Đề thi tuyển sinh môn Ngữ Văn vào Lớp 10 THPT (Có đáp án)

Câu 2:

Bầu ơi, thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Suy nghĩ của em về lời khuyên trong câu ca dao trên?

Câu 3:

“Truyện “ Làng” của nhà văn Kim Lân đã diễn tả một cách chân thực và cảm động tình yêu làng xóm, quê hương, đất nước của người nông dân Việt Nam.”

Em hãy phân tích nhân vật ông Hai để làm sáng tỏ nhận định trên.

 

doc5 trang | Chia sẻ: Đạt Toàn | Ngày: 10/05/2023 | Lượt xem: 252 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề thi tuyển sinh môn Ngữ Văn vào Lớp 10 THPT (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
KỲ THI TUYỂN SINH THPT
Môn thi: Ngữ văn. 
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề
 Đề thi gồm: 01 trang
 ............................................. 
Câu 1: (2,0 điểm)
 	Phát hiện và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nổi bật trong câu thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
	( “Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)
Câu 2: (3,0 điểm) 
Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Suy nghĩ của em về lời khuyên trong câu ca dao trên?
Câu 3: (5,0 điểm)
“Truyện “ Làng” của nhà văn Kim Lân đã diễn tả một cách chân thực và cảm động tình yêu làng xóm, quê hương, đất nước của người nông dân Việt Nam.” 
Em hãy phân tích nhân vật ông Hai để làm sáng tỏ nhận định trên. 
..........................Hết..............................
KỲ THI TUYỂN SINH THPT
HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn thi: Ngữ văn.
Câu 1: (2 điểm)
- Chỉ ra đúng biện pháp tu từ nổi bật là ẩn dụ ở từ “ mặt trời” trong câu thơ thứ hai chỉ Bác Hồ. (1 điểm)
- Qua đó ta vừa thấy được sự vĩ đại của Bác Hồ (như mặt trời), vừa thể hiện được sự tôn kính của nhà thơ Viễn Phương nói riêng và nhân dân ta nói chung đối với Bác. (1 điểm)
Cõu 2: (3 điểm)
1. Yêu cầu
a. Về kỹ năng:
- Biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội.
- Luận điểm đúng đắn, sáng tỏ.
- Diễn đạt lưu loát, lí lẽ thuyết phục.
- Có thể viết thành đoạn văn hoặc bài văn ngắn.
b. Về kiến thức: 
Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
* Giải thích: 
- Bầu bí là hai thứ cây khác giống nhưng cùng loài, thường được trồng cho leo chung giàn nên cùng điều kiện sống.
- Bầu bí được nhân hoá trở thành ẩn dụ để nói về con người cùng chung làng xóm, quê hương, đất nước.
- Lời bí nói với bầu ẩn chứa ý khuyên con người phải yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ đồng bào dù mỗi người có khác nhau về tính cách, điều kiện riêng.
* Suy nghĩ về nội dung câu ca dao: 
- Yêu thương đoàn kết sẽ giúp cho con người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Người được giúp đỡ sẽ vượt qua khó khăn, tạo lập và ổn định cuộc sống. Người giúp đỡ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, gắn bó với xã hội, với cộng đồng hơn.
- Yêu thương giúp đỡ nhau là đạo lý, truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay: Các phong trào nhân đạo đã được toàn dân tham gia nhiệt tình, trở thành nếp sống tự nhiên.
- Mọi người trong xã hội biết yêu thương, giúp đỡ nhau sẽ kéo gần khoảng cách giữa người giàu, kẻ nghèo để tiến lên xây dựng xã hội công bằng, giàu mạnh, văn minh.
- Phê phán những người sống thiếu tình thương, trách nhiệm, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại. 
* Liên hệ, mở rộng: 
- Ca dao, tục ngữ có nhiều về tinh thần đoàn kết, yêu thương giữa người với người.
- Sự giúp đỡ lẫn nhau phải tự nguyện, chân thành không màng danh lợi. Quan tâm giúp đỡ người khác cả về vật chất và tinh thần.
- Không phải chỉ yêu thương giúp đỡ người trong cùng một đất nước mà mỗi người cần xây dựng tình cảm bạn bè quốc tế: Yêu thương giúp đỡ các nước bạn khi họ gặp khó khăn, thiên tai
b. Tiêu chuẩn cho điểm
- Điểm 3: Đạt được các yêu cầu nêu trên, lí lẽ thuyết phục, văn viết mạch lạc, không mắc những lỗi diễn đạt thông thường. 
