng những yếu tố bất tận, phong phú.
- Thơ bén rễ sinh sôi: Thơ ca lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống, bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật.
-> Ý kiến khẳng định cuộc sống là nguồn đề tài, là đối tượng phản ánh là nơi để thơ bắt đầu và phát triển → mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đời sống.
0,25
0,25
* Phân tích, chứng minh 
Học sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo một số ý chính sau: 
Khổ thơ trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
- Hiện thực cuộc sống:
+ Thời gian sáng tác: 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.
+ Không gian: Trên tuyến đường Trường Sơn - con đường huyết mạch của chiến tranh.
+ Sự việc: Công việc của những người lính lái xe vận tải lương thực, vũ khí cho tiền tuyến, trên tuyến đường Trường Sơn chồng chất những khó khăn, thiếu thốn. 
- Thơ bén rễ, sinh sôi:
+ Cảm hứng sáng tác: Hiện thực cam go, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
+ Hình tượng nghệ thuật:
++ Những chiếc xe không kính (Không có kính/không có đèn/không có mui xe/thùng xe có xước) trở thành lực lượng chính chi viện cho chiến trường → nghệ thuật tả thực sáng tạo nên hình tượng thơ độc đáo.
++ Khắc họa hình ảnh người lính lái xe: Tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường; chịu đựng khó khăn gian khổ; trái tim giàu nhiệt huyết vì một lý tưởng sống cao đẹp: sống gắn liền với chiến đấu. Dùng cách nói phủ định không để khẳng định cái có (xe vẫn chạy/chỉ cần có một trái tim).
+ Cảm xúc: Tự hào, ngưỡng mộ chất ngang tàng phá cách, lý tưởng sống cao đẹp của người lính Trường Sơn.
0,25
0,5
0,5
Khổ thơ trong bài thơ “Ánh trăng”
- Hiện thực cuộc sống:
+ Thời gian sáng tác: 1978, khoảng 3 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
+ Sự việc: Cuộc sống sau chiến tranh của những con người đã đi qua thời đạn bom, được sống trong hòa bình, tiện nghi, hiện đại (thành phố/ánh điện/cửa gương), có những nhận thức suy nghĩ về bản thân trong mối quan hệ giữa quá khứ và thực tại.
- Thơ bén rễ, sinh sôi:
+ Cảm hứng sáng tác: Phản ánh một hiện thực tâm lý của con người thời hậu chiến.
+ Cấu tứ, hình tượng nghệ thuật:
++ Hình tượng nghệ thuật: vầng trăng trong cái nhìn quy chiếu quá khứ - thực tại (Hiện tại: tiện nghi, đủ đầy ánh điện/cửa gương -> lãng quên kỷ niệm quá khứ, vô cảm trước ánh sáng trần trụi của vầng trăng tri kỷ: vầng trăng qua ngõ/người dưng-> nghệ thuật nhân hóa làm tăng tính gợi hình, biểu cảm).
++ Tình huống đặc sắc: Đèn điện tắt > Nhận ra vẻ đẹp vẹn nguyên, tròn đầy, nghĩa tình, thủy chung.
+ Cảm xúc: Ăn năn, day dứt về sự vô tình bạc bẽo của nhân sinh trước quá khứ và hiện tại.
0,25
0,5
0,25
* Bình luận, nâng cao
- Khẳng định tính đúng đắn của nhận định: Mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa thơ văn - hiện thực cuộc sống. Thơ bắt nguồn từ đời sống khách quan, được sáng tạo qua lăng kính chủ quan nghệ sỹ tác động kì diệu vào tư tưởng, tình cảm con người làm nên nhận thức sâu sắc:
+ Qua hiện thực cuộc sống kháng chiến, con người kháng chiến đầy khó khăn làm nổi bật chân lí của thời đại: Cội nguồn sức mạnh của con người xuất phát từ trái tim giàu nhiệt huyết, chan chứa yêu thương; sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, công cụ mà ở chính con người mang trái tim nồng nàn, sắt đá.
+ Qua cái giật mình tự thức của nhân vật trữ tình trong bài thơ Ánh trăng đặt ra vấn đề nhân sinh: Thái độ sống với quá khứ và với chính mình.
- Vấn đề tiên quyết với nghệ sỹ: Phải phản ánh chân thật hiện thực bởi cuộc sống vừa là đối tượng phản ánh, vừa là đối tượng phục vụ; phải trải lòng ra với cuộc đời để đón nhận mọi âm vang thời đại làm nguồn sống cho thơ văn; gửi gắm vào thơ những khái quát lớn về nhân sinh.
- Người tiếp nhận: phải trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết để thấu hiểu hiện thực, cảm nhận cái đẹp trong tác phẩm. Tiếp nhận thơ một cách đúng nghĩa, hiểu thơ để hiểu giá trị cuộc đời. 
0,25
0,25
0,25
0,5
0,25
c. Khái quát vấn đề nghị luận: Khái quát, nâng cao vấn đề nghị luận.
0,25
Lưu ý: 
- Đề thi được ra theo hướng mở, giám khảo cần vận dụng linh hoạt khi cho điểm bài làm của thí sinh; có thể thưởng điểm (tối đa không quá 0,5 điểm) cho những bài có sáng tạo trong tìm tòi, khai thác, bình giá chi tiết; biết liên hệ so sánh...(tuy nhiên yêu cầu lập luận phải thuyết phục và có cơ sở).
- Đối với câu 2, phần II: 
+ Cần cân đối về nội dung và hình thức bài làm của thí sinh để cho các mức điểm phù hợp, tránh đếm ý cho điểm.
+ Nếu bài làm phân tích tốt về nội dung và hình thức nghệ thuật nhưng không hình thành luận điểm mà phân tích lần lượt các khổ thơ cho: 3,0/5,0 điểm
- Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25; không làm tròn điểm.
--------Hết--------

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_chuyen_ngu_van_nam_hoc_2019_20.doc
Bài giảng liên quan