Đề thi chọn học sinh giỏi Tỉnh môn Ngữ Văn Lớp 9 - Đề 2 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)

Câu 3:

Cùng viết về đề tài tình yêu con nhưng nhà thơ Y Phương lại có cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh rất riêng.

Hãy làm rõ điều đó qua bài thơ “Nói với con” của Y Phương.

 

doc5 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 12/05/2023 | Lượt xem: 236 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi chọn học sinh giỏi Tỉnh môn Ngữ Văn Lớp 9 - Đề 2 - Phòng GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
PHÒNG GD & ĐT TPHD
V2
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
( Đề này gồm 03 câu, 01 trang)
Câu 1 (2,0 điểm)
Ý nghĩa của chi tiết vết thẹo trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
Câu 2 (3,0 điểm)
Trong bài thơ “Ánh trăng”, nhà thơ Nguyễn Duy có viết:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình. 
(Ánh trăng - Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, tập một, NXBGD, tr.156)
Hãy trình bày suy nghĩ của em về cái giật mình giàu ý nghĩa nhân văn đặt ra từ đoạn thơ trên. 
Câu 3 (5,0 điểm)
Cùng viết về đề tài tình yêu con nhưng nhà thơ Y Phương lại có cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh rất riêng.
Hãy làm rõ điều đó qua bài thơ “Nói với con” của Y Phương.
................................Hết ..................................
PHÒNG GD & ĐT GIA LỘC
TRƯỜNG THCS LÊ THANH NGHỊ
MÃ ĐỀ: NV-01-HSG9-LTN-PGDGL
HƯỚNG DẪN CHẤM 
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9
MÔN: NGỮ VĂN
 (Hướng dẫn chấm  gồm 04 trang)
Câu
Đáp án
Điểm
1
(2điểm)
a. Yêu cầu về hình thức
 Viết thành một đoạn văn cảm thụ chi tiết nghệ thuật, diễn đạt mạch lạc, lời văn có cảm xúc.
b. Yêu cầu về nội dung.
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Đánh giá giá trị của chi tiết “vết thẹo” trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng: Bên cạnh hình ảnh chiếc lược ngà, “vết thẹo dài bên má phải” ông Sáu do “Tây bắn bị thương”, mỗi lần xúc động lại “đỏ ửng lên, giần giật trông dễ sợ” cũng là chi tiết giàu ý nghĩa. 
 - Đây là chi tiết nòng cốt tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện: nối kết các tình tiết trong truyện, tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút bất ngờ, hợp lý: 
 + Ông Sáu trở về gia đình gặp con, vì vết thẹo mà bé Thu không nhận cha. Giống như một đập chắn, vết thẹo ngăn giữ tình cảm trong lòng bé Thu để tình yêu thương Thu dành cho người cha trong ảnh càng mãnh liệt Vết thẹo là nguyên nhân gây chia rẽ khiến hai cha con trong suốt mấy ngày phép hiếm hoi bên nhau mà không được hưởng trọn vẹn niềm vui sum họp 
 + Nhờ vết thẹo mà khi bà giải thích Thu hiểu cha và hối hận. Những xúc cảm trong lòng em vỡ òa trong “tiếng kêu như tiếng xé”. Thu nhận cha, yêu cha, yêu vết thẹo, không muốn chia tay cha.
- Tạo kịch tính, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.
- Vết thẹo là chứng tích của chiến tranh, chiến tranh đã gây ra nỗi đau về thể xác và tinh thần cho con người:
 + Chiến tranh gây chia lìa, ly tán.
 + Chiến tranh làm khuôn mặt ông Sáu biến dạng khiến cuộc gặp gỡ của hai cha con đầy éo le, thử thách.
 + Chiến tranh còn tước đi quyền được sống trong hạnh phúc với những bổn phận rất giản dị của con người.
- Chứng tỏ chiến tranh có thể hủy diệt tất cả nhưng không thể hủy diệt được tình cảm con người: cụ thể là tình cha con.
- Làm rõ nét vẻ đẹp của các nhân vật:
 + Ông Sáu yêu nước, dũng cảm, dám chấp nhận hi sinh.
 + Bé Thu có cá tính mạnh mẽ, có tình yêu thương cha sâu sắc, mãnh liệt.
=> Với những ý nghĩa trên, “vết thẹo trên mặt ông Sáu” có thể coi là chi tiết nghệ thuật đặc sắc. 
0,25
0,25
0,25
0,25
0,25