- Điểm 2: Đạt được quá nửa yêu cầu về nội dung. Còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 1: Đạt được một nửa yêu cầu về nội dung, mắc nhiều lỗi về hình thức.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.
Câu 3: (5,0 điểm)
A. Yêu cầu về hình thức: 
Bài viết đảm bảo bố cục mạch lạc, các ý rõ ràng, hệ thống.
Vận dụng linh hoạt và hợp lý các phép lập luận 
Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học
Diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc, có sự liên tưởng, mở rộng tới một số dẫn chứng ngoài bài học nhưng đã học, đã đọc.
Không mắc các lỗi về chính tả, từ, câu.
B. Yêu cầu về nội dung
Mở bài:
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nhân vật ông Hai.
Nêu nhận định của đề bài.
Thân bài:
 * Luận điểm 1: ông Hai yêu làng chợ Dầu tha thiết, mãnh liệt, say sưa kể về làng, khoe về làng mình giàu có nhất tỉnh. Kháng chiến bùng nổ, phong trào cách mạng làm ông thật sôi nổi, có các đoàn thể cứu quốc, có tập quân sự, có phòng văn hoá, thông tin rộng rãi và sáng sủa nhất vùng.
* Luận điểm 2: Yêu làng, gắn bó máu thịt với làng nhưng ông Hai phải đưa gia đình đi tản cư, ông buồn rầu, đau khổ vì nhớ làng da diết, tối nào cũng sang nhà bác Thứ để nói chuyện về làng, ông cứ thao thao bất tuyệt, kể lể giãi bày cho nguôi ngoai nỗi nhớ.
* Luận điểm 3: Nhà văn đặt nhân vật vào tình huống: ở nơi tản cư ông Hai vô tình nghe tin làng chợ Dầu yêu quý của ông làm Việt gian cho Pháp. Qua đó bộc lộ sâu sắc tình yêu làng của ông Hai qua diễn biến tâm trạng của ông.
Niềm tự hào về làng quê của ông sụp đổ.
Nghe tin ông sững sờ “cổ họng nghẹn ắng, da mặt tê rân rân...”
Ông đau đớn nhục nhã: “cúi gằm mặt xuống..”
Ông buồn bã chán chường: “về đến nhà ông nằm vật ra...”
Ông nơm nớp lo sợ: mấy ngày sau ông không dám đi đâu...
Rõ ràng, làng theo giặc là sự xúc phạm ghê gớm vượt quá sức chịu đựng của ông.
* Luận điểm 4: Tình huống gay cấn trên đẩy ông tới một thử thách mới: bị mụ chủ đuổi gia đình ông đi, ông Hai về làng hay ở lại? Có lúc ông đã định về làng nhưng cuối cùng ông quyết định “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. 
 - Lòng yêu làng phát triển thành lòng yêu nước. Đó là bước nhảy vọt trong tâm hồn và tính cách của người nông dân đã được giải phóng. Lòng yêu làng phải hoà nhập với lòng yêu nước thì tình cảm đó mới thiêng liêng và mang tâm hồn thời đại.
* Luận điểm 5: Niềm vui sướng không thể tả xiết của ông Hai khi tin làng ông theo giặc được cải chính. Ông đã vui mừng đi khoe hết mọi người với nét mặt rạng rỡ “ Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ”.
Kết bài: 
- Đánh giá thành công của Kim Lân trong việc xây dựng nhân vật: ngôn ngữ, diễn biến nội tâm, xây dựng tình huống bất ngờ, đầy kịch tính làm cho câu chuyện có sức hấp dẫn và lôi cuốn kỳ lạ.
C. Biểu điểm:
Điểm 5: Bài văn đạt xuất sắc các yêu cầu trên, có các yếu tố sáng tạo trong cách lập luận, có liên hệ kiến thức hợp lý, thuyết phục. Viết câu lưu loát, có những câu văn hay, đậm chất văn chương, không mắc lỗi về chính tả, từ, câu.
- Điểm 4: Bài văn đảm bảo các yêu cầu trên, bài văn sáng tạo song còn chưa xuất sắc, không mắc lỗi nhiều về diễn đạt: chính tả, từ, câu.
- Điểm 3: Bài viết đạt các yêu cầu trên song chưa sâu, chưa có sự sáng tạo trong lập luận, mắc vài lỗi về diễn đạt ở mức cho phép.
- Điểm 2; Bài viết cơ bản đạt các yêu cầu trên song còn hời hợt, sơ sài, chưa thuyết phục, còn mắc nhiều lỗi về chính tả, câu..
- Điểm 1: Bài viết có ý song chưa đầy đủ hoặc chưa hoàn thiện đủ ba phần , chưa đáp ứng yêu cầu trên.
- Điểm 0: Bài lạc đề, sai nội dung, không đúng kiểu bài nghị luận
(Người chấm cho điểm lẻ đến 0,25, vận dụng linh hoạt thang điểm.)

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_mon_ngu_van_vao_lop_10_thpt_co_dap_an.doc
Bài giảng liên quan