Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn Lớp 9 - Đề 4 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)

Câu 3 :

 Nhận xét về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học, Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập II có viết :

« Hình thức hay là hình thức sáng tạo, sinh động, phù hợp nhất với nội dung, có sức biểu hiện nội dung hùng hồn nhất, gây được ấn tượng sâu sắc nhất. »

Qua việc phân tích vẻ đẹp hình thức của bài thơ « Ánh trăng » (Nguyễn Duy), em hãy bày tỏ cách hiểu của em về vấn đề trên.

 

doc5 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 12/05/2023 | Lượt xem: 315 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn Lớp 9 - Đề 4 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
V4
ĐỀ THI HSG LỚP 9
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
(Đề này gồm: 3 câu, 1 trang)
Câu 1 (2 điểm): 
 Em đọc thấy điều gì đằng sau lời nhắn gửi nhói buốt, cháy lòng của nàng Vũ Nương trên bến Hoàng Giang :
 « Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa »
 (Trích Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ)
 Theo em, tại sao nhà văn không để Vũ Nương trở về sum họp cùng chồng con ?
Câu 2 (3 điểm): 
Bằng một bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi), hãy trình bày suy nghĩ của em về câu chuyện sau:
           Diễn giả Le-o Bu-sca-gli-a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn tuổi.
          Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em bé hỏi em đã trò chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời: "Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc."
                                                         ( "Phép màu nhiệm của đời" - NXB Trẻ, 2005)
Câu 3 (5 điểm) : 
 Nhận xét về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học, Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập II có viết :
« Hình thức hay là hình thức sáng tạo, sinh động, phù hợp nhất với nội dung, có sức biểu hiện nội dung hùng hồn nhất, gây được ấn tượng sâu sắc nhất. »
Qua việc phân tích vẻ đẹp hình thức của bài thơ « Ánh trăng » (Nguyễn Duy), em hãy bày tỏ cách hiểu của em về vấn đề trên.
 - Hết-
PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
TRƯỜNG THCS VÕ THỊ SÁU
V-06-HSG9- VTS – PGDHD
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HSG LỚP 9
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
(Hướng dẫn chấm gồm: 4 trang)
Câu
Đáp án
Điểm
1
(2 điểm)
* Mức tối đa: HS trình bày thành đoạn văn ngắn, đáp ứng được các nội dung cơ bản sau:
- Lời nhắn gửi nhói buốt, cháy lòng của nàng Vũ Nương trên bến Hoàng Giang « ...thiếp chẳng thể trở về được nữa... » đầy nuối tiếc, xót xa, thể hiện:
+ Niềm khát khao cháy bỏng của nàng Vũ Nương được trở về trần gian, được sống sum vầy hạnh phúc trong một mái ấm gia đình. 
+ Sự thật cay đắng, nghiệt ngã : nàng đã thành người thiên cổ, không bao giờ có thể trở về được nữa. Xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ đầy bất công, tàn ác không có chỗ xứng đáng cho nàng. Lời nhắn gửi thiết tha của nàng gieo vào lòng người đọc niềm thương cảm mãnh liệt đồng thời mang ý nghĩa tố cáo sâu sắc, tạo màu sắc hiện thực cho tác phẩm.
