Tập huấn nâng cao về thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong Trường Tiểu học - Nguyễn Thị Vân

Học sinh tiểu học đã bắt đầu hình thành kỹ năng đọc hiểu và lĩnh hội các giá trị trong sách, báo và vận dụng trong học tập và đời sống. Nếu xem xét khả năng cảm thụ sách ở 5 mức độ: mức thấp nhất là không nhớ gì sau khi đọc, mức thứ hai là nhớ một số chi tiết chủ yếu, mức thứ ba nhớ được nội dung chính, mức thứ tư là hiểu được chủ đề, nhớ tên sách và tên tác giả, mức thứ năm là vừa hiểu rõ chủ đề, nội dung, vừa có khát khao muốn vận dụng vào cuộc sống. Có thể thấy phần lớn các em đạt mức độ trung bình trong cảm thụ nội dung sách, tức là mức thứ ba . Trong quá trình đọc, nhiều em đã biết ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình để các em có thể ghi nhớ lâu hơn, đồng thời cũng trao đổi với người thân những ý kiến, cảm nghĩ của mình về các cuốn sách đã đọc. Đó là một trong những kỹ năng rất tích cực giúp các em đọc sách hiệu quả.

Kiến thức trong sách, báo đã đọc được đa số các em lĩnh hội và ứng dụng vào học tập, giúp các em hiểu bài nhanh hơn, tốt hơn . 48% học sinh đã biết thường xuyên vận dụng kiến thức trong sách trong quá trình học tập.

 

doc6 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 17/05/2023 | Lượt xem: 323 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Tập huấn nâng cao về thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong Trường Tiểu học - Nguyễn Thị Vân, để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
Ngày 17/9/2018
Người triển khai: Nguyễn Thị Vân
TẬP HUẤN NÂNG CAO VỀ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC
Văn hoá đọc (VHĐ) có vai trò quan trọng đối với đời sống con người, đặc biệt trong xã hội hiện đại - xã hội thông tin. Ngày nay, có rất nhiều phương tiện truyền tin giúp con người có thể lĩnh hội các giá trị văn hoá, kinh nghiệm trong một không gian và thời gian cụ thể: trao đổi trực tiếp, các phương tiện nghe nhìn, các phương tiện viễn thông, máy tính... Tuy nhiên, tiếp nhận thông tin qua tài liệu vẫn là phương tiện phổ biến và đảm bảo hiệu quả cao bởi tính ổn định và khả năng truyền bá không giới hạn qua không gian và thời gian. Hơn nữa, dưới tác động của công nghệ hiện đại, tài liệu tồn tại không chỉ ở dạng giấy mà còn ở dạng điện tử, được lưu trữ và phổ biến một cách dễ dàng thuận tiện. VHĐ trở thành điều kiện thuận lợi cho mỗi người tiếp thu thông tin, tri thức và vận dụng một cách có hiệu quả vào các hoạt động sống của mình.
VHĐ là một khái niệm khá phức tạp được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Tiếp cận việc đọc như một dạng hoạt động sáng tạo của con người, có bản chất văn hoá, có thể coi VHĐ là tổng thể các năng lực của chủ thể hướng tới việc tiếp nhận và sử dụng thông tin trong tài liệu, thể hiện ở khả năng định hướng tới tài liệu, khả năng lĩnh hội tài liệu một cách sáng tạo, cũng như thái độ ứng xử với tài liệu của mỗi người. Theo quan điểm này có thể nhận thấy mỗi cá nhân trong xã hội đều có thể có VHĐ ở một mức độ nhất định, tuỳ theo năng lực giải mã và tiếp nhận tài liệu của họ.
