Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn Lớp 9 - Vòng 2 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)

Câu 2 ( 3 điểm):

 Khi trả lời câu hỏi: Nếu được quyền thay đổi một điều trong cuộc sống, em muốn thay đổi điều gì?

 Một số bạn đã bày tỏ như sau:

 Bạn thứ nhất: Tôi ước đứa em gái 4 tuổi của tôi không bị điếc.

 Bạn thứ hai: Tôi ước chứng đau lưng của bố tôi thuyên giảm để bố tiếp tục công việc vì gia đình tôi đã cạn kiệt tài chính.

 Bạn thứ ba: Tôi ước mẹ tôi không bị ung thư.

 Bạn thứ tư: Tôi ước gia đình tôi có một ngôi nhà mới để mỗi mùa mưa bão chúng tôi không phải sống trong nỗi sợ hãi.

 Bạn thứ năm: Tôi ước cho cuộc chiến ở Siri dừng lại, thế giới này mãi mãi được hòa bình, mọi người yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau .

 Còn em, nếu được hỏi, em sẽ thay đổi điều gì?

 

doc5 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 11/05/2023 | Lượt xem: 210 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn Lớp 9 - Vòng 2 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN NGỮ VĂN - VÒNG 2
Thời gian làm bài: 150 phút
(Đề thi gồm 03 câu, 01 trang)
Câu 1 ( 2 điểm): Cảm nhận về giọt nước mắt của nhân vật ông Sáu qua đoạn trích sau:
“ Trong lúc đó, nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con:
Ba đi rồi ba về với con.
Không! – Con bé hét lên, hai tay nó xiết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không 
thể giữ được ba nó, nó giang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.”
( Trích “ Chiếc lược ngà” – Nguyễn Quang Sáng )
Câu 2 ( 3 điểm):
	Khi trả lời câu hỏi: Nếu được quyền thay đổi một điều trong cuộc sống, em muốn thay đổi điều gì?
	Một số bạn đã bày tỏ như sau:
	Bạn thứ nhất: Tôi ước đứa em gái 4 tuổi của tôi không bị điếc.
	Bạn thứ hai: Tôi ước chứng đau lưng của bố tôi thuyên giảm để bố tiếp tục công việc vì gia đình tôi đã cạn kiệt tài chính.
	Bạn thứ ba: Tôi ước mẹ tôi không bị ung thư.
	Bạn thứ tư: Tôi ước gia đình tôi có một ngôi nhà mới để mỗi mùa mưa bão chúng tôi không phải sống trong nỗi sợ hãi.
	Bạn thứ năm: Tôi ước cho cuộc chiến ở Siri dừng lại, thế giới này mãi mãi được hòa bình, mọi người yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
	Còn em, nếu được hỏi, em sẽ thay đổi điều gì?
Câu 3 (5 điểm):
 “ Tràng giang” là bài thơ tiêu biểu, nổi tiếng nhất của nhà thơ Huy Cận được sáng tác trước Cách mạng tháng tám 1945. Trong bài thơ có đoạn:
	 “ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
	Con thuyền xuôi mái nước song song
	Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
	Củi một cành khô lạc mấy dòng
	Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
	Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
	Nắng xuống chiều lên sâu chót vót
	Sông dài trời rộng bến cô liêu ”
	Từ sự cảm nhận đoạn thơ trên em hãy làm rõ nét mới của hồn thơ Huy Cận qua bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” ( Huy Cận )
------------- Hết-------------
Giám thị 1: .................................................. Giám thị 2: .................................................
SBD: ................... Họ và tên thí sinh: ..............................................................................
PHÒNG GD & ĐT TP HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI
CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN NGỮ VĂN - VÒNG 2
Thời gian làm bài: 150 phút
(Hướng dẫn chấm gồm 03 câu, 04 trang)
Câu
Ý
Nội dung
Điểm
1
1- Yêu cầu về kĩ năng:
Viết dưới dạng một đoạn văn ngắn ( hoặc bài văn nhỏ).
Diễn đạt sáng rõ, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
2- Yêu cầu về nội dung:
- HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
+ Hoàn cảnh xuất hiện giọt nước mắt: những giây phút cuối của cuộc chia tay, khi ông Sáu lên đường nhận nhiệm vụ.
+ “Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc”: ông Sáu đã khóc ở trong lòng-> kìm nén cảm xúc ( đan xen nhiều cảm xúc. nhưng đang cố kìm giữ trong lòng) -> bản lĩnh của người cha, người chiến sĩ
