Đề khảo sát chất lượng học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2013-2014 - Phòng GD&ĐT huyện Nho Quan (Có đáp án)

Kết thúc truyện “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen – ri, Xiu đã nói với Giôn- xi: “Đó là kiệt tác của cụ Bơ-men, cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng”. Hãy viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về “kiệt tác nghệ thuật” ấy.

doc5 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 25/07/2023 | Lượt xem: 198 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung Đề khảo sát chất lượng học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2013-2014 - Phòng GD&ĐT huyện Nho Quan (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn hãy click vào nút TẢI VỀ
UBND HUYỆN NHO QUAN
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH GIỎI 
Năm học 2013 – 2014
MÔN: NGỮ VĂN 8
 (Thời gian làm bài 150 phút)
Đề thi gồm 03 câu, trong 01 trang
Câu 1 (2,0 điểm)
Chỉ rõ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:
 “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
 Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”.
 (Quê hương, Tế Hanh)
Câu 2 (6,0 điểm)
	Kết thúc truyện “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen – ri, Xiu đã nói với Giôn- xi: “Đó là kiệt tác của cụ Bơ-men, cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng”. Hãy viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về “kiệt tác nghệ thuật” ấy.
Câu 3 (12,0 điểm)
Đoạn trích “Trong lòng mẹ” của tác giả Nguyên Hồng thể hiện một cách sinh động và sâu sắc tình yêu thương mẹ của cậu bé Hồng. Hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.
 ................................HẾT...............................
Thí sinh không sử dụng tài liệu.
Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ tên thí sinh:.Số báo danh:
Giám thị 1:...Giám thị 2:
UBND HUYỆN NHO QUAN
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 8
PHÒNG GD&ĐT NHO QUAN
Năm học: 2013 - 2014
Môn thi: NGỮ VĂN
ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
I. HƯỚNG DẪN CHUNG:
- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng. Giám khảo cần vận dụng linh hoạt, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có ý tưởng sáng tạo.
- Bài viết cần có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những bài mắc quá nhiều các loại lỗi dùng từ, chính tả, đặc biệt là văn viết tối nghĩa thì không cho quá nửa số điểm của mỗi câu.
- Chấm theo thang điểm 20 (câu 1: 2,0 điểm; câu 2: 6,0 điểm; câu 3: 12,0 điểm).
II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
Câu
Nội dung cần đạt
Điểm
1
- Hai câu thơ tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. 
0,5
+ Các từ ngữ được sử dụng để nhân hóa con thuyền: “im, mỏi, trở về, nằm, nghe”. 
+ Tác dụng: Con thuyền hiện lên giống như con người nghỉ ngơi giây lát sau một chuyến ra khơi vất vả, cực nhọc trở về.
0,5
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”.
+ Tác dụng: Con thuyền như một cơ thể sống, nó cảm nhận được “chất muối” của biển đang thấm sâu, lặn dần, đang chuyển động râm ran trong cơ thể mình. Và cũng giống như con người từng trải, với con thuyền, vị muối càng ngấm vào nó bao nhiêu, nó càng dày dạn bấy nhiêu.
0,5
- Con thuyền trong trạng thái tĩnh mà động, con thuyền vô tri vô giác trở nên sống động, có hồn như con người. Tác giả miêu tả con thuyền nhưng thực chất là miêu tả con người. Con thuyền đồng nhất với cuộc đời và số phận của người dân chài.
0,5
2
Yêu cầu về kĩ năng :
Học sinh viết một đoạn văn thể hiện được cảm nhận, cảm xúc riêng của mình; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không mắc quá nhiều lỗi chính tả, lỗi dùng từ cơ bản.
Yêu cầu về kiến thức : 
- Giới thiệu sơ lược về văn bản “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen-ri và trình bày cảm nhận về “kiệt tác nghệ thuật” của cụ Bơ-men.
0,5
- Chiếc lá thường xuân được cụ Bơ-men vẽ trong một hoàn cảnh đặc biệt: Vẽ trong đêm mưa, gió và bão tuyết. Cụ vẽ chiếc lá để gieo niềm tin vào sự sống cho một họa sĩ nghèo đang bị bệnh nặng. Chiếc lá thường xuân như một nhân chứng tươi tốt về cuộc đời không dễ tàn héo. 
1,0
- Chiếc lá giống như thật: Ở gần cuống lá màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa” đến mức cả hai họa sĩ Giôn- xi và Xiu đều tưởng là thật. Bức vẽ ấy không chỉ kì diệu ở chỗ có hồn như thật mà còn xuất hiện kịp thời đúng vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng rơi xuống. 
1,0
- Chiếc lá được cụ Bơ-men vẽ với một mục đích cao cả: Để cứu Giôn- xi, một nữ họa sĩ nghèo bị bệnh. Đó là tác phẩm nghệ thuật được kết tinh từ trái tim nhân đạo sâu sắc.
1,0
- Cụ Bơ- men đã đổi cả mạng sống của mình để vẽ “kiệt tác”. Đó là sự thăng hoa của nghệ thuật, là liều thuốc an thần màu nhiệm giúp Giôn-xi có niềm tin và chiến thắng bệnh tật. Có lẽ hạnh phúc đó đã làm cho ông cụ trước khi nhắm mắt đã mỉm cười. Còn với người đọc chúng ta, chân lí cuộc đời và chân lí nghệ thuật cùng hiện ra một lúc. Điều cao cả nhất đối với con người là tình thương và thiên chức chính của nghệ thuật là chắp cách cho tình thương bất diệt đó.
1,0
- Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố miêu tả và yếu tố tự sự đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của “kiệt tác nghệ thuật” của cụ Bơ-men, cũng như tấm lòng của người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm.
0,5
- Chiếc lá thường xuân cuối cùng “kiệt tác nghệ thuật” của cụ Bơ-men, là thành quả của nghệ thuật chân chính: nghệ thuật vị nhân sinh, là bằng chứng cảm động nhất về tình yêu thương cao cả của những con người nghèo khổ.
1,0
3
Yêu cầu về kĩ năng trình bày: 
- Đảm bảo một văn bản nghị luận có bố cục rõ ràng, hợp lí; tổ chức sắp xếp ý một cách lôgic, chặt chẽ; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không quá nhiều lỗi chính tả, lỗi dùng từ cơ bản
- Tuỳ vào kĩ năng làm bài của học sinh mà giám khảo trừ điểm của cả câu nhưng không trừ quá ½ tổng số điểm của câu.
Yêu cầu về kiến thức : 
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận:
- Giới thiệu về tác phẩm “Những ngày thơ ấu” và đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng.
- Đoạn trích thể hiện sinh động và sâu sắc tình yêu thương mẹ của cậu bé Hồng.
0,5
2. Giải quyết vấn đề:
- Tình yêu thương mẹ là tình cảm tự nhiên của mỗi con người, tình yêu mẹ của cậu bé Hồng được thể hiện trong một cảnh ngộ đáng thương:
+ Gia đình sa sút. Cuộc hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc vì không có tình yêu. Bố nghiện ngập, ốm đau rồi qua đời.
+ Mẹ của cậu bé cùng túng quá phải đi tha hương cầu thực, bỏ lại hai anh em Hồng để vào Thanh Hóa làm ăn và đi bước nữa.
+ Anh em bé Hồng sống mồ côi trong sự ghẻ lạnh của chính những người thân bên nội. Khắc khoải mong chờ mẹ mà cả năm ròng vẫn bặt vô âm tín.
2,0
- Tình yêu thương mẹ thể hiện sự tin tưởng và bênh vực mẹ của bé Hồng trước những âm mưu gieo rắc hoài nghi, khinh miệt và ruồng rẫy mẹ của bà cô bên nội.
+ Niềm tin không gì lay chuyển về người mẹ đáng thương: (Dẫn chứng: Nhưng đời nào tình yêu thương và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”.
+ Nhận rõ âm mưu ác độc của bà cô và em đối phó, quyết liệt chống trả lại những âm mưu ấy theo cách riêng của mình. (Dẫn chứng: Nhận ra ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô; Khi bà cô hỏi có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ không. Khi bà cô nói chuyện cho Hồng tiền để vào thăm em bé
3,0
- Tình yêu thương mẹ thể hiện ở sự căm tức những hủ tục đã đày đọa mẹ và nỗi đớn đau vô hạn khi nghe những lời bà cô kể về tình cảnh đáng thương của mẹ.
+ Nhìn bộ mặt của bà cô, bé Hồng thấy một thứ đạo đức giả hiện hình. Lòng căm tức trào lên: “ Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.
+ Nước mắt chảy ròng ròng hai bên má ., cổ họng nghẹn ứ khóc không ra tiếng
2,0
- Tình yêu thương mẹ thể hiện ở sự nhớ mong khắc khoải khi xa mẹ và niềm hạnh phúc vô bờ bến khi được ở trong lòng mẹ.
+ Ngay từ đầu đoạn trích người đọc đã cảm nhận được nỗi nhớ mong khắc khoải đến băn khoăn của cậu bé Hồng “Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về.” Đó là cách bấm đốt ngón tay mong mẹ từng ngày.
+ Niềm hạnh phúc, niềm vui mừng vô hạn khi được gặp lại mẹ và được ở trong lòng mẹ. (Đoạn cuối: Mừng mừng, tủi tủi khi gặp lại mẹ, cảm giác hạnh phúc mơn man khi ở trong lòng mẹ). Hương vị hạnh phúc ngọt ngào mà thấm đẫm nước mắt đắng cay là biểu hiện cụ thể và sâu sắc nhất tình yêu thương mẹ của bé Hồng.
3,0
- Giọng hồi ký, kết hợp giữa phương thức tự sự xen lẫn biểu cảm, miêu tả cùng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế, tác phẩm đã gieo vào lòng bạn đọc hình ảnh cậu bé Hồng với tình yêu thương mẹ sâu sắc.
1,0
3. Kết thúc vấn đề:
- Khái quát lại giá trị, ý nghĩa của tác phẩm.
0,5
---------------------------HẾT ---------------------------

File đính kèm:

  • docde_khao_sat_chat_luong_hoc_sinh_gioi_mon_ngu_van_lop_8_nam_h.doc