Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2019-2020 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án)

Câu 1 (0,5 điểm)

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 (0,5 điểm)

Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn sau: “Chắc hẳn ai nấy trên xe đều kinh ngạc khi cậu bé chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp mất phanh, đôi dép mòn cháy do phanh xe, bàn chân xước xát, trên người không tiền, không điện thoại.”

 

doc6 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 27/07/2023 | Lượt xem: 143 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2019-2020 - Sở GD&ĐT Ninh Bình (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH NINH BÌNH
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2019 - 2020
Bài thi môn: Ngữ văn
Ngày thi: 03/6/2019
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm 06 câu, trong 02 trang
Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)
	Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hành trình trái tim từ những người lạ
	Quãng đường mà cậu bé Vì Quyết Chiến đi được bằng xe đạp khoảng 103 km từ Sơn La đến Hòa Bình trong hành trình thăm em trai bị ốm tại Bệnh viện Nhi trung ương đã được lan truyền trên các phương tiện truyền thông như một “Chuyện lạ chưa từng xảy ra”
	Nhiều nhà hảo tâm muốn giúp đỡ cậu bé có chiếc xe mới, ủng hộ gia đình Chiến tiền chạy chữa cho em trai. Nhưng điều đáng quý nhất trong câu chuyện của Chiến chính là những con người tốt bụng, xa lạ đã giúp đỡ Chiến trên chuyến xe đưa cậu bé về Hà Nội an toàn.
	Chuyến xe ấy là câu chuyện về lòng nhân văn, là hành trình trái tim ấm áp tình người!
	Trên chuyến xe ấy, dù chẳng ai quen Vì Quyết Chiến nhưng họ hỏi han, đưa cậu bé đến điểm cuối. Nhà xe còn mua bánh, nước cho cậu bé ăn uống, liên lạc với bố của Chiến. Chắc hẳn ai nấy trên xe đều kinh ngạc khi cậu bé chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp mất phanh, đôi dép mòn cháy do phanh xe, bàn chân xước xát, trên người không tiền, không điện thoại Tài xế xe khách kể: Trời tối, tôi thấy cậu bé nhỏ nhắn vẫy xe, ban đầu tôi tưởng cậu bé đùa nên đi qua. Nhưng rồi, tôi dừng lại, cầm đèn pin xuống hỏi cậu bé và không tin nổi câu chuyện của em. Lúc vẫy xe cũng là lúc em đã quá đói và không thể tiếp tục hành trình.
 Nếu chiếc xe không dừng lại, có lẽ câu chuyện của Chiến đã sang một hướng khác
(Theo http:www 24h.com.vn/tintuctrongngay, 28/3/2019)
Câu 1 (0,5 điểm)
Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm)
Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn sau: “Chắc hẳn ai nấy trên xe đều kinh ngạc khi cậu bé chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp mất phanh, đôi dép mòn cháy do phanh xe, bàn chân xước xát, trên người không tiền, không điện thoại.”
Câu 3 (1,0 điểm)
Vì sao tác giả bài viết lại cho rằng: Chuyến xe ấy là câu chuyện về lòng nhân văn?
Câu 4 (1,0 điểm)
Em có đồng ý với hành động của cậu bé Vì Quyết Chiến đã đạp xe khoảng 103km từ Sơn La đến Hòa Bình trong hành trình thăm em trai bị ốm tại Bệnh viện Nhi trung ương không? Vì sao?
Phần II: Tạo lập văn bản (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy nêu cảm nhận về lòng tốt giữa con người với con người trong cuộc sống hiện nay. (Trình bày trong một đoạn văn khoảng 200 từ).
Câu 2 (5,0 điểm)
	Cảm nhận của em về vẻ đẹp của mùa xuân đất nước và con người qua các khổ thơ sau:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.” 
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, SGK
 Ngữ văn 9, Tập 2, trang55,56 - NXBGD, 2016)
------HẾT-----
Họ và tên thí sinh :..................................................... Số báo danh:..........................................
Họ và tên, chữ ký:
Cán bộ coi thi thứ nhất:............................................................................
Cán bộ coi thi thứ hai:............................................................................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH NINH BÌNH
