Đề khảo sát chất lượng học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 7 - Năm học 2018-2019 - Phòng GD&ĐT huyện Nho Quan (Có đáp án)

Câu 1 (4,0 điểm). Từ văn bản đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ về tình yêu thương với người thân trong gia đình.

doc5 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 25/07/2023 | Lượt xem: 243 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề khảo sát chất lượng học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 7 - Năm học 2018-2019 - Phòng GD&ĐT huyện Nho Quan (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
UBND HUYỆN NHO QUAN
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 7
Năm học 2018 – 2019
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài 120 phút
(Đề thi gồm 02 phần trong 01 trang)
Phần I. Đọc hiểu văn bản (4,0 điểm). 
	Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi.
Khi tôi lên tám hay chín tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một buổi tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng mà lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chủ động ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà”.
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy không. Cha khoác tay qua vai tôi và nói: 
- Mẹ con đã làm việc vất vả cả ngày và rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai, trách móc cay nghiệt đấy. 
Rồi ông nói tiếp: 
- Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được ngày sinh nhật hay ngày kỉ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua những năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.
 (Nguồn: Quà tặng cuộc sống)
1. Đặt nhan đề phù hợp cho văn bản. (0,5 điểm)
2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
3. Theo người cha, “Chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững” là gì ? (1,0 điểm)
4. Em hiểu như thế nào về lời của người cha: “Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai, trách móc cay nghiệt đấy.”(1,0 điểm) 
5. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất đối với em ? (1,0 điểm)
Phần II. Tạo lập văn bản (14,0 điểm). 
Câu 1 (4,0 điểm). Từ văn bản đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ về tình yêu thương với người thân trong gia đình.
Câu 2 (12,0 điểm).
“Bài thơ Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.”
Hãy phân tích bài thơ Tiếng gà trưa để làm sáng tỏ ý kiến trên.
UBND HUYỆN NHO QUAN
PHÒNG GD&ĐT NHO QUAN
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 7
Năm học 2018 – 2019
MÔN: NGỮ VĂN
 (Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
Phần I. Đọc hiểu văn bản (4,0 điểm)
1. Học sinh có thể đặt nhiều nhan đề khác nhau, miễn sao hợp lí, sát với nội dung và ý nghĩa của văn bản. Gợi ý: Miếng bánh mì cháy. (0,5 điểm)
2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: Tự sự (0,5 điểm)
3. Theo người cha, “Chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững” là: học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. (1,0 điểm)
4. Học sinh chỉ ra được ý nghĩa của lời nói: những lời chê bai, trách móc sẽ để lại những tổn thương rất lớn cho con người. Vì vậy, hãy tha thứ, cảm thông cho nhau khi có thể. (1,0 điểm)
6. Học sinh có thể tùy chọn một trong những thông điệp mà câu chuyện gửi gắm như: tình thương yêu trong gia đình, sự tha thứ, lòng cảm thông, cách chấp nhận những khiếm khuyết của người khác(1,0 điểm)
Phần II. Tạo lập văn bản (16,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm). 
Yêu cầu về kĩ năng: Viết đoạn văn theo yêu cầu; lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, xác đáng; diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc; ngôn từ trong sáng, dễ hiểu; hình thức trình bày sạch sẽ.
	Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo một số ý sau:
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Tình yêu thương với người thân trong gia đình.
- Giải thích: đó là sự yêu mến, cảm thông, chia sẻvới những người thân yêu quanh ta.
- Ý nghĩa của tình yêu thương với những người thân:
+ Giúp mối quan hệ giữa những người thân thêm gần gũi, gắn bó.
+ Đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi thành viên trong gia đình.
+ Làm cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn
- Bài học nhận thức và hành động: 
+ Gìn giữ, phát huy tình yêu thương với những người thân trong mái ấm.
+ Lên án thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu tình yêu thương giữa những người thân yêu với nhau.
Thang điểm:
	- Điểm 4,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu. Bài làm có tính sáng tạo.
	- Điểm 3,0 – 3,5: Đáp ứng 2/3 các yêu cầu; lập luận tốt; chứng cứ xác thực; ngôn ngữ biểu cảm; còn một vài sai sót về chính tả.
	- Điểm 20 -2,5: Đáp ứng 50% các yêu cầu; biết lập luận; đưa dẫn chứng hợp lí; diễn đạt có chỗ chưa thoát ý, còn mắc một số lỗi chính tả.