VHĐ của mỗi cá nhân hình thành rất sớm, từ khi con người biết tiếp nhận và giải mã tài liệu. Trẻ em tuổi đến trường bắt đầu học đọc, học viết và cùng với đó, VHĐ hình thành và phát triển. Độ tuổi học sinh tiểu học cũng là giai đoạn phức tạp trong cuộc đời của mỗi người với hoạt động chủ đạo là hoạt động học tập. Các em còn rất ít kinh nghiệm sống và tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm sống chủ yếu qua hoạt động học tập ở nhà trường và đọc sách. Do vậy, VHĐ là điều kiện quan trọng để các em tiếp thu tri thức, đồng thời trường phổ thông cũng là môi trường thuận lợi cho phát triển VHĐ thông qua việc cung cấp kiến thức, kỹ năng đọc, phát triển tư duy sáng tạo, hình thành các chuẩn mực ứng xử văn hoá cho các em.
Có rất nhiều yếu tố trong trường tiểu học tác động tới VHĐ của học sinh. Chương trình giảng dạy của nhà trường là yếu tố quan trọng đối với phát triển VHĐ. Ở những năm đầu bậc tiểu học, học sinh được trang bị kỹ năng đọc - yếu tố rất quan trọng đối với phát triển VHĐ. Những năm tiếp theo, kỹ năng này được hoàn thiện, đồng thời tri thức của các em được dần phát triển. Phương pháp giảng dạy của thầy, cô giáo ảnh hưởng lớn tới sự hình thành và phát triển tư duy của học sinh, qua đó ảnh hưởng đến năng lực giải mã và lĩnh hội tài liệu của các em. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường cũng có thể phát huy vai trò của mình trong giáo dục VHĐ cho các em thông qua việc lồng ghép các hoạt động đọc sách, giới thiệu sách hoặc trao đổi, thảo luận về nội dung một cuốn sách trong các buổi sinh hoạt thường kỳ. Đặc biệt, thư viện nhà trường là không gian thích hợp để thực hiện các hoạt động giáo dục VHĐ cho học sinh phổ thông.
Có thể coi thư viện trường tiểu học như một trung tâm giáo dục VHĐ cho các em lứa tuổi học sinh tiểu học. Thư viện với vốn tài liệu phong phú, sát với chương trình học tập trong nhà trường, với các phương pháp phục vụ đa dạng, hướng tới phát huy tính tích cực, sáng tạo của người đọc trong quá trình tiếp cận và sử dụng tài liệu sẽ hỗ trợ tích cực cho việc giáo dục VHĐ cho học sinh phổ thông. Vốn tài liệu của thư viện trường tiểu học có 3 bộ phận: tài liệu phục vụ giảng dạy cho giáo viên, tài liệu tham khảo cho học sinh và sách giáo khoa, trong đó bộ phận sách tham khảo được tăng cường và hướng tới đáp ứng nhu cầu và đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các em. Sách thiếu nhi, đặc biệt là truyện tranh chiếm tỷ lệ cao trong bộ phận này. Nhu cầu đọc lành mạnh của học sinh tiểu học được đáp ứng đầy đủ bằng các hình thức phục vụ mượn và đọc tại chỗ sinh động, hấp dẫn, thuận tiện. Các phương pháp hướng dẫn đọc đặc thù trong thư viện như giới thiệu sách, thảo luận sách, vẽ tranh theo sách, thi vui đọc sách... sẽ giúp các em phát triển nhu cầu và hứng thú đọc một cách lành mạnh, hài hoà, đồng thời củng cố và phát triển các kỹ năng đọc đã được hình thành trong chương trình học tập. Những sinh hoạt tập thể trong quá trình đọc tại thư viện cũng giúp các em rèn luyện thái độ ứng xử văn hoá với sách. 
Các hình thức giáo dục văn hoá đọc trong thư viện trường tiểu học
Những năm gần đây, giáo dục tiểu học đã có những đổi mới tích cực. việc chuyển đổi từ việc đánh giá bằng điểm số theo phương pháp dạy học truyền thống sang đánh giá bằng nhận xét, đo lường mức độ hiệu quả của công việc và năng lực thực hiện của học sinh. Không gian lớp học được tổ chức thân thiện, an toàn với “Góc học tập”, “Thư viện lớp học”, hòm thư “Điều em muốn nói”...  Cùng với đó thư viện trường tiểu học được tạo điều kiện và khuyến khích phát triển theo hướng thân thiện và phát triển tính tích cực cho các em.