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2019 - 2020
Bài thi môn Ngữ văn - Ngày thi: 03/6/2019
 (Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
Phần
Yêu cầu cần đạt 
Điểm
Phần I
(3,0 điểm)
Câu 1
(0,5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính: Phương thức tự sự/tự sự
0,5
Câu 2
(0,5 điểm)
- Thành phần biệt lập trong câu: Chắc hẳn
- Gọi tên thành phần biệt lập: Thành phần tình thái
0,25
0,25
Câu 3
(1,0 điểm)
Chuyến xe là câu chuyện cảm động về lòng nhân văn vì:
- Lòng nhân văn: Điều tốt đẹp thuộc về văn hóa của loài người;
- Chuyến xe thể hiện vẻ đẹp của tình người, của cách cư xử tốt đẹp:
+ Tình cảm anh em sâu sắc: Thương em, Vì Quyết Chiến sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn gian khổ;
+ Sự cưu mang, đùm bọc của những người xa lạ trên chuyến xe: hỏi han, cho đi nhờ xe, mua nước, mua bánh, liên lạc với bố Chiến 
→ nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, làm nhân lên lòng tốt trong xã hội.
0,25
0,25
0,25
0,25
Câu 4
(1,0 điểm)
Học sinh tự do trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần có lý giải xác đáng.
* Đồng tình:
- Xét về mặt tích cực:
+ Cảm phục, ngưỡng mộ về sức mạnh của tình anh em (đặc biệt trong xã hội hiện nay).
+ Ý chí quyết tâm, bản lĩnh vượt khó để thực hiện mong muốn;
+ Tỉnh táo: Biết cầu cứu khi kiệt sức (vẫy xe khách đi nhờ xuống Hà Nội)
- Xét về mặt hạn chế: mạo hiểm → Cần trang bị kỹ năng sống và các điều kiện cần thiết trước khi quyết định hành động. 
0,25
0,25
0,25
0,25
* Không đồng tình:
- Hành động mạo hiểm, liều lĩnh, thiếu hiểu biết
+ Đoạn đường quá xa, nguy hiểm vì đèo dốc; cuộc sống nhiều cạm bẫy >< tuổi nhỏ, sức yếu, phương tiện thô sơ (xe không phanh, không tiền, không điện thoại...);
+ Nếu gặp chuyện rủi ro (bị lạc, bị tai nạn, bị bắt cóc...) → khổ bản thân, nhân lên nỗi lo cho gia đình.
- Rút ra bài học nhận thức: Suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định hành động, cần trang bị kỹ năng sống.
0,25
0,25
0,25
0,25
Phần II
(7,0 điểm)
Câu 1
(2,0 điểm)
1.Yêu cầu hình thức: 
 Bài làm trình bày đúng thể thức của một đoạn văn nghị luận, đúng dung lượng; lập luận chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
0,25
2. Yêu cầu nội dung:
 Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau
- Lòng tốt: Là cách cư xử đẹp, chân thành giữa người với người trong cuộc sống (tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ..); cơ sở hình thành nhân cách con người → truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
0,25 
- Trong xã hội hiện nay:
+ Lòng tốt được giữ gìn, phát huy:
++ Qua lời nói, hành động thiết thực (sự quan tâm, giúp đỡ) với từng đối tượng, hoàn cảnh khác nhau: sự cưu mang của người xa lạ trong câu chuyện Vì Quyết Chiến, hành động cứu đuối...;
++ Qua sức lan tỏa của các chương trình từ thiện: Trái tim cho em, Áo ấm đến trường, Xuân yêu thương...
- Lòng tốt là chất keo để kết nối xã hội.
0,25
0,25
0,25
- Sự phát triển của xã hội hiện đại đôi khi dẫn con người tới lối sống ích kỉ, vô cảm; lợi dụng lòng tốt để trục lợi, khoa trương, đánh bóng tên tuổi...
0,5
- Nhận thức được vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của lòng tốt (đặc biệt trong giai đoạn hiện nay);
- Học cách sống biết yêu thương, trải lòng để đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ mọi người.
0,25
Câu 2
(5,0 điểm)
1. Yêu cầu về hình thức: 
 Học sinh biết làm đúng kiểu bài nghị luận về đoạn thơ để làm rõ vấn đề. Bài viết có bố cục đầy đủ (mở bài, thân bài, kết luận); kết cấu chặt chẽ; hệ thống luận điểm rõ ràng; diễn đạt mạch lạc, lưu loát, có cảm xúc; trình bày sạch đẹp; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp...
0,25
2. Yêu cầu về nội dung: 
 Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đạt được các ý sau:
a. Giới thiệu vấn đề
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Nêu vấn đề nghị luận.
0,25
b. Giải quyết vấn đề
* Khái quát hoàn cảnh ra đời, mạch cảm xúc
- Hoàn cảnh: 
+ Bài thơ sáng tác (11/1980) khi tác giả mắc bệnh hiểm nghèo phải nằm trên giường bệnh (hoàn cảnh đặc biệt);