	- Điểm 1,0 – 1,5: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu; lập luận chưa chặt chẽ; dẫn chứng chưa toàn diện; diễn đạt lủng củng; ngôn ngữ thiếu sức biểu cảm.
	- Điểm 0,0: Lạc đề hoặc không làm bài.
Câu 2 (12,0 điểm).
	 Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học đúng theo yêu cầu của đề bài; đảm bảo bố cục; các ý trong thân bài được sắp xếp hợp lí; lập luận chặt chẽ; dẫn chứng toàn diện, thuyết phục; diễn đạt tốt, dùng từ chuẩn mực, chữ viết rõ ràng.
	Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo một số ý sau:
1. Mở bài:
Có thể giới thiệu khái quát về nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ Tiếng gà trưa.
Dẫn ý kiến nhận xét: “Bài thơ Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.”
2. Thân bài: Học sinh cần làm sáng tỏ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu được thể hiện qua bài thơ. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
 Bài thơ Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu: 
- Trên đường hành quân xa, người chiến sĩ chợt nghe tiếng gà nhà ai nhảy ổ, tiếng gà đã gợi về những kỉ niệm tuổi thơ thật êm đềm, đẹp đẽ:
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
Cục..cục táccục ta
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ.”
Bài thơ mở đầu bằng những vần thơ tự nhiên mà bình dị, thủ thỉ như kể về một câu chuyện hết sức bình thường. Người chiến sĩ trên đường hành quân mệt mỏi dừng chân bên một xóm nhỏ, anh nghe tiếng gà gáy trưa để rồi những cảm xúc tuổi thơ chợt ùa về. Ơ đây, điệp tử “nghe” như mở rộng về chiều sâu cảm xúc của nhân vật. Mỗi lần từ “nghe” lặp lại, âm thanh của tiếng gà như lan tỏa thêm. Đầu tiên là sự thay đổi của ngoại cảnh “nghe xao động nắng trưa”, tiếp đến là sự thay đổi của cảm giác “nghe bàn chân đỡ mỏi” để rồi cuối cùng là sự thấm sâu vào tâm hồn “nghe gọi về tuổi thơ”. Điêp từ “nghe” cùng ẩn dụ chuyển đổi cảm xúc đã diễn tả tình tế sự thay đổi cảm xúc của nhân vật trữ tình. Tiếng gà là âm thanh của thực tại, nhưng nó lại vọng về được tận kí ức, đánh thức những xúc cảm luôn giấu kín mà tưởng như con người đã quên.
- Kỉ niệm về hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng đẹp như trong tranh hiện ra trong nỗi nhớ.
“Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng” 	
- Một kỉ niệm về tuổi thơ dại: tò mò xem trộm gà đẻ bị bà mắng, nỗi lo sợ của trẻ thơ khờ dại.
“- Gà đẻ mà mày nhìn
 Rồi sau này lang mặt
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng”	
- Người chiến sĩ nhớ tới hình ảnh người bà đầy lòng yêu thương, chắt chiu, dành dụm chăm lo cho cháu:
 “Tay bà khum soi trứng
 Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp”
Hình ảnh người bà “tay khum soi trứng” thật đẹp, thật hiền từ, đó là hình ảnh của một người bà tần tảo, chu đáo sớm hôm lo cho đàn gà đẻ trứng và cũng là lo cho gia đình thân yêu.
- Niềm vui và mong ước nhỏ bé của tuổi thơ: được bộ quần áo mới từ tiền bán gà – ước mơ ấy đi cả vào giấc ngủ tuổi thơ
“Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt”
Biết bao khó khăn khi gió mùa đông đến, trời giăng sương muối, bà không lo cho bà mà chỉ lo cho đàn gà. Tất cả để đánh đổi lấy niềm vui của cháu, để cuối năm cháu được có quần áo mới. “Cứ hàng năm hàng năm” cụm từ chỉ thời gian kéo dài, cho ta thấy đức hi sinh, nhẫn lại của người bà đồng thời qua giọng thơ ta cũng thấy được niềm kình yêu vô bờ của người cháu đối với bà.
- Lần thứ tư Tiếng gà trưa lại cất lên. Tiếng gà gọi về những giấc mơ của người lính trẻ.
“Tiếng gà trưa
Mang bao nhiều hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng.”