0,25
0,25
0,25
2
(3điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng 
 Học sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội. Bố cục ba phần rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, dẫn chứng phù hợp, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức
Bài viết thể hiện rõ sự nhận thức về vấn đề được thể hiện trong đoạn thơ qua một số luận điểm sau:
* Giải thích, làm rõ cái giật mình giàu ý nghĩa nhân văn đặt ra trong đoạn thơ:
- Giật mình ở đây là một trạng thái tâm lí, cảm xúc, đột nhiên nhận ra điều mình làm chưa đúng với lương tâm, đạo lí.
- Cái giật mình thể hiện trong đoạn thơ: Nhân vật trữ tình - người lính giật mình vì thái độ sống vô tình vô nghĩa, lãng quên ánh trăng. Anh sám hối, ân hận, tự vấn lương tâm 
- Cái giật mình giàu ý nghĩa nhân văn thể hiện sự bừng tỉnh, tự ý thức đáng quý, cần có để làm người theo đúng đạo lí uống nước nhớ nguồn.
* Trình bày suy nghĩ của bản than:
- Trong cuộc sống, con người không ai tránh khỏi những sai lầm. Điều quan trọng là sớm nhận ra sai lầm, từ đó có ý thức sửa chữa sai lầm, hoàn thiện bản thân.
- Những sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng đối với người khác hay xã hội thì dễ nhìn thấy, song có những sai lầm trong hành vi ứng xử hàng ngày không phải ai cũng nhận thức được ngay. Sai lầm được soi chiếu dưới góc độ luật pháp thì dễ phát hiện; song những sai lầm chỉ phán xét bằng lương tâm thì cần phải có thái độ phục thiện.
- Để điều chỉnh hành vi, hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện bản thân, con người không chỉ biết noi gương, học tập, lắng nghe ý kiến, dư luận xã hội, mà quan trọng nhất là biết tự nhìn nhận, soi chiếu lại mình, phải biết giật mình trước những biến động của xã hội và của bản thân.
- Trong cuộc đời cần biết giật mình không chỉ trước lối sống vô tình vô nghĩa mà trước mọi thái độ, hành vi sai lầm của mình. Bởi ý thức tự nhận thức này giúp con người điều chỉnh hành vi bản thân phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Giật mình là biểu hiện của ý thức tự giác, xuất phát từ lương tâm, giúp con người nâng cao năng lực và hoàn thiện nhân cách.
- Phê phán thái độ vô cảm, lẩn tránh, không dám thừa nhận sai lầm, hoặc không biết rút ra bài học từ sai lầm.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Nhận thức sâu sắc bài học phê bình và tự phê bình - dũng cảm nhận lỗi và có ý thức sửa lỗi ngay từ những điều nhỏ nhất.
- Biết bao dung, độ lượng trước lỗi lầm của những người xung quanh và tạo cơ hội để họ sửa chữa.
0,75
1,75
0,5
3
(5điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng 
- Bài viết đủ 3 phần: Mở bài - Thân bài - Kết bài.
- Nắm chắc kĩ năng làm kiểu bài Nghị luận văn học - Nghị luận về một bài thơ. Vận dụng linh hoạt và hợp lí các phép lập luận. Văn viết trong sáng, giàu cảm xúc.
 - Hệ thống luận điểm rõ ràng. Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi về câu, từ, chính tả...
2. Yêu cầu về kiến thức.
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
a. Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
- Bài thơ “Nói với con” của Y Phương nằm trong cảm hứng rộng lớn, phổ biến, muôn thuở của thi ca nói về tình yêu con cái, mong ước thế hệ sau nối tiếp, xứng đáng và phát huy truyền thống của tổ tiên, quê hương. Đó là một tình cảm cao đẹp của con người Việt Nam.
- Song bài thơ có những nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh. Đây là nét độc đáo của tác giả để thể hiện cảm xúc, tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
b. Thân bài: Cần đạt được các ý sau
 * Nhận xét khái quát:
- Cùng viết về một đề tài – tình yêu con – nhưng “Nói với con” của Y Phương so với “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm và “Con cò” của Chế Lan Viên lại mang một nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh.
- Nét riêng ấy là những nét độc đáo, riêng biệt của tác giả trong việc lựa chọn kết cấu, từ ngữ, hình ảnh để thể hiện cảm xúc, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
 * Phân tích từng khía cạnh kết hợp chứng minh, bình luận 
 - Nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc: 
 + Về hình thức: Bài thơ được viết dưới hình thức người cha tâm tình, dặn dò con. Tác giả đã tạo cho bài thơ một giọng điệu tha thiết, trừu mến, ấm áp và tin cậy.
 + Cảm xúc của bài thơ được thể hiện qua cách gọi, cách nói giản dị, mộc mạc, đặc trưng của người dân tộc miền núi: “Người đồng mình” (vùng mình, miền mình, quê hương mình) nghe thật gần gũi, thân thương.
+ Nhiều lời gọi mag ngữ điệu cảm thán, kết hợp các điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc cú pháp tạo giọng điệu tha thiết, trừu mến, yêu thương:
	Người đồng mình yêu lắm con ơi
	Người đồng mình thương lắm con ơi
	Sống trên đá, không chê
	Sống trong thung, không chê
	Con ơi tuy thô sơ da thịt
	Nghe con.
+ Câu dài, ngắn đan xen phù hợp với mạch cảm xúc. Câu dài thể hiện tình cảm tha thiết, câu ngắn thể hiện thái độ, ý chí cương quyết, mạnh mẽ:
	Người đồng mình thương lắm con ơi
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
 Lên đường
 Không bao giờ nhỏ bé được
 Nghe con.
	+ Cảm xúc bài thơ được dẫn dắt một cách tự nhiên, đi từ tình cảm gia đình mở rộng ra tình cảm quê hương và nâng lên thành lẽ sống: con được sinh ra và lớn lên từ cái nôi của gia đình đầm ấm, yên vui, hạnh phúc. Hơn thế, con còn được đùm bọc từ trong cái nôi lớn hơn đó là quê hương. Quê hương (người đồng mình) tuy còn nghèo khó, nhưng con đừng chê mà hãy sống lạc quan, chăm chỉ lao động để xây dựng cuộc sống và quê hương ngày một giàu đẹp hơn. Quê hương (người đồng mình) tuy thô sơ da thịt, mộc mạc trong lời ăn tiếng nói nhưng giàu lòng tự trọng, tâm hồn trong sáng và ý chí lớn lao. Đó là truyền thống tốt đẹp của quê hương, con phải sống cho xứng đáng với truyền thống ấy.
	- Nét riêng trong cách tạo hình ảnh: 
	+ Nhà thơ lựa chọn những hình ảnh độc đáo, gợi tả, gợi cảm đậm sắc thái miền núi: vách nhà, rừng, đá, thung, sông, suối, thác, ghềnh, rất cụ thể mà khái quát; mộc mạc mà chất thơ bay bổng khiến cảm xúc thơ trở nên sinh động, chân thành, tha thiết.
	+ Hình ảnh cụ thể, gần gũi được ví von, so sánh để thể hiện những khái niệm trừu tượng: sống như sông như suối. Nhà thơ ngợi ca sức sống trường tồn, khỏe khoắn, tình yêu tự do tung tỏa mạnh mẽ như sông như, suối của dân tộc Tày với đầy niềm tự hào.
	 + Hình ảnh con người cũng đầy ý chí, nghị lực:
	Người đồng mình  Cao đo nỗi buồn  Xa nuôi chí lớn  Sống như sông như suối  Lên thác xuống ghềnh  Chẳng mấy ai nhỏ bé  Tự đục đá kê cao quê hương  Lên đường không bao giờ nhỏ bé
	=> Chính nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh của nhà thơ đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ và phong cách riêng biệt của tác giả.
c. Kết bài: Đánh giá vấn đề.
	- Bài thơ thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh mang đặc trưng của người dân tộc miền núi.
	- Nhà thơ không chỉ thể hiện tình cảm gia đình đầm ấm, yên vui, yêu thương, gắn bó mà còn ngợi ca sức mạnh và truyền thống cần cù của quê hương, gợi nhắc người đọc tình yêu quê hương, ý chí vươn lên, sống cho xứng đáng với truyền thống quí báu mà quê hương đã gìn giữ, dựng xây.
0,5
0,25
2,25
1,5
0,5
................................Hết ..................................

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_tinh_mon_ngu_van_lop_9_de_2_phong.doc