+ Đất nước đang trong hành trình xây dựng CNXH gặp nhiều khó khăn, thử thách.
- Mạch cảm xúc : 
+ Hào hứng, say mê trước mùa xuân đất nước;
+ Tha thiết với ước nguyện cống hiến, dựng xây.
0,25
0,25
* Phân tích, chứng minh
Yêu cầu về nội dung
- Vẻ đẹp của mùa xuân đất nước
+ Bức tranh mùa xuân:
0,5
+ Hình ảnh sống động: dòng sông, bông hoa, bầu trời cao rộng;
+ Âm thanh ngọt ngào, trong trẻo:Tiếng hót chim chiền chiện;
+ Màu sắc tươi tắn: xanh (dòng sông), tím biếc ( bông hoa)
=> Bức tranh thiên nhiên thơ mộng, tươi tắn, căng tràn sức sống, mang đậm phong vị xứ Huế.
- Cảm xúc của chủ thể trữ tình trước mùa xuân đất nước:
0,5
+ Say sưa, ngây ngất trước mùa xuân tự nhiên ban tặng: Từng giọt long lanh rơi / tôi đưa tay tôi hứng;
+ Tự hào, hãnh diện trong suy ngẫm về lịch sử đất nước:
++ Bề dày lịch sử dựng nước, giữ nước (bốn ngàn năm): trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, công cuộc khai hoang mở đất... (vất vả và gian lao)
++ Dân tộc có ý chí kiên cường, hiên ngang, bất khuất (Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước)
- Vẻ đẹp của con người
+ Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm: mở rộng lòng cảm nhận vẻ đẹp bức tranh xuân;
+ Khát vọng, ước nguyện chân thành, tha thiết: làm con chim hót/làm một cành hoa/nhập vào hòa ca → ước nguyện nhỏ bé, khiêm nhường nhưng thể hiện ý thức sống tích cực: sống gắn liền cống hiến;
+ Tình yêu quê hương, tình yêu cuộc sống, tâm hồn lạc quan: nằm trên giường bệnh nhưng vẫn vui với mùa xuân đất nước mang trong mình lẽ sống đẹp.
0,25
0,5
0,25
Yêu cầu về nghệ thuật
Bài làm có thể phân tích lồng ghép trong phần phân tích nội dung
- Sử dụng từ ngữ, hình ảnh, thể thơ gợi hình, biểu cảm:
+ Từ hô- gọi: ơi, chi→ ngọt ngào, quen thuộc của người dân xứ Huế;
+ Từ nhấn mạnh ý: cứ → khí thế đi lên, niềm tin tưởng; nhập→ khát vọng hóa thân;
+ Hình ảnh: con chim, bông hoa, nốt trầm → sinh động biểu tượng cho mùa xuân, tình yêu.
- Nghệ thuật phối màu trong hội họa: Sắc xanh/tím biếc → nét đặc trưng xứ Huế mộng mơ.
- Thể thơ 5 chữ mang âm hưởng dân ca.
0,5
- Sử dụng các biện pháp tu từ:
+ Đảo ngữ: mọc giữa dòng sông xanh/một bông hoa tím biếc
-> nhấn mạnh sự vươn lên, sức sống mạnh mẽ;
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: từng giọt long lanh rơi → âm thanh của tiếng chim chiền chiện ngọt ngào, có hình khối (giọt), màu sắc (long lanh);
+ So sánh: Đất nước như vì sao → vẻ đẹp trường tồn, vĩnh hằng
+ Điệp ngữ: Ta làm → khẳng định khát vọng tha thiết được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước
0,5
* Bình luận
0,5
- Đoạn thơ mang đậm thi pháp sáng tác hiện đại với nét vẽ phóng khoáng, tự do; mạch cảm xúc hòa quyện giữa thiên nhiên và con người:
+ Thiên nhiên sống động, tươi tắn.
+ Con người yêu đời yêu cuộc sống tha thiết, luôn giữ tư thế chủ động gắn bó với cuộc đời; khát khao sống, khát khao cống hiến.
-> Cuộc sống mới, con người mới – XHCN trở thành cội nguồn cho cảm hứng sáng tác.
- Nghị lực sống, ý thức sống đáng trân trọng, ngưỡng mộ của nhà thơ thanh Hải.
* Liên hệ, mở rộng
0,25
- Quan niệm sống đẹp của một số nhà thơ khác: Tố Hữu, Chế Lan Viên.....sức lan tỏa một lẽ sống đẹp, sống có ích;
- Rút ra bài học về lý tưởng sống, khát vọng của bản thân trong giai đoạn đất nước hiện nay.
c. Kết thúc vấn đề:
- Khái quát, nâng cao vấn đề
0,25
Lưu ý: 
- Đề thi được ra theo hướng mở, giám khảo cần vận dụng linh hoạt khi cho điểm bài làm của thí sinh; có thể thưởng điểm (tối đa không quá 0,5 điểm) cho những bài có sáng tạo;
- Đối với câu 2, phần II: 
+ Cần cân đối về nội dung và hình thức bài làm của thí sinh để cho các mức điểm phù hợp, tránh đếm ý cho điểm.
+ Nếu bài làm phân tích tốt về nội dung và hình thức nghệ thuật nhưng không hình thành luận điểm mà phân tích lần lượt các khổ thơ cho: 3,0/5,0 điểm.
- Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25; không làm tròn điểm.
--------Hết--------

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_ngu_van_nam_hoc_2019_2020_so_g.doc
Bài giảng liên quan