Hoạt động phục vụ với giáo dục văn hoá đọc
Hoạt động phục vụ đọc cho học sinh tại các thư viện trường tiểu học được thực hiện theo phương châm đa dạng hoá, tạo điều kiện cho các em tích cực và chủ động đọc sách. Từ năm học 2010-2011, Sở GDĐT Hải Dương đã triển khai đồng bộ về tổ chức các góc hoạt động trong thư viện theo mô hình thư viện thân thiện. Mục tiêu của mô hình này là chuyển đổi thư viện từ một nơi vốn chỉ phục vụ đọc, mượn tài liệu theo phong cách truyền thống trở thành không gian đa chức năng. Hầu hết các thư viện tiểu học đã triển khai từ hai đến ba góc hoạt động trong phòng đọc như góc viết, góc vẽ, góc sáng tạo, góc vui học. Nhiều trường tận dụng hành lang bên ngoài phòng đọc, trang trí cây xanh, vẽ tranh tường trang tríđể mở rộng không gian đọc cho học sinh.
Khu vực phục vụ đọc tại chỗ có diện tích tối thiểu từ 50m2 trở lên, phục vụ theo phương thức kho mở (hoặc bán mở). Các tài liệu được sắp xếp trên giá theo chủ đề, theo môn loại và được đặt tên cụ thể như: Vườn cổ tích, em yêu lịch sử, chúng em khám phá khoa học, tủ sách đạo đức (tủ sách chăm ngoan), tủ sách danh nhân, truyện thiếu nhi Việt Nam, truyện thiếu nhi nước ngoàiHọc sinh được tự lựa chọn sách, báo theo sở thích, nhu cầu đọc của mình.
Bên cạnh việc đọc tự chọn, thư viện còn tiến hành phục vụ đọc sách theo chủ đề. Đây là hoạt động chủ động của thư viện định hướng cho học sinh các loại sách phù hợp với nội dung chương trình học tập, tiếp cận với các nguồn tài liệu hay trong thư viện theo những hướng rõ ràng, rèn luyện cho học sinh thói quen đọc đều đặn và đọc tích cực, qua đó hình thành phương pháp đọc, trích lọc thông tin và tóm tắt sách, khám phá những điều thú vị trong sách. Các chủ đề đọc sách được xác định bám sát các sự kiện nổi bật trong tháng: tháng 11 với chủ đề chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, thư viện tổ chức cho học sinh tìm hiểu sách truyện viết về mái trường, thầy/ cô giáo, tình thầy trò; tháng 12 có chủ đề tìm hiểu về Quân đội nhân dân Việt Nam; tháng 3 có chủ đề chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ, thư viện tổ chức đọc sách viết về tình cảm gia đình, mái ấm, những câu chuyện về mẹ, về bà; tháng 5, thư viện thường tổ chức đọc sách về Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Kết hợp vận động đọc sách theo chủ đề, thư viện tổ chức cho các em viết thu hoạch, vẽ tranh, viết cảm nghĩ.
Với diện tích phòng đọc học sinh hạn chế, lịch phục vụ đọc tại chỗ, kín hầu hết các ngày để phục vụ được nhiều lượt bạn đọc, thư viện đã chủ động mở rộng không gian thư viện bằng việc tận dụng các khoảng không khác trong nhà trường như trong lớp học, ngoài trời, hành lang, góc cầu thang để tổ chức tủ sách và thư viện lưu động.
Thư viện lưu động thường tổ chức ngoài trời, tận dụng sẵn ghế đá dưới những gốc cây có bóng mát, ngoài hành lang, góc cầu thang, nơi các em có thể tiếp cận sách một cách tự do và chia sẻ kiến thức cùng nhau. Sách được xếp vào các giá sách có chân đẩy để chủ động di chuyển. 
Hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách với giáo dục văn hoá đọc
Hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách trong các thư viện trường tiểu học được tổ chức khá đa dạng theo phương châm sinh động, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các em.
Hoạt động giới thiệu sách của thư viện trong những năm học gần đây diễn ra đều đặn và có chất lượng. Giới thiệu sách được diễn ra trong các tiết chào cờ đầu tuần. Khi triển khai giới thiệu trước toàn trường, thư viện thường phối kết hợp với Tổng phụ trách Đội. Trong hoạt động ngoại khoá thư viện, nhân viên thư viện thường kết hợp với các giáo viên, người làm công tác Đội và huy động một số em học sinh đóng góp các tiết mục văn nghệ, ngâm thơ, diễn kịch minh hoạ cho nội dung trong sách thêm hấp dẫn, sinh động và đạt hiệu quả cao hơn.
Đặc biệt, hoạt động ngoại khoá “Ngày Hội đọc sách” là một hình thức sáng tạo trên cơ sở phối kết hợp cả hai hình thức tuyên truyền miệng và trực quan nhằm hưởng ứng “Ngày Sách Việt Nam”. Ngày Hội đọc sách diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như tuyên truyền sách, trưng bày, triển lãm sách, quyên góp sách và tổ chức các cuộc thi như thi giới thiệu sách, thi vẽ tranh theo sách, thi viết cảm thụ về sách, thi xếp sách nghệ thuật... 
Vẽ tranh theo sách là hình thức giúp học sinh thể hiện được những cảm xúc của mình sau khi đọc sách bằng nét vẽ, bằng màu sắc với sự sáng tạo của các em. Vẽ tranh theo sách, viết thu hoạch thường được triển khai tại góc viết, góc vẽ trong thư viện hoặc được tổ chức thành các hội thi theo các chủ đề. Ví dụ, vẽ lại bìa cuốn sách em yêu thích, vẽ tranh theo tác phẩm ngữ văn em được học, tóm tắt lại câu chuyện em vừa đọc, viết cảm nhận của em về cuốn sách viết về tình bạn Các sản phẩm của học sinh được lưu giữ tại thư viện, những bài viết hay, những bức tranh đẹp, sinh động được trưng bày tại các góc và trên bảng tin thư viện.
Bên cạnh việc hỗ trợ tạo các bài giảng điện tử, một trong những ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông trong các trường tiểu học hiện nay là xây dựng và phát triển các trang web của nhà trường. Các trang web đó cũng trở thành một kênh tuyên truyền thông tin của thư viện trường. Giáo viên đã biết tận dụng kênh thông tin này để làm phong phú thêm nguồn lực thông tin, đồng thời phổ biến tài liệu cho bạn đọc một cách thuận tiện, nhanh chóng. Sự đa dạng, linh hoạt về mặt hình thức, sự phong phú, mới mẻ về mặt nội dung đã giúp cho hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách tại thư viện đạt được những hiệu quả đáng kể, góp phần thu hút bạn đọc đến thư viện và nâng cao chất lượng hoạt động.
Nhìn chung, các hình thức phục vụ bạn đọc trong và ngoài thư viện, tuyên truyền giới thiệu sách (trực quan, tuyên truyền miệng) đã được áp dụng khá sinh động, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn và phù hợp với tâm lý các em học sinh tiểu học, lôi cuốn đông đảo các em tham gia. Sự kết hợp sáng tạo giữa các hình thức phục vụ, tuyên truyền giới thiệu sách phù hợp với tâm lý lứa tuổi không chỉ giúp các em phát triển nhu cầu, hứng thú đọc mà còn giúp các em phát triển khả năng cảm thụ và vận dụng sáng tạo những hiểu biết trong sách vào thực tiễn. Kết quả của những nỗ lực đáng kể đó, VHĐ của lứa tuổi nhi đồng đang được hình thành và phát triển theo xu hướng lành mạnh và hài hoà.
Thực trạng văn hoá đọc của học sinh tiểu học 
Theo kết quả điều tra VHĐ của học sinh tiểu học đang hình thành và phát triển với những dấu hiệu tích cực.
Nhu cầu đọc ở các em đã bắt đầu được hình thành và củng cố tương đối vững chắc, phát triển đa dạng hướng vào những nội dung lành mạnh. Mặc dù sống trong một môi trường sôi động, có nhiều phương tiện thông tin và giải trí hiện đại, đọc sách vẫn là hoạt động được các em ưu tiên hàng đầu, tỷ lệ các em dành thời gian rỗi để đọc sách, báo vẫn cao nhất so với các hoạt động khác . Nhu cầu tìm kiếm thông tin trên Internet của các em cũng bắt đầu hình thành. Các em cũng biết tìm kiếm những tác phẩm yêu thích thông qua Internet. Một số em đã bắt đầu có ý thức về mục đích đọc sách, biết tìm đến những cuốn sách có nội dung tốt, có tác dụng giáo dục cao như truyện cổ tích, truyện danh nhân, truyện lịch sử, truyện khoa học hay truyện viết về tình bạn
Học sinh tiểu học đã bắt đầu hình thành kỹ năng đọc hiểu và lĩnh hội các giá trị trong sách, báo và vận dụng trong học tập và đời sống. Nếu xem xét khả năng cảm thụ sách ở 5 mức độ: mức thấp nhất là không nhớ gì sau khi đọc, mức thứ hai là nhớ một số chi tiết chủ yếu, mức thứ ba nhớ được nội dung chính, mức thứ tư là hiểu được chủ đề, nhớ tên sách và tên tác giả, mức thứ năm là vừa hiểu rõ chủ đề, nội dung, vừa có khát khao muốn vận dụng vào cuộc sống. Có thể thấy phần lớn các em đạt mức độ trung bình trong cảm thụ nội dung sách, tức là mức thứ ba . Trong quá trình đọc, nhiều em đã biết ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình để các em có thể ghi nhớ lâu hơn, đồng thời cũng trao đổi với người thân những ý kiến, cảm nghĩ của mình về các cuốn sách đã đọc. Đó là một trong những kỹ năng rất tích cực giúp các em đọc sách hiệu quả.
Kiến thức trong sách, báo đã đọc được đa số các em lĩnh hội và ứng dụng vào học tập, giúp các em hiểu bài nhanh hơn, tốt hơn . 48% học sinh đã biết thường xuyên vận dụng kiến thức trong sách trong quá trình học tập.
Các em đã có những hành vi ứng xử có văn hoá đối với sách, báo cả trong khi đọc sách và sau khi đọc. Kết quả điều tra cho thấy 80% học sinh có ý thức giữ gìn sách, báo cẩn thận. Rất hiếm hành động cắt, xé trang sách, viết, vẽ vào sách, làm mất sách, không quan tâm đến sách.
Tuy nhiên, vẫn còn những nguy cơ phát triển lệch lạc tiềm ẩn trong VHĐ của học sinh tiểu học. Nhu cầu đọc của các em chưa hài hoà, chưa thực sự bền vững. Một số em dành rất ít thời gian cho việc đọc sách. Bên cạnh những em do bản thân có ý thức đọc sách thì vẫn có những em cần đến sự động viên, khuyên bảo của thầy cô, cha mẹ chứ chưa phải là nhu cầu thực sự từ chính bản thân các em. Ở lứa tuổi các em, cần phải đọc mọi chủ đề liên quan đến cuộc sống để tiếp thu kinh nghiệm xã hội một cách toàn diện. Nhưng trong thực tiễn vẫn có một số học sinh có nhu cầu, hứng thú đọc phiến diện, ngoài những tác phẩm văn học được học trong chương trình học, không đọc thêm bất cứ tác phẩm nào khác mà chủ yếu đọc truyện tranh. Nếu không được định hướng kịp thời, rất có thể các em sẽ có xu hướng đọc lệch lạc, phiến diện do dễ bị lôi kéo, bắt chước.
 	Kỹ năng hiểu và lĩnh hội các giá trị trong sách, báo chưa cao và chưa ổn định. Những phương pháp đọc hiệu quả như đọc có trọng điểm, có ghi chép lại chưa thực sự là thói quen . Nhiều em chỉ đọc lướt để nắm được ý chính của tác phẩm. Đa số các em không ghi chép, trao đổi sau khi đọc và nếu có thì không thường xuyên thực hiện. Chính vì vậy, đa số các em mới dừng lại ở mức độ trung bình trong cảm thụ sách, số em đạt mức độ cảm thụ sách cao chưa nhiều. Việc lĩnh hội, ứng dụng những kiến thức đã được đọc trong sách để sử dụng vào thực tiễn của các em cũng còn khá khiêm tốn. Vẫn còn nhiều em chưa vận dụng kiến thức đã đọc vào việc học tập hay đời sống. Vẫn chưa có sự khác biệt rõ nét về khả năng hiểu và lĩnh hội nội dung sách giữa những em có học lực khá giỏi với những em học trung bình.