Âm thanh xao động của tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng, nó gợi tình cảm đẹp trong lòng người chiến sĩ hành quân ra trận. Âm thanh ấy như tiếng của quê hương, đất mẹ thân yêu. Tiếng gà trưa, đâu chỉ là âm thanh của một con vật vô tri mà nó là tiếng gọi của tuổi thơ, của yêu thương hồng, là những âm thanh của kí ức tươi đẹp, trong sáng đã theo cháu suốt một đời. nó cứ ám ảnh, âm vang day dứt mãi trong lòng nhà thơ, trong những giấc mơ tuổi nhỏ. Âm thanh ấy đã đi vào tiềm thức đứa cháu nhỏ, đầy dịu dàng mà xúc động thiêng liêng vì nó gắn với tình bà cao cả. Đó cũng là lí do để người cháu sống cống hiến.
Tình cảm bà cháu đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước:
- Tiếng gà trưa với những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ, hình ảnh thân thương của bà đã cùng người chiến sĩ vào cuộc chiến đấu 
- Những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc và cũng vì người bà thân yêu của mình.
“Cháu chiến đấu hôm nay
 	 Vì lòng yêu Tổ quốc
	Vì xóm làng thân thuộc
 	Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
 	Ổ trứng hồng tuổi thơ”	
Điệp từ “vì” được lặp lại 4 lần liên tiếp nhấn mạnh mục đích chiến đấu của người chiến sĩ. Đó là vì Tổ quốc thân thương, vì xóm làng thân thuộc nơi chôn rau cắt rốn của tuổi thơ, vì bà, vì tiếng gà cục tác.
.- Qua những kỉ niệm đẹp được gợi lại, bài thơ đã biểu lộ tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của người cháu với hình ảnh người bà đầy lòng yêu thương, chắt chiu dành dụm chăm lo cho cháu.
- Tình cảm bà cháu đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước của mỗi chúng ta. Tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu Tổ quốc bắt nguồn từ những tình cảm gia đình thật gần gũi, thân thương và cũng thật sâu sắc. Những tình cảm thiêng liêng, gần gũi ấy như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ, như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người để chiến thắng
HS có thể mở rộng và nâng cao bằng việc giới thiệu một số bài thơ khác có cùng chủ đề viết về bà, về mẹ 
3. Kết bài:
 Khẳng định lại nội dung bài thơ.
Học sinh có thể tự liên hệ bản thân, nêu cảm nghĩ về tình cảm gia đình – nguồn sức mạnh cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hôm nay, có thể mở rộng và nâng cao qua một số tác phẩm văn học khác nói về tình cảm gia đình
Thang điểm:
	- Điểm 11,0 – 12,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu. Bài viết có tính sáng tạo.
	- Điểm 9,0 – 10,5: Đáp ứng 80% các yêu cầu; biết làm bài nghị luận văn học; luận điểm rõ ràng; luận cứ xác thực, chọn lọc tiêu biểu; diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ biểu cảm; trình bày sạch sẽ.
	- Điểm 7,0 – 8,5: Đáp ứng 2/3 yêu cầu; biết viết đúng kiểu bài; sắp xếp hệ thống luận điểm hợp lí; chứng cứ rõ ràng, cụ thể; ngôn từ trong sáng, dễ hiểu; trình bày sạch sẽ.
- Điểm 5,0 – 6,5: Đáp ứng 50% yêu cầu; biết làm đúng kiểu bài; có hệ thống luận điểm hợp lí; trình bày sạch sẽ; ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu; tuy nhiên dẫn chứng chưa cụ thể, chi tiết, chọn lọc; còn một số sai sót về diễn đạt và chính tả.
- 3,0 – 4,5: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu; có hệ thống luận điểm; trình bày tương đối sạch sẽ; tuy nhiên dẫn chứng tính thuyết phục chưa cao; còn mắc lỗi về diễn đạt câu và chính tả. 
- Điểm 1,0 – 2,5: Kĩ năng làm bài nghị luận văn học chưa tốt; luận điểm chưa thuyết phục; lí lẽ, dẫn chứng sơ sài; còn sai nhiều lỗi chính tả và diễn đạt câu; ngôn ngữ thiếu tính biểu cảm.
	- Điểm 0,0 – 0,5: Không làm bài, hoặc lạc đề.
Lưu ý: giáo viên linh hoạt khi chấm bài, ưu tiên những bài viết độc đáo, sáng tạo, giàu chất văn chương.
-----------Hết-----------

File đính kèm:

  • docde_khao_sat_chat_luong_hoc_sinh_gioi_mon_ngu_van_lop_7_nam_h.doc