- Nhà văn Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm đoạn kết mang màu sắc hoang đường, kì ảo để gửi gắm ước mơ về lẽ công bằng của cuộc đời, về sự chiến thắng của cái đẹp. Thế nhưng nếu người viết để Vũ Nương trở về sum họp cùng chồng con thì câu chuyện kết thúc quá dễ dãi không còn ý nghĩa. Nhà văn đã tinh tế dung hòa giữa hai yếu tố hiện thực và mơ ước. Ước mơ mãi chỉ là ước mơ còn hiện thực vẫn là hiện thực nghiệt ngã. Với cách kết thúc như thế, nhà văn đã tăng sức tố cáo cho tác phẩm, phản ánh hiện thực xã hội phong kiến đầy những bất công tàn ác – nơi người phụ nữ không thể có được hạnh phúc thực sự.
* Mức chưa tối đa: HS trình bày thiếu ý hoặc diễn đạt đôi chỗ chưa tốt
* Mức không đạt: Không có câu trả lời hoặc lạc đề.
0,5 điểm
1 điểm
0,5 điểm
2
(3 điểm)
A- Yêu cầu:
* Mức tối đa:
I/ Về hình thức: HS trình bày dưới dạng bài văn nghị luận xã hội, có bố cục 3 phần mạch lạc, hệ thống luận điểm rõ ràng, chính xác, khoa học. Dung lượng khoảng 1 trang giấy thi.
Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, văn viết có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
II/ Về nội dung: HS đáp ứng được các ý cơ bản sau:
1. Giải thích được nội dung cơ bản của câu chuyện:
- Em bé đạt giải trong cuộc thi vì em là người biết quan tâm, chia sẻ nỗi đau với người khác.
 - Người được chia sẻ không đòi hỏi gì, chỉ cần một chỗ dựa trong lúc đau đớn cũng là quá đủ.
 - Cách em bé quan tâm đến người khác cũng rất "trẻ con": ngồi vào lòng người hàng xóm. Đó là cử chỉ quan tâm rất bình dị, không lời nhưng lại là cách chia sẻ hiệu quả nhất trong tình huống ấy.
2. Chứng minh, bình luận về nội dung câu chuyện:
            - Trong cuộc sống, đôi khi con người gặp phải những mất mát, đau thương, cần có một mối đồng cảm từ những người xung quanh. (dẫn chứng)
            - Biết quan tâm, sẻ chia với người khác là một hành động đẹp. Đó là cách ứng xử nhân văn, đầy tình thân ái. Đôi khi chỉ một sự quan tâm rất nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa lớn lao, giúp người nhận được sự quan tâm vượt qua nỗi đau, có điểm tựa để vươn lên (dẫn chứng)
- Nếu trong xã hội, ai cũng biết cách quan tâm, yêu thương mọi người thì đó sẽ là một xã hội tốt đẹp, phát triển.
3. Liên hệ thực tế, rút ra bài học cho bản thân.
            - Trong cuộc sống, có những bài học vô cùng quý giá mà ta học được từ những điều hết sức bất ngờ. Những em bé đôi khi cũng có những việc làm mà mọi người phải suy ngẫm.
- Tuy nhiên, trong xã hội, vẫn còn tồn tại một bộ phận sống vô cảm, ích kỉ, không biết quan tâm, sẻ chia với mọi người.
- Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của người khác là mình đã làm được một việc ý nghĩa.
- Sống đẹp sẽ nhận được cái đẹp từ cuộc sống.
* Mức chưa tối đa: HS trình bày còn thiếu ý/ nội dung còn sơ sài/ diễn đạt chưa thật lưu loát
* Mức không đạt: Bài viết sai lệch cả về nội dung và hình thức.
1 điểm
0.5 điểm
1 điểm
0.5 điểm
3
(5 điểm)
A- Yêu cầu:
* Mức tối đa:
I/ Về hình thức: HS trình bày dưới dạng bài văn nghị luận văn học, có bố cục 3 phần mạch lạc, hệ thống luận điểm rõ ràng, chính xác, khoa học; kết hợp nhuần nhuyễn giữa giải thích, phân tích, chứng minh và bàn luận. Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, văn viết có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
II/ Về nội dung: HS đáp ứng được các yêu cầu cơ bản sau:
1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, trích dẫn ý kiến nhận định
2. Thân bài: Giải thích, chứng minh ý kiến
2. 1/ Giải thích sơ lược ý kiến :