Một số em chưa có văn hoá ứng xử với tài liệu, vẫn còn có những hành động thiếu trân trọng sách, báo như: cuộn sách, gấp trang để đánh dấu, để sách, báo không ngay ngắn trên giá. 
Một số đề xuất
Không thể phủ nhận rằng thư viện trường tiểu học với những hoạt động đa dạng và sinh động đã có đóng góp khá lớn trong sự phát triển VHĐ của học sinh, đồng thời những hạn chế trong VHĐ của các em cũng phản ánh những điểm yếu trong hoạt động thư viện. Mặt khác, cũng phải nhận thức rõ rằng, chất lượng giáo dục VHĐ cho học sinh trong thư viện trường học không chỉ phụ thuộc vào chính nhân viên thư viện mà còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác. Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục VHĐ cho học sinh tiểu học trong thư viện trường học, cần phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ.
- Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp quản lý về vai trò của thư viện trường học trong giáo dục VHĐ, đặc biệt với học sinh tiểu học. Chỉ có sự quan tâm đúng và đủ của các cấp lãnh đạo, nguồn lực vật chất, nguồn lực con người mới được đảm bảo và quan trọng nhất một cơ chế phối hợp hiệu quả mới được chấp nhận, đó chính là điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả giáo dục VHĐ cho các em. Bên cạnh việc coi chất lượng hoạt động thư viện như một tiêu chí đánh giá chất lượng chung của nhà trường như hiện nay, cần tăng cường các buổi toạ đàm trao đổi về vai trò của thư viện và các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động thư viện trường tiểu học với sự tham gia của lãnh đạo nhà trường.
- Nâng cao năng lực chuyên môn và lòng yêu nghề cho nhân viên thư viện trường tiểu học. Sự đãi ngộ đối với nhân viên thư viện trường học chưa tương xứng với những đòi hỏi khách quan đối với công việc của họ. Nhân viên thư viện trường tiểu học chỉ được nhận mức lương thấp không được hưởng phụ cấp cũng như thâm niên . Hầu hết nhân viên thư viện các trường tiểu học chưa được nhận phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp. Chính sách đó ít nhiều hạn chế sự nhiệt tình và chất lượng công tác của nhân viên thư viện. Để nâng cao sự nhiệt tình và lòng yêu nghề của nhân viên thư viện, cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Được đãi ngộ xứng đáng, nhân viên thư viện sẽ yên tâm công tác và làm việc với chất lượng cao hơn.
- Tăng cường vốn tài liệu và cơ sở vật chất trang thiết bị cho thư viện. Trong thực tế, nhu cầu đọc của các em đang phát triển, nhưng vốn tài liệu của thư viện trường tiểu học còn hạn chế. 
- Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa thư viện với giáo viên chủ nhiệm và gia đình trong giáo dục VHĐ cho các em học sinh tiểu học. Nhân viên thư viện đã có nhiều cố gắng trong việc phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm trong hướng dẫn các em đọc sách, tuy nhiên cần có cơ chế cụ thể để sự phối hợp đó được tiến hành một cách thường xuyên và có hiệu quả cao hơn. 
Trong những năm gần đây, thư viện trường tiểu học đã có những đóng góp đáng kể trong giáo dục VHĐ cho học sinh. Hy vọng trong tương lai, với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo ngành Giáo dục, cũng như sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên thư viện, thư viện trường tiểu học sẽ trở thành những trung tâm phát triển VHĐ, góp phần tạo nên những thế hệ năng động, sáng tạo cho tương lai.

File đính kèm:

  • doctap_huan_nang_cao_ve_thu_vien_truong_hoc_va_phat_trien_van_h.doc
Bài giảng liên quan