+ “Một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”: khi ôm con vào lòng thì cảm xúc vỡ òa thành giọt nước mắt -> thể hiện niềm hạnh phúc của người cha
-> Giọt nước mắt của ông Sáu thể hiện tình cha con sâu nặng -> đó không chỉ là một tình cảm muôn thuở có tính nhân bản bền vững mà còn được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ hi sinh của người cán bộ cách mạng. -> Tình cảm ấy càng đáng được trân trọng. Đồng thời cũng cho ta thấy được nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho con người
2,0
2
1-Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội theo hướng mở.
Bố cục bài viết hoàn chỉnh, kết cấu chặt chẽ.
Học sinh trình bày luận đề , luận điểm rõ ràng, mạch lạc.
Văn viết trong sáng, có cảm xúc. diễn đạt lưu loát, lí lẽ thuyết phục.
Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
2-Yêu cầu về kiến thức
Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
 - HS bày tỏ được điều bản thân muốn thay đổi ( Điều muốn thay đổi có thể ở phạm vi cuộc sống chung của xã hội, có thể chỉ với cuộc sống riêng cá nhân học sinh; Điều cần thay đổi phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, có thể thay đổi được chứ không phải điều gì to lớn quá sức tưởng tượng hoặc viển vông không tưởng.)
 - Đánh giá vấn đề: 
+ Khẳng định sự thay đổi mà con người mong muốn luôn theo hướng tích cực, đem lại những điều tốt đẹp .
+ Vì sao em mong muốn có sự thay đổi đó? Sự thay đổi đó có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân và xã hội.
 - Bàn luận, mở rộng: 
+ Phê phán những mơ ước viển vông, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội
 + Làm thế nào để biến mong muốn của bản thân trở thành hiện thực..(Thái độ bày tỏ phải chân thành, cần đề ra được hành động thiết thực, tích cực góp phần thay đổi cuộc sống, xây dựng quê hương đất nước, thể hiện một nhân cách đẹp.)
 Lưu ý: - Lý lẽ chặt chẽ, dẫn chứng thiết thực hợp lý, sinh động có sức lay động lòng người.
3-Biểu điểm:
*Mức tối đa – 3,0 điểm: đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
* Mức chưa tối đa:
- Điểm 2 -> 2,75: đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên, còn mắc một vài lỗi về kiến thức và kĩ năng.
- Điểm 1,5 -> 2,0: đáp ứng cơ bản yêu cầu trên, còn mắc một vài lỗi về kiến thức và kĩ năng.
- Điểm 1 -> 1,5: Bài sơ sài, thiếu nhiều ý, lúng túng trong triển khai vấn đề.
* Mức không đạt: không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
3,0
3
1- Yêu cầu về kĩ năng
- Nắm vững phương pháp nghị luận tác phẩm văn học, thể hiện sự cảm nhận tinh tế.
- Bố cục hợp lý, luận điểm rõ ràng, dẫn chứng cụ thể tiêu biểu.
- Lập luận, so sánh đối chiếu để làm rõ luận đề.
- Diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp..
- Văn viết trong sáng, có cảm xúc.
2- Yêu cầu về kiến thức:
HS có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
`	a- Cảm nhận đoạn thơ trên để làm rõ đặc điểm thơ Huy Cận trước Cách mạng:
- Học sinh bám sát vào các từ ngữ và hình ảnh trong đoạn thơ để cảm nhận, làm rõ ( Từ ngữ: buồn, điệp điệp, song song, một, lạc, sầu, đìu hiu, lơ thơ, vãn, cô liêu; Hình ảnh: sóng gợn, con thuyền, củi một cành, cồn nhỏ, bến cô liêu )
-> Đoạn thơ được viết trước Cách mạng tháng tám phản ánh rõ nét tâm hồn Huy Cận ảo não, bơ vơ trong cái tôi lẻ loi trước vũ trụ bao la, đẹp mà buồn.
	b- Phân tích, chứng minh làm rõ nét mới của hồn thơ Huy Cận sau cách mạng:
* Giới thiệu khái quát về bài thơ: 
- Được viết năm 1958, khi đất nước đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và đi vào xây dựng cuộc sống mới, không khí hào hứng, phấn chấn tin tưởng bao trùm trong đời sống xã hội. Và ở khắp nơi dấy lên phong trào phát triển sản xuất xây dựng đất nước. Chuyến thâm nhập thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh vào nửa cuối năm1958 đã giúp nhà thơ Huy Cận thấy rõ và sống trong không khí lao động ấy của nhân dân ta, góp phần quan trọng mở ra một chặng đường mới trong thơ Huy Cận. 
- Bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” cho ta thấy hai nguồn cảm hứng trong sáng tác của Huy Cận sau 1945: cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ rộng lớn, tráng lệ, kì vĩ độc đáo và cảm hứng về con người lao động say sưa, hào hứng hòa hợp với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên 
* Phân tích, chứng minh:
-1- Cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ:
 	- Cảnh biển lúc hoàng hôn  ( dẫn chứng, phân tích)
 - Cảnh biển về đêm .( dẫn chứng, phân tích)
 - Cảnh bình minh .( dẫn chứng, phân tích)
-> Cũng vẫn là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ:
+ Trong bài Tràng Giang cảnh trời nước mênh mông tỏa ra một nỗi buồn man mác 
+ Trong Đoàn thuyền đánh cá khung cảnh hiện lên rộng lớn, kĩ vĩ , tráng lệ lại chan chứa niềm vui dào dạt
-> Cách cảm nhận cuộc sống và tạo vật của tác giả có sự khác nhau ở hai thời điểm cụ thể: trước Cách mạng tháng tám và sau Cách mạng tháng tám
-2- Cảm hứng về con người lao động
	- Hình ảnh người lao động và công việc của họ, ở đây là đoàn thuyền đánh cá, được đặt vào không gian rộng lớn của biển trời trăng sao để làm tăng thêm kích thước, tầm vóc và vị thế của con người. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp phóng đại cùng với những liên tưởng mạnh bạo, bất ngờ để sáng tạo hình ảnh về người lao động( dẫn chứng: Câu hát căng buồm cùng gió khơi, Thuyền ta lái gió với buồm trăng, Lướt giữa mây cao với biển bằng, Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời) 
	- Hình ảnh người lao động hài hòa với thiên nhiên vũ trụ thể hiện ở sự nhịp nhàng giữa nhịp điệu vận hành của thiên nhiên vũ trụ và trình tự của công việc lao động của đoàn thuyền đánh cá:
	+ Khi mặt trời xuống biển, vũ trụ vào đêm cũng là lúc khởi đầu một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá ( Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi; Thuyền ta lái gió với buồm trăng; Lướt giữa mây cao với biển bằng)
	+ Khi lao động trên biển con người càng trở nên khỏe khoắn, lồng lộng giữa biển khơi : Ra đậu dặm xa dò bụng biển; Dàn đan thế trận lưới vây giăng; Ta kéo xoăn tay chum cá nặng.
	+ Bình minh lên, mặt trời đội biển cũng là lúc đoàn thuyền đánh cá trở về trong niềm vui chiến thắng: Câu hát căng buồm với gió khơi, Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
-> Hình ảnh người lao động trong bài thơ được sáng tạo với cảm hứng lãng mạn thể hiện niềm tin, niềm vui trước cuộc sống mới.-> Con người đã chinh phục thiên nhiên, làm chủ vũ trụ
* Khái quát, đánh giá:
 - Trước Cách mạng, tâm hồn Huy Cận ảo não bơ vơ trong cái tôi lẻ loi trước vũ trụ; sau Cách mạng, nhà thơ đã tìm thấy niềm vui trước cuộc sống mới, con người lao động mới. Cái tôi lẻ loi đã thực sự hòa vào cái ta chung của đất nước, con người. 
 - Nếu Tràng Giang là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng thì Đoàn thuyền đánh cá là bài thơ hay nhất của Huy Cận, thể hiện rõ sự biến chuyển của hồn thơ Huy Cận sau Cách mạng.
Lưu ý: Trong quá trình phân tích, học sinh có thể đối chiếu với nội dung đoạn thơ trích trong bài Tràng Giang của Huy Cận để thấy: thiên nhiên vũ trụ không đối lập với con người, không làm cho hình ảnh con người trở nên nhỏ bé, cô đơn, bơ vơ mà càng nâng cao làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của con người trong sự hài hòa với khung cảnh thiên nhiên.
3- Biểu điểm:
* Mức tối đa – 5 điểm: Đáp ứng tốt yêu cầu trên
* Mức chưa tối đa:
 - Điểm 4 -> 4,75: đáp ứng khá tốt yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi về kiến thức và kĩ năng.
- Điểm 3,0 - > 3,75: đáp ứng cơ bản yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi về kiến thức và kĩ năng.
- Điểm 2,0 - > 2,75: bài sơ sài, thiếu nhiều ý, lúng túng trong triển khai vấn đề.
- Điểm 1,0 -> 1,75: bài quá sơ sài, trình bày và lập luận yếu
* Mức không đạt: không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
* Chú ý: Học sinh có thể làm cách khác nếu đúng vẫn cho điểm tối đa.
5,0
* Chú ý: Học sinh có thể làm cách khác, nếu đúng vẫn cho điểm tối đa.
------------- Hết-------------

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_mon_ngu_van_lop_9_vong_2_nam_hoc_2.doc
Bài giảng liên quan