- Khái niệm « hình thức » được đề cập trong ý kiến chính là hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học, là sự tổng hòa nhiều yếu tố : kết cấu, giọng điệu, hình ảnh, ngôn từ, phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ được sử dụng...
- Các phẩm chất của hình thức cần được chú trọng khi phân tích tác phẩm văn học là sáng tạo, sinh động, phù hợp, biểu hiện nội dung tốt nhất, ấn tượng nhất, in đậm phong cách nghệ thuật của người sáng tác. Đây là mục tiêu cần đạt tới của các nhà văn, nhà thơ khi cầm bút và cũng là tiêu chí để thẩm định giá trị của tác phẩm văn chương.
2.2/ Phân tích vẻ đẹp hình thức của tác phẩm « Ánh trăng »
2.2.1. Bài thơ được viết theo thể thơ 5 chữ, ngôn từ trong sáng, giản dị, tự nhiên. Nét đặc sắc trong bài thơ là tác giả chỉ viết hoa chữ cái đầu mỗi khổ. Kiểu thơ vắt dòng này tạo sự liền mạch về ý tưởng và hình ảnh, sự miên man của cảm xúc trong từng khổ cũng như cả bài thơ.
2.2.2. Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương thức tự sự - trữ tình đóng vai trò chủ đạo và các phương thức phụ trợ như miêu tả, nghị luận.
- Trước hết đây là bài thơ đậm yếu tố tự sự vì :
+ Bài thơ là câu chuyện nhỏ tâm tình men theo dòng chảy thời gian từ quá khứ đến hiện tại 
+ Trung tâm của câu chuyện là hai nhân vật người và trăng. Cốt truyện có diễn biến cụ thể : Trăng và người từng là bạn tri kỉ, gắn bó suốt thời thơ ấu và khi chiến tranh gian khổ. Chính thời gian và hoàn cảnh thay đổi  đã biến mối quan hệ « tri kỉ » thành « người dưng »...
+ Bài thơ xây dựng tình huống bất ngờ, hợp lý : Tình huống mất điện giữa lòng thành phố được tạo dựng khéo léo giúp tư tưởng chủ đề của bài thơ được bộc lộ rõ
- Yếu tố trữ tình nằm trong giọng điệu thơ nhỏ nhẹ, như một lời tâm tình thấm đẫm cảm xúc. Nhà thơ đan cài những từ ngữ biểu cảm hoặc chỉ mối quan hệ tình cảm như : tri kỉ, tình nghĩa, người dưng, rưng rưng... Xuyên suốt gần như toàn bộ bài thơ không dùng một đại từ nhân xưng nào (chỉ đến kết thúc mới có đại từ “ta”) khiến bài thơ trở thành bức thông điệp dành cho tất cả mọi người
- Yếu tố miêu tả có tác dụng khắc họa rõ nét hình ảnh ánh trăng
- Yếu tố nghị luận tập trung ở khổ cuối, nhắc nhở lối sống ân nghĩa thủy chung, truyền thống uống nước nhớ nguồn của cả dân tộc.
2.2.3. Bài thơ xây dựng thành công một hình ảnh mang tính biểu tượng - Trăng, qua đó thể hiện được chiều sâu triết lý của tác phẩm. Bên cạnh nghệ thuật ẩn dụ, nhà thơ đã sử dụng nhân hóa, tương phản rất thành công khi xây dựng hình ảnh ánh trăng . 
2.2.4. Ngay từ cách tạo dựng nhan đề của nhà thơ cũng gửi gắm nhiều ý nghĩa, mang tính chất tượng trưng sâu sắc. “Ánh trăng” – ánh sáng của trăng đã trở thành ánh sáng trong mỗi tâm hồn, tượng trưng cho phần tốt đẹp, nhân ái, thủy chung, được tác giả chọn làm nhan đề, qua đó chứng minh sự tinh tế, sáng tạo trong cách dùng từ ngữ của tác giả.
3. Kết bài : Khái quát, nêu cảm nghĩ :
- Nguyễn Duy – nhà thơ có phong cách nghệ thuật và cá tính sáng tạo độc đáo
- Bài thơ Ánh trăng là một bài thơ hay về nội dung, đã lựa chọn được một hình thức nghệ thuật phù hợp.
* Mức chưa tối đa: HS trình bày còn thiếu ý/ nội dung còn sơ sài/ diễn đạt chưa thật lưu loát
* Mức không đạt: Bài viết sai lệch cả về nội dung và hình thức.
0.5 điểm
0.5 điểm
0.5 điểm
1.5 điểm
1 điểm
0.5 điểm
0.5 điểm

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_mon_ngu_van_lop_9_de_4_phong_gddt.doc