Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ văn (Đề chính thức) - Năm học 2016-2017 - Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình (Có đáp án)
Phân tích nhân vật bé Thu trong văn bản Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (SGK Ngữ văn 9, tập 1 - NXB GD, 2008). Từ đó trình bày suy nghĩ của bản thân về đạo làm con đối với cha mẹ.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH BÌNH ĐỀ CHÍNH THỨC ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2016 - 2017 Môn: Ngữ văn - Ngày thi: 08/6/2016 Thời gian làm bài:120 phút (không kể thời gian giao đề) Đề thi gồm 02 phần trong 01 trang PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (4.0 điểm) Đọc khổ thơ sau và trả lời các câu hỏi: .Không có kính, rồi xe không có đèn, Không có mui xe, thùng xe có xước, Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước: Chỉ cần trong xe có một trái tim. (Trích SGK Ngữ văn 9, tập 1 - NXB GD, 2008) a. Khổ thơ trên được trích trong tác phẩm nào? Ai là tác giả? (1.0 điểm) b. Nhân vật trữ tình trong khổ thơ trên là ai? (0.5 điểm) c. Từ trái tim trong câu thơ thứ tư được dùng để thể hiện biện pháp nghệ thuật gì? Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó? (1.0 điểm) d. Khái quát nội dung khổ thơ trên và trình bày suy nghĩ của bản thân về lòng yêu nước (viết đoạn văn ngắn khoảng 10 câu). (1.5 điểm) PHẦN II: TỰ LUẬN (6.0 điểm) Phân tích nhân vật bé Thu trong văn bản Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (SGK Ngữ văn 9, tập 1 - NXB GD, 2008). Từ đó trình bày suy nghĩ của bản thân về đạo làm con đối với cha mẹ. ------HẾT------ Họ và tên thí sinh :....................................................... Số báo danh:.............................. Họ và tên, chữ ký: Cán bộ coi thi 1:...................................................................... Cán bộ coi thi 2:...................................................................... SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH NINH BÌNH HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC: 2016 - 2017 Môn: Ngữ văn - Ngày thi: 08/6/2016 (Hướng dẫn chấm gồm 03 trang) PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (4.0 điểm) a. Học sinh trả lời chính xác: - Tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (0.5 điểm) - Tác giả: Phạm Tiến Duật. (0.5 điểm) b. Học sinh xác định đúng nhân vật trữ tình trong khổ thơ: - Người lính lái xe (người chiến sĩ, tác giả, nhà thơ, Phạm Tiến Duật). (0.5 điểm) c. Từ trái tim trong câu thơ thứ tư được dùng để thể hiện biện pháp hoán dụ. (0.5 điểm) - Tác dụng: + Giúp người đọc liên tưởng tới những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành nhiệm vụ. (0.25 điểm) + Làm cho câu thơ thêm biểu cảm, hàm súc... (0.25 điểm) d. Yêu cầu đoạn văn (1.5 điểm): * Về hình thức: Đảm bảo dung lượng số câu (8 -12 câu); lập luận chặt chẽ; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp * Về nội dung: Học sinh diễn đạt được các ý sau: - Khái quát về nội dung khổ thơ: Khẳng định dù chiến tranh khắc nghiệt và nguy hiểm; chiếc xe hư hại, mang đầy thương tích nhưng người lính vẫn hoàn thành nhiệm vụ bởi vì trong họ là một trái tim, một tình yêu nước thiết tha cháy bỏng. (0.5 điểm) - Trình bày suy nghĩ của bản thân về lòng yêu nước: + Lòng yêu nước là tình cảm gắn bó tha thiết với gia đình, quê hương, đất nước; truyền thống văn hóa, phong tục, ngôn ngữ... Thể hiện qua nhận thức, lời nói, hành động đóng góp, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Dù là ai, ở đâu, làm gì đều luôn hướng về Tổ quốc, có trách nhiệm làm vinh danh đất nước; không được làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. (0.5 điểm) + Liên hệ bản thân. (0.5 điểm) Lưu ý: Giám khảo linh hoạt, cân đối về nội dung và hình thức phần trình bày của học sinh để cho các mức điểm phù hợp. PHẦN II: TỰ LUẬN (6.0 điểm) I. Yêu cầu về hình thức Học sinh biết làm đúng kiểu bài tích hợp nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Bài viết có đủ 3 phần (mở bài, thân bài, kết luận); kết cấu chặt chẽ; hệ thống luận điểm rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, lưu loát; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp... II. Yêu cầu về nội dung Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách nhưng cần đạt được các ý sau: 1. Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tác giả Nguyễn Quang Sáng, tác phẩm Chiếc lược ngà, nhân vật bé Thu. 2. Phân tích nhân vật bé Thu a. Để làm nổi bật cá tính, phẩm chất của nhân vật bé Thu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đặt nhân vật vào tình huống độc đáo của truyện: Tám năm chiến tranh xa cách, bé Thu chỉ biết mặt ba qua tấm hình chụp chung với má. Đến khi gặp ba, em không chịu nhận và khi em nhận thì cũng là lúc phải chia tay. Đó là lần gặp duy nhất và cũng là lần cuối cùng của Thu với ba mình. b. Phẩm chất, cá tính của nhân vật bé Thu: * Là đứa trẻ hồn nhiên, thông minh, đáng yêu; cá tính mạnh mẽ tuy có phần bướng bỉnh và ương ngạnh. - Giây phút gặp mặt, nghe tiếng ba gọi, Thu ngơ ngác, lạ lùng, hốt hoảng, mặt tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên “Má!Má!”. - Sau đó, Thu nhất định không chịu nhận ông Sáu là cha: nói trổng, gọi là người ta; không chịu gọi ba để nhờ chắt giùm nước cơm. Đặc biệt khi ông Sáu gắp cho cái trứng cá thì Thu bất thần hất ra, cơm văng tung tóe cả mâm. Bị ba giận dữ phát vào mông, em không khóc mà ngồi im, đầu cúi gằm xuống, gắp lại cái trứng cá để vào chén rồi lặng lẽ đứng dậy, bơi xuồng sang nhà ngoại, trước khi đi còn khua dây lòi tói rổn rảng, khua thật to cố ý cho mọi người biết. -> Phản ứng tâm lí cũng như sự ương ngạnh của bé Thu là hoàn toàn tự nhiên, không đáng trách vì trong hoàn cảnh chiến tranh em còn quá nhỏ để có thể hiểu được những khắc nghiệt, éo le của đời sống và người lớn cũng chưa kịp chuẩn bị cho em đón nhận những điều đó. * Có tình yêu thương cha mãnh liệt, sâu sắc. - Khi từ bên ngoại trở về, vẻ mặt của Thu có cái gì hơi khác, không bướng bỉnh, nhăn mày hay cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu,...đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa... -> Điều này dự báo sự biến đổi tâm lí, không giống như trước. - Khi ông Sáu chào con lên đường, Thu bỗng kêu thét lên gọi ba, tiếng kêu như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, tiếng “ba” cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, như vỡ tung ra từ đáy lòng, vừa kêu vừa chạy xô tới, chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba, hôn ba cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba. -> Niềm xúc động trong Thu trào dâng mãnh liệt, nghẹn ngào. - Lí giải của bà ngoại (cũng là phần mở nút của câu chuyện): trước đó Thu không chịu nhận ba là do vết thẹo dài trên mặt, ba không giống tấm hình chụp chung với má. -> Điều này cho thấy tình yêu ba trong Thu rất sâu sắc. Sự đối lập thái độ, tình cảm của Thu trước và sau khi nhận ba thực chất là đều xuất phát từ một tình yêu, sự tôn thờ, lí tưởng cha đến tuyệt đối. => Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí và khắc họa tính cách trẻ thơ chân thực, tinh tế, sinh động; ngôn ngữ giàu chất Nam Bộ, Nguyễn Quang Sáng đã làm nổi bật hình tượng nhân vật bé Thu, một em bé đáng yêu, hồn nhiên, cá tính mạnh mẽ, yêu ghét rạch ròi và giàu tình yêu thương cha tha thiết. Sự thành công của hình tượng nhân vật bé Thu góp phần lớn thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. 3. Từ hình tượng nhân vật bé Thu, trình bày suy nghĩ của bản thân về đạo làm con đối với cha mẹ - Đạo làm con: là tình cảm yêu thương, kính trọng, biết ơn cha mẹ; thực hiện bổn phận chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ... - Biểu hiện: + Vâng lời cha mẹ, tu dưỡng đạo đức, hướng tới hoàn thiện bản thân. + Biết chia sẻ vui buồn, động viên, giúp đỡ cha mẹ. + Có trách nhiệm với quê hương, đất nước, sống nhân ái... cũng là thể hiện đạo làm con với cha mẹ. - Ngăn chặn, lên án, phê phán những hành vi ứng xử bạc bẽo, bất hiếu. - Liên hệ bản thân. 4. Khái quát vấn đề nghị luận: ý nghĩa hình tượng nhân vật bé Thu và đạo làm con. III. Cho điểm - Điểm 5.5 - 6.0: Đáp ứng tốt những yêu cầu trên, có những sáng tạo trong cảm thụ và trình bày vấn đề. Biểu cảm chân thành, tự nhiên, thuyết phục. - Điểm 4.5 - 5.0: Bài viết có hệ thống luận điểm rõ ràng. Đáp ứng khá tốt những yêu cầu về mặt ý; có thể có ý chưa sâu. Mắc một số lỗi nhỏ về dùng từ, diễn đạt. - Điểm 3.5 - 4.0: Đáp ứng khoảng 2/3 yêu cầu trên, có thể trình bày chưa rõ về nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật. Mắc một số lỗi về dùng từ, diễn đạt. - Điểm 2.5 - 3.0: Bài viết chưa sâu, chưa làm nổi bật được cá tính, phẩm chất của nhân vật, chưa khái quát được ý nghĩa của sự đối lập trong thái độ ứng xử của nhân vật. Phần tích hợp có ý nhưng chung chung. Diễn đạt còn rườm rà. - Điểm 1.0 - 2.0: Bài viết sơ sài, lộn xộn về ý, nội dung mang tính chất diễn giải về nhân vật, phần tích hợp đơn giản hoặc hời hợt. Mắc nhiều lỗi các loại. - Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn. --------Hết--------
File đính kèm:
- de_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_mon_ngu_van_de_chinh_thuc_